Để Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đi vào cuộc sống

08:55, 13/07/2011

Luật Bảo vệ người tiêu dùng (NTD) gồm 6 chương 51 điều đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2011, tạo hành lang pháp lý hữu hiệu thay thế cho Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi NTD năm 1999.

Luật này giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi NTD cũng như uy tín của các doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, để Luật này sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của NTD, chúng ta vẫn còn nhiều việc cần làm…

 

Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã trao đổi với một số NTD từng mua phải hàng hóa kém chất lượng, trong đó có chị Đoàn Hồng Nhung, trú tại phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên). Chị Nhung cho biết, mới đây, chị đã mua phải sản phẩm bột giặt Omo giả tại một cửa hàng tạp hóa gần nhà. Khi sử dụng thấy chất lượng bột giặt kém hơn hẳn, thường bị vón cục, mùi không thơm, ít bọt lại rất hại da tay, chị mới biết mình đã mua phải hàng “rởm”. Bởi, bao bì kiểu dáng của loại bột giặt này được làm giả rất tinh vi, khó có thể phân biệt bằng mắt thường, trong khi giá bán lại tương đương với hàng thật. Đây là một trong nhiều ví dụ về tình trạng vi phạm quyền lợi NTD hiện nay.

 

Điều đáng nói là những trường hợp mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng như trên ngày càng tăng. Thực tế này được ông Nguyễn Tiến Hoàn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh chia sẻ. Ông Hoàn cho rằng: Tỉnh ta là cửa ngõ vùng Việt Bắc, là trung tâm y tế, giáo dục - đào tạo của đất nước nên các hoạt động kinh tế diễn ra khá sôi động. Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội trên địa bàn mấy năm gần đây luôn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 21,6%/năm. Thế nhưng, cùng với sự phát triển đó, tình trạng vi phạm quyền lợi NTD lại đang tăng lên; hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất; việc đưa một số thông tin trên nhãn hàng hoá không đúng với thực tế của hàng hoá, tình trạng vi phạm về niêm yết giá còn khá phổ biến, gây không ít khó khăn cho các ngành chức năng, ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế của NTD…

 

Được biết, trong các năm từ 2006 đến 2010, lực lượng QLTT tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên ngành phát hiện, xử lý trên 4,6 nghìn vụ vi phạm quyền lợi NTD, trong đó có 314 vụ vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu; 306 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả; 1.298 vụ vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa; 266 vụ vi phạm đo lường chất lượng hàng hóa; 601 vụ vi phạm về lĩnh vực giá; 256 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, còn lại là các vi phạm khác. Các vi phạm trên không chỉ xảy ra ở một số mặt hàng như: thực phẩm công nghệ, hàng vật tư nông nghiệp, hàng tiêu dùng mà hiện nay còn có ở các sản phẩm công nghệ cao như thiết bị điện, điện tử, thiết bị viễn thông… Bên cạnh đó, tình trạng sản phẩm bị lỗi, hỏng không được bảo hành dù vẫn còn thời hạn bảo hành; chất lượng sản phẩm không như cam kết của nhà sản xuất; những hành vi gian lận trong buôn bán… đang diễn ra từng ngày. Tuy NTD có thể phát hiện nhưng không biết phải “kêu” với ai, đành chấp nhận và “rút kinh nghiệm lần sau”. Thực tế đó cho thấy tình trạng vi phạm quyền lợi NTD trên địa bàn đang tăng lên. Quyền lực “thượng đế” của NTD đã và đang không được nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh xem trọng.

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh  có trên 38,7 nghìn cơ sở tham gia kinh doanh thương mại, dịch vụ, trong đó chiếm 98,49% là các hộ kinh doanh cá thể. Đây là các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, tiềm lực tài chính, năng lực quản trị hạn chế, chưa thực sự quan tâm tới quyền lợi NTD. Bên cạnh đó, hệ thống chợ của tỉnh vẫn còn nhiều yếu kém. Trong số, 135 chợ trên địa bàn có 99 chợ ở khu vực nông thôn và tất cả đều là chợ loại 3, chưa được đầu tư xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố; 68,5% diện tích chợ nông thôn là chợ tạm ngoài trời, năng lực quản lý của Ban Quản lý các chợ còn thấp... Do vậy, công tác quản lý đối với thị trường nông thôn cũng như kênh phân phối truyền thống này gặp nhiều khó khăn. Đây là “cơ hội tốt” để các vi phạm quyền lợi NTD tăng lên. Đó là chưa kể đến nhận thức của NTD, đặc biệt là người dân nông thôn còn kém. Nhiều người chưa hình thành thói quen “tiêu dùng thông minh”, thiếu nhiều kiến thức về pháp luật bảo vệ NTD nên chấp nhận chịu thiệt…

 

Đối với kênh phân phối có tổ chức như các siêu thị, trung tâm thương mại, vấn đề bảo vệ quyền lợi của NTD tuy có ưu thế hơn hẳn so với kênh phân phối truyền thống về vấn đề giá cả, niêm yết giá công khai, hàng hóa rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng đảm bảo, nhưng hiện nay tỉnh mới chỉ có 10 siêu thị, tập trung chủ yếu tại T.P Thái Nguyên, chưa có trung tâm thương mại và trung tâm mua sắm. Các siêu thị này có tổng diện tích sàn kinh doanh nhỏ, trên 4,6 nghìn m2, tương đương 460 m2/siêu thị. Doanh thu từ các siêu thị này cũng khá khiêm tốn, bình quân đạt khoảng 90 tỷ đồng/năm, chỉ chiếm gần 1% trong tổng mức bán lẻ hàng hoá trên địa bàn. Một số siêu thị chưa đáp ứng được tiêu chuẩn theo quy định, hoạt động kém hiệu quả…

 

Xuất phát từ thực tế trên, để Luật Bảo vệ quyền lợi NTD sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của NTD trên địa bàn, thiết nghĩ, trong thời gian tới tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về các nội dung của Luật, các nghị định, thông tư hướng dẫn giúp NTD có thể tự bảo vệ mình. Cùng với đó, cần sớm thành lập Hội Bảo về quyền lợi NTD - tổ chức xã hội hoạt động vì quyền của NTD với những quy định cụ thể được nêu trong Luật, nhưng mở rộng hơn so với trước. Theo đó, tổ chức xã hội hoạt động vì quyền của NTD có thể tự khởi kiện nếu phát hiện các vụ việc xâm phạm đến lợi ích công cộng mà không cần đại diện trực tiếp cho những NTD cụ thể nào. Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông, các tổ chức, đoàn thể cũng cần tham gia tích cực tuyên truyền bảo vệ quyền lợi NTD. Tuy nhiên, về lâu dài, việc bảo vệ quyền lợi NTD không chỉ là kinh doanh hàng hóa có chất lượng, giá cả hợp lý mà phải là xây dựng môi trường kinh doanh chuyên nghiệp, xây dựng niềm tin của NTD. Đây chính là mục tiêu các siêu thị, hệ thống bán lẻ và các cơ quan quản lý trên địa bàn cần hướng đến.