Được mùa nhưng chẳng hết lo

08:07, 01/07/2011

Hiện nay, Thái Nguyên có 4.435ha vải, trong đó có 2.794ha vải dưới 10 năm tuổi, số còn lại được trồng từ 10-15 năm trước. Về giống, người nông dân chủ yếu trồng bằng giống vải Thanh Hà. Các vùng trồng vải nhiều của tỉnh phải kể đến là Đồng Hỷ, Đại Từ, Định Hóa, Phổ Yên. Năm nay, năng suất vải ước đạt 31,7 tạ/ha, sản lượng ước đạt 14.058 tấn, tăng gần 500 tấn so với năm 2010. Vải được mùa nhưng người dân vẫn chưa hết nỗi lo.

 

Đang mùa vải thiều chín rộ, bước chân ra đường là thấy những chiếc xe đạp, xe máy chở đầy vải đỏ lựng đi bán. Ghé chân vào một quán bán hàng hoa quả trên đường Bắc Kạn, thuộc địa phận phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên), cô bán hàng tên là Dung đon đả: Chị mua vải đi, vải sạch đấy, giá lại rẻ nữa, chỉ 8.000 đồng một kg thôi.

 

Tôi nhớ năm ngoái, chỉ mua vải với giá 3.000 đến 4.000 đồng/kg mà năm nay, đang vào chính vụ, vải vẫn bán được với giá 8.000đồng/kg. Thậm chí hồi đầu vụ, vải thiều còn bán được với giá 18 đến 20 nghìn đồng/kg. Thế có nghĩa là vụ vải này, người nông dân sẽ có thu nhập cao hơn năm trước.

 

Rời những khu chợ bán vải thiều tấp nập, tôi tìm về các xã Hóa Trung, Hóa Thượng, Khe Mo là những nơi tập trung trồng khá nhiều vải của Đồng Hỷ. Từ xa, những đồi vải, quả đã chín đỏ lựng, người dân đang tấp nập thu hoạch quả vải. Có lẽ, ở các vườn vải khác cũng vậy, bà con cũng đang tập trung nhân công làm công việc này vì thời vụ thu hoạch vải rất ngắn, chỉ kéo dài hơn 1 tháng, nếu thu hoạch chậm, vải sẽ hỏng. Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, năm nay, mặc dù vải cho thu hoạch muộn hơn các năm trước khoảng 4 tuần do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại hồi đầu năm; trong quá trình ra hoa, kết trái lại xuất hiện bệnh sương mai, bọ xít nhưng sản lượng vải vẫn tăng đáng kể so với năm 2010.

 

Hiện nay, toàn tỉnh có 4.435ha vải, trong đó có 2.794ha vải dưới 10 năm tuổi, số còn lại được trồng từ 10-15 năm trước. Về giống, người nông dân chủ yếu trồng bằng giống vải Thanh Hà. Các vùng trồng vải nhiều của tỉnh phải kể đến là Đồng Hỷ, Đại Từ, Định Hóa, Phổ Yên. Năm nay, năng suất vải ước đạt 31,7 tạ/ha, sản lượng ước đạt 14.058 tấn, tăng gần 500 tấn so với năm 2010. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều người thì chất lượng vải giảm hơn so với năm trước. Chị Hà Thị Duyên, một người dân ở phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho rằng: Giá vải năm nay đắt gấp đôi năm ngoái, nhưng quả nhỏ, hình thức không đẹp, ăn không thấy độ ngọt sắc như mọi năm.

 

Nguyên nhân chất lượng quả vải giảm là do năm ngoái, người dân thấy giá bán rẻ nên năm nay không tập trung chăm sóc. Hơn nữa, những năm trở lại đây, vì đầu ra cho quả vải không ổn định, chủ yếu chỉ nội tiêu trên địa bàn và “rớt” giá thảm hại nên bà con không còn mặn mà với cây vải. Thậm chí, 4, 5 năm trước, một số hộ dân ở các vùng được xem là trọng điểm về trồng vải của tỉnh như Định Hóa, Đồng Hỷ… còn chặt bỏ cây vải để trồng thay thế vào đó những loại cây trồng khác đã khiến cho diện tích vải của tỉnh bị “teo” lai. Diện tích vải của tỉnh 3, 4 năm nay không tăng. Thêm vào đó, giá cả vật tư đầu vào những năm trở lại đây không ngừng tăng, dẫn đến đầu tư của người dân vào sản xuất chưa cao; cơ chế chính sách cho cây vải của tỉnh lại không có; các tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào sản xuất vải còn rất hạn chế. Một thực tế nữa là sản xuất vải ở tỉnh còn phân tán, người nông dân chưa chú trọng đầu tư, tính toán đến tính chất ổn định, lâu dài cho đầu ra của sản phẩm; việc chuyển đổi cơ cấu giống còn chậm; công nghệ chế biến vải sau thu hoạch chủ yếu là sấy khô bằng lò thủ công.

 

Cây vải bắt đầu được người dân trong tỉnh đưa vào trồng từ 15 năm trước. Ngay từ khi đưa vào trồng, cây vải đã tỏ ra phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở một số huyện. Với chất lượng vải quả không thua kém nhiều so với Bắc Giang, những năm trước đây, vải Thái Nguyên được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Nhờ trồng vài nhiều hộ dân đã thoát nghèo. Thực hiện trồng vải xen canh với cây chè làm cây bóng mát, cây vải cũng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, cây vải đã góp phần phủ xanh nhiều diện tích đất cằn, đồi núi trọc trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trước thực trạng chất lượng vải đang có chiều hướng xuống cấp và nhằm ngăn chặn tình trạng phá bỏ vải, gây lãng phí tiền của, công sức của nhân dân, ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo người dân trong thời gian tới không chặt bỏ cây vải mà tập trung đầu tư, thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng quả vải, đưa giống vải chín sớm vào trồng (chiếm khoảng 10-15% diện tích trong cơ cấu giống); sản xuất và canh tác vải theo quy trình VietGAP nhằm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng và có cơ hội xuất khẩu hoặc bán sang các tỉnh khác. Để cây vải phát triển ổn định, Ngành cũng kiến nghị tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân về giống, kỹ thuật để chuyển đổi một phần diện tích sang trồng giống vải chín sớm; hỗ trợ, đào tạo, tập huấn cho các hộ dân canh tác vải theo quy trình VietGAP.