Xóm Tân Lập, xã Sảng Mộc (Võ Nhai) nằm trải dọc theo con đường mòn, cách trung tâm xã 12km, có 47 hộ dân tộc Dao sinh sống với 280 nhân khẩu.
Trước đây, cuộc sống của nhân dân trong xóm gần như biệt lập với bên ngoài, do trình độ dân trí thấp, giao thông đi lại khó khăn; nông sản của họ sản xuất ra chủ yếu là tự cung tự cấp. Để kiếm thêm "cái ăn", không ít hộ dân đã phải quanh năm lên rừng đốn cây, chặt củi… Song, từ khi phong trào trồng cây khoai sọ ruột hồng phát triển đã góp phần đáng kể cải thiện đời sống của người dân nơi đây.
Được anh Nguyễn Văn Nam, Bí thư Đoàn xã dẫn đường, chúng tôi men theo con đường mòn, sau mấy chặng lên dốc, xuống đồi, lội suối đã đến được xóm Tân Lập. Dọc hai bên đường, màu xanh đại ngàn nơi đây đã được xen kẽ bằng những đồi khoai sọ ruột hồng. Anh Nam cho biết: Trước kia, bà con chủ yếu trồng lúa, ngô, sắn, nhưng năng suất thấp, quanh năm thiếu ăn. Cách đây 5 năm, họ đã mạnh dạn trồng cây khoai sọ trên sườn đồi núi khô cằn, cây hợp đất nên chẳng bao lâu đã có những đồi khoai xanh tốt như thế này. Nhờ trồng cây khoai sọ, nhiều gia đình đã cải thiện được đời sống, không phải lên rừng kiếm cái ăn như trước nữa. Bên cạnh hiệu quả kinh tế cao, việc phát triển cây khoai sọ còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc ở đây...
Cùng anh Nam đến thăm các mô hình trồng cây khoai sọ cho thu nhập khá của xóm Tân Lập, chúng tôi cảm nhận được sự hồ hởi của người dân nơi đây khi nói về việc trồng loại cây này. Một trong những người không giấu nổi niềm vui trên nét mặt đó là chị Hoàng Thị Khách. Vừa gặp chúng tôi chị đã cho biết: Ngoài trồng lúa, ngô, sắn, năm ngoái vợ chồng tôi trồng hơn 30kg khoai giống với giá 30.000 đồng/kg, thu hoạch được trên 5 tạ khoai, bán được hơn 8 triệu đồng. Năm nay, tôi trồng tiếp 1,5 tạ giống, ước tính thu được 25 tạ khoai, với giá bán trung bình 15.000 đồng/kg thì cũng thu được gần 40 triệu đồng.
Không chỉ là vài chục triệu đồng, nhờ trồng cây khoai sọ, ở Tân Lập đã có nhiều hộ dân thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm, điển hình như gia đình Trưởng xóm Hoàng Hữu Cao, anh Triệu Trung Bao. Anh Bao tâm sự: So với những loại cây trồng khác, khoai sọ ruột hồng dễ trồng, dễ thích nghi, khoảng 8 đến 9 tháng thì cho thu hoạch, năng suất cao, chi phí thấp, phù hợp với những diện tích đất ven đồi. Năm ngoái, gia đình tôi chỉ bỏ ra khoảng 4 triệu đồng để mua 3 tạ giống, cộng chi phí hết khoảng 5 triệu, nhưng đã thu về trên 30 triệu đồng từ bán khoai. Như vậy, số tiền thu về gấp 6 lần số tiền bỏ ra. Năm nay, nhà tôi trồng gần 2 tạ khoai giống, thu được trên 3 tấn củ, trừ chi phí thì còn thu được trên 60 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu trồng 3 vụ liên tục khoai sẽ bị hỏng nhiều, do đó bà con nơi đây cải tạo đất bằng cách sau khi trồng 2 vụ khoai liên tiếp thì sẽ trồng các loại cây khác, sau 4 đến 5 năm lại trồng khoai.
Thời gian gần đây, không ít hộ dân ở xóm Tân Lập đã thoát nghèo nhờ việc trồng khoai sọ ruột hồng. Sản lượng khoai sọ của 47 hộ trong xóm ước đạt 25 tấn/năm, trị giá gần 400 triệu đồng. Từ trồng cây khoai sọ, cả xóm đã có 15 gia đình thoát nghèo; các hộ còn lại đa số là đủ ăn, đời sống được nâng nên đáng kể. Ngoài ra người dân còn phát triển chăn nuôi trâu, bò, gà, vịt… phục vụ đời sống hàng ngày.
Điều khiến chúng tôi trăn trở trước khi chia tay Tân Lập là sự thiếu thốn đủ bề của người dân vùng cao. Đường sá đi lại ở đây còn rất khó khăn, chất lượng nông sản chưa cao, việc bảo quản, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, một số hộ thiếu đất, thiếu giống để sản xuất cho vụ sau... Đặc biệt, người dân Tân Lập chưa có nguồn điện lưới phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt. Đây cũng là mong mỏi lớn nhất của bà con nơi đây. Ðể khắc phục những khó khăn nói trên, đồng chí Nông Quý Dương, Chủ tịch UBND xã Sảng Mộc cho biết: Trong những năm tới xã sẽ tập trung giải quyết ngay những vấn đề bức xúc (như: thiếu lương thực, không đủ đất sản xuất). Xã cũng sẽ tập trung chỉ đạo đầu tư, hỗ trợ nhân dân làm đường giao thông nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, mở các lớp tập huấn về sản xuất nông nghiệp cho bà con nơi đây, tiếp tục xây dựng hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ở vùng sâu, vùng xa, tạo động lực cho bà con các dân tộc vươn lên xóa đói, giảm nghèo.
Mong rằng, người dân Tân Lập sẽ nhận được sự quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn nữa của chính quyền địa phương. Đồng thời, ngoài sự nỗ lực của người dân và sự quan tâm, đầu tư của địa phương, các hộ đồng bào Dao ở Tân Lập cũng rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành để họ có nguồn điện thắp sáng, phục vụ sản xuất…