Trong đợt dịch lở mồm long móng (LMLM) trên đàn gia súc vừa qua, huyện Định Hóa là địa phương chịu thiệt hại đứng thứ 3 của tỉnh, sau Phổ Yên và Đại Từ. Dịch đã xảy ra tại 239 xóm, bản của tất cả xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Tổng số gia súc bị mắc bệnh là 3.111 con, trong đó số bị chết và tiêu hủy là 1.959 con, tổng thiệt hại hơn 6 tỷ đồng.
Để giúp người chăn nuôi nhanh chóng ổn định sản xuất, huyện Định Hóa nhanh chóng chi trả tiền hỗ trợ cho các gia đình có gia súc tiêu hủy với tổng số tiền hỗ trợ là hơn 4,2 tỷ đồng. Đồng thời, tổ chức được 59 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chăn nuôi thú y cho người dân.
Nhằm khôi phục chăn nuôi, huyện Định Hóa đã dành kinh phí 400 triệu đồng từ Đề án “Phát triển chăn nuôi trâu bò hàng hóa” giai đoạn 2011-2015 để tập trung xây dựng một số mô hình trang trại chăn nuôi tập trung theo hướng bền vững. Cụ thể, Phòng Nông nghiệp và PTTN huyện đã xây dựng 2 mô hình nuôi trâu sinh sản tại xã Linh Thông và Thanh Định, một số mô hình nuôi lợn thịt tại Bảo Cường, Trung Hội…
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng hỗ trợ các gia đình chăn nuôi thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn huyện thông dự án trồng cỏ cho gia súc và tuyển trọn trâu, bò sinh sản. Ông Nguyễn Quang Thực, xóm Cỏ Bánh, xã Thanh Định cho biết: “Trong đợt dịch vừa qua, gia đình tôi bị chết 5 con trâu, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Cũng bởi tập quán chăn thả tự do và không tiêm phòng nên khi dịch bệnh bùng phát, gia đình trở tay không kịp. Nay được sự hỗ trợ từ đề án của huyện, tôi đã cải tạo lại chuồng trại, chăn nhốt gia súc và thực hiện tiêm phòng đúng theo hướng dẫn. Hy vọng với cách làm quy củ như vậy, đàn gia súc của gia đình sẽ ít mắc bệnh và sớm khôi phục lại như cũ”.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy các chương trình, dự án hỗ trợ cho nông dân đang được triển khai trên địa bàn huyện chỉ bó hẹp trong phạm vi nhỏ. Hiện nay, nhiều hộ còn e ngại, không mặn mà với việc khôi phục lại chăn nuôi sau dịch. Nguyên nhân của điều này người nông dân thiếu vốn, trong khi việc tiếp cận các nguồn vốn từ ngân hàng còn nhiều hạn chế. Đối với các gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, thuộc diện hộ nghèo thì giá trị của một con trâu, bò là tương đối lớn, vượt quá khả năng kinh tế của họ. Chị Đào Thị Hương, xóm Bản Pấu, xã Quy Kỳ chia sẻ: Gia đình tôi cũng muốn chăn nuôi lại lắm nhưng không có tiền. Một con trâu, con bò bây giờ tối thiểu cũng phải từ 10 đến 15 triệu đồng. Với những người nông dân chỉ trông vào cây lúa thì không dễ gì có được. Muốn vay vốn ngân hàng thì không có tài sản thế chấp, mà vay được cũng chưa biết đến bao giờ mới trả được”.
Anh Nguyễn Văn Khánh, xóm 1, xã Tân Dương là một trong những gia đình chăn nuôi bị thiệt hại nhất huyện trong đợt dịch vừa qua. Gia đình anh có hơn 40 con lợn thịt bị chết và tiêu hủy, thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Sau đợt dịch, anh chỉ còn nuôi một con lợn nái và 5 con bò thịt. Anh Khánh tâm sự: “Chăn nuôi hồi này hay dịch bệnh, rủi ro lớn quá, lại thiếu vốn nên tôi chưa có ý định quy hoạch lại chuồng trại và đầu tư khôi phục đàn lợn”. Một khó khăn nữa cho việc khôi phục và mở rộng chăn nuôi hiện nay là sự “leo thang” về giá con giống và thức ăn gia súc. Theo anh Khánh: Mặc dù giá lợn thương phẩm hiện đang ở mức cao nhưng chăn nuôi lại không hiệu quả bằng trước đây. Hiện nay, giá 1kg lợn giống dao động từ tới 80 đến 90 nghìn đồng, nguồn cung ứng giống cũng rất khan hiếm. Giá thức ăn công nghiệp liên tục tăng đã khiến người chăn nuôi lao đao. Muốn chăn nuôi lớn thì không có vốn và khó tiêu thụ, nuôi ít thì gần như không có lãi.
Ông Đàm Tiến Niên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Để khôi phục lại đàn gia súc, trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ người dân. Tuy vậy, điều quan trọng là người chăn nuôi cần tự chủ động khắc phục khó khăn về vốn, quan tâm hơn đến công tác thú y, chủ động phòng dịch, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước. Để tránh rủi ro trong chăn nuôi người nông dân cần nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh, xây dựng chuồng trại đảm bảo tiêu chuẩn, thực hiện đúng hướng dẫn của cán bộ thú y, khuyến nông…