Kết quả khả quan đạt được trong những tháng đầu năm nay sẽ tạo đà để Thái Nguyên tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 11 của Chính phủ.
Tình hình kinh tế trong nước và quốc tế những tháng đầu năm 2011 diễn biến khác thường, xuất hiện nhiều yếu tố đáng lo ngại và tiềm ẩn những nguy cơ gây bất ổn, trong đó lạm phát có xu hướng tăng cao. Trước tình hình trên, Chính phủ đã có Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Qua hơn 3 tháng thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, với sự nỗ lực và vào cuộc mạnh mẽ của các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương trong tỉnh, nên kết quả đạt được là rất khả quan.
Nghị quyết số 11 của Chính phủ chỉ rõ những giải pháp cần triển khai ngay gồm: Thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; chính sách tài khoá thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách Nhà nước; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, sử dụng tiết kiệm năng lượng... Trên tinh thần chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ, ngày 14-3-2011, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn và yêu cầu nghiêm túc thực hiện. Tập trung thu ngân sách và cắt giảm chi tiêu công là một trong những giải pháp quan trọng đầu tiên được tỉnh đặc biệt quan tâm. 6 tháng qua, ngành Thuế của tỉnh đã thu ngân sách đạt 58% kế hoạch, vượt tới 50,7% so với cùng kỳ năm trước. Ngành cũng phấn đấu 6 tháng thu được 90% số nợ thuế từ năm trước chuyển sang và cố gắng để số nợ thuế đến cuối năm chỉ ở mức dưới 4%. Tỉnh đã chỉ đạo ngành chuyên môn tiến hành rà soát, điều chỉnh giảm thêm 10% kế hoạch chi thường xuyên của những tháng còn lại trong dự toán năm 2011. Tính đến nay, tổng số kinh phí tiết kiệm chi thường xuyên của tỉnh là 55,35 tỷ đồng, trong đó số kinh phí thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên là 30,35 tỷ đồng, kinh phí tạm dừng mua xe ô tô công, mua sắm tài sản có giá trị lớn, thiết bị văn phòng, giảm quy mô, số lượng lễ hội, sơ, tổng kết… khoảng 25 tỷ đồng. Đây quả thực là con số đáng ghi nhận mà chúng ta đạt được trong một thời gian khá ngắn.
Năm 2011, tỉnh có kế hoạch triển khai thực hiện 107 dự án đã đủ điều kiện khởi công mới. Tuy nhiên, để bảo đảm cân đối đủ vốn cho các dự án cấp thiết, tránh dàn trải, kéo dài thời gian và ổn định nguồn vốn đầu tư, tỉnh đã rà soát và tiến hành cắt giảm 33 dự án, chỉ bố trí cho 74 dự án còn lại thực hiện với tổng vốn gần 260 tỷ đồng. Trong đó, vốn địa phương cân đối là trên 191 tỷ đồng, thực hiện 54 công trình, dự án; vốn hỗ trợ có mục tiêu là 63,2 tỷ đồng thực hiện 14 công trình; vốn xổ số kiến thiết là 5,2 tỷ đồng, thực hiện 6 công trình. Cùng với đó, tỉnh rất quan tâm đến việc kiểm tra chất lượng cũng như tiến độ triển khai các dự án, qua đó loại bỏ những dự án không khả thi hoặc thiếu hiệu quả để dành vốn cho các dự án quan thiết hơn.
Đến nay, tỉnh đã tiến hành kiểm tra, rà soát lần 2 và quyết định cắt giảm 7 công trình khởi công mới với tổng vốn khoảng 20 tỷ đồng. Cụ thể, vốn địa phương cân đối gần 12 tỷ đồng dành cho 4 công trình; vốn thu từ sử dụng đất trên 5 tỷ đồng dành cho 2 công trình và vốn hỗ trợ có mục tiêu 1 tỷ đồng dành cho 1 công trình. Toàn bộ số vốn cắt giảm này được bố trí cho thực hiện các dự án cấp thiết phục vụ Festival trà Quốc tế 2011. Theo ông Nguyễn Văn Nhâm, Chánh văn phòng UBND tỉnh thì bên cạnh việc rà soát, cắt giảm, giãn tiến độ các công trình, dự án thuộc ngân sách cấp tỉnh, những tháng qua, UBND các cấp và các chủ đầu tư khác cũng nghiêm túc thực hiện những yêu cầu trên đối với các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo phân cấp. Đến nay, đã có 2 địa phương đình hoãn, giãn tiến độ dự án là huyện Định Hoá và T.P Thái Nguyên với 4 dự án, tổng vốn là gần 3,8 tỷ đồng. Huyện Định Hoá đình hoãn 1 dự án với số vốn 205 triệu đồng; Thành phố đình hoãn 3 dự án với số vốn gần 3,6 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này được điều chuyển sang xây dựng các hạng mục công trình chỉnh trang đô thị phục vụ Festival trà.
Việc hỗ trợ vốn phát triển sản xuất và tăng cường các biện pháp tiết kiệm trong sản xuất đã được tỉnh triển khai rộng rãi, bước đầu mang lại hiệu quả. Những tháng qua, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất để tập trung vốn ưu tiên cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, công nghiệp, nông nghiệp, xuất khẩu…Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu vốn, không phát sinh các trường hợp thực sự khó khăn khi tiếp cận vốn tại các ngân hàng. Về giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng và dư nợ cho vay khu vực phi nông nghiệp hiện không phát hiện ngân hàng nào vượt quá mức 10% tổng dư nợ của đơn vị.
Tính đến hết tháng 6-2011, tổng nguồn vốn tín dụng trên địa bàn là 12.480 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ; tổng dư nợ đạt 21.250 tỷ đồng, tăng 24,8% cùng kỳ. Trong đó, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 4.033 tỷ đồng (trên 104 nghìn khách hàng). Thời gian qua, ngành chức năng cũng đã xây dựng phương án cung cấp điện trên toàn địa bàn, lập danh sách các khách hàng quan trọng, khách hàng khi cần phân bổ mức công suất sử dụng điện nhằm điều tiết nguồn điện hợp lý, ưu tiên cấp điện cho các hoạt động sản xuất công nghiệp. Cùng với đó, thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát việc sử dụng điện năng của từng đơn vị sản xuất, yêu cầu mỗi đơn vị có phương án tiết giảm điện ít nhất là 10%...