Quyết định kiểm toán việc sử dụng và trích quỹ bình ổn giá xăng dầu tại 11 đơn vị đầu mối được lãnh đạo Tổng kiểm toán Nhà nước công bố chiều ngày 22/7.
Theo đó, việc kiểm toán việc sử dụng, quản lý và trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu tại 11 đơn vị bắt đầu thực hiện từ ngày 22/7 cho đến hết tháng 8. Những đơn vị nằm trong danh sách kiểm toán gồm 9 doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu và 2 đơn vị quản lý thuộc 2 bộ Tài chính và Công Thương.
Đợt kiểm toán này được diễn ra đúng vào thời điểm dư luận bức xúc trước việc "ông lớn" Petrolimex tuyên bố lãi lớn sau thời gian dài kêu lỗ, xin tăng giá hoặc trích ngân sách để bù. Đầu tháng này, khi công bố kế hoạch cổ phần hóa để giới thiệu mình với nhà đầu tư, Petrolimex cho biết lợi nhuận của năm 2010 là 900 tỷ đồng, trong đó lãi từ xăng dầu là 81 tỷ đồng. Công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2012 đạt tới 2.109 tỷ đồng.
Hồi tháng 1/2011, trong một lần kiểm tra, cơ quan chức năng cũng phát hiện một số doanh nghiệp đầu mối sử dụng sai quỹ bình ổn. Trong đó, số tiền mà Petrolimex sử dụng không đúng mục đích lên tới 1.200 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước - Đoàn Xuân Tiên cho biết kế hoạch kiểm toán quỹ bình ổn xăng dầu đã có từ trước chứ không phải khi dư luận bức xúc, kiểm toán mới vào cuộc. "Do đây là kiểm toán chuyên đề nên chúng tôi sẽ không tập trung vào việc làm rõ các vấn đề về lỗ lãi hay cơ cấu hình thành giá bán lẻ", ông Tiên nói.
Đợt kiểm toán này kéo dài 40 ngày, tập trung vào việc quản lý, sử dụng và trích lập quỹ bình ổn xăng dầu. Với hai bộ Tài chính - Công Thương, kiểm toán sẽ làm rõ chức năng nhiệm vụ và việc quản lý quỹ bình ổn có đúng thẩm quyền và quy định của Chính phủ.
Còn đối với 9 nhà nhập khẩu đầu mối, trong đó có Petrolimex, kiểm toán sẽ làm rõ việc trích lập và sử dụng quỹ đã đúng và thực sự hiệu quả. Qua đó, kiểm toán sẽ làm rõ những ảnh hưởng bởi cơ chế, chính sách và cách sử dụng quỹ bình ổn tác động như thế nào đế giá xăng dầu và người tiêu dùng...
Trả lời phóng viên về việc thời gian qua, nhiều ý kiến đặt vấn có nên duy trì quỹ bình ổn, ông Tiên cho rằng có quá nhiều yếu tố tác động đến giá xăng dầu trong nước. Trong đó, quỹ chỉ là một phần nên không thể giải quyết được vấn đề về chuyện tăng hay giảm giá bán lẻ trong nước. "Việc nên hay không nên có quỹ hoặc những vấn đề còn tồn tại trong quá trình sử dụng như thế nào, tôi cho rằng kết thúc quá trình kiểm toán, chúng ta mới có thể nói được", ông Tiên nhấn mạnh.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thành lập từ năm 2009. Nguồn thu của quỹ được trích từ giá bán lẻ mỗi lít xăng dầu, được đặt tại doanh nghiệp và chỉ được sử dụng để bình ổn giá theo chỉ đạo của Liên bộ Tài chính - Bộ Tài chính. Theo quy định, mức trích quỹ bình ổn cho xăng hiện là 400 đồng mỗi lít, còn các loại dầu, mức trích là 300 đồng.
Ngay tại thời điểm thành lập, nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại về những tiêu cực có thể phát sinh một khi quỹ được hình thành từ sự đóng góp của người tiêu dùng nhưng lại đặt tại các doanh nghiệp và cũng do chính họ quản lý. Thậm chí, trong kỳ họp Quốc hội diễn ra hồi tháng 11/2010, nhiều ý kiến đại biểu cũng bắt đầu đặt vấn đề có nên hình thành quỹ bình ổn giá hay không, một khi nó không thực sự đem lại quyền lợi cho người tiêu dùng?
Tại thời điểm ấy, bản thân các doanh nghiệp cũng có những ý kiến trái chiều khi cho rằng quỹ bình ổn đặt tại doanh nghiệp chỉ tác động tới các nhà nhập khẩu chiếm thị phần lớn. Số tiền trích lập quỹ sẽ tạo điều kiện về vốn cho doanh nghiệp lớn từ đó tạo ra lợi thế về giá dẫn đến độc quyền - tiêu diệt cạnh tranh trong kinh doanh xăng dầu.
Trên thực tế, đầu tháng 6, khi giá thế giới hạ xuống mức rất thấp, người tiêu dùng trong nước hy vọng giá bán lẻ xăng dầu sẽ giảm. Thế nhưng, trái với mong đợi này, Liên bộ Tài chính - Công Thương tuyên bố không giảm giá bán, thay vào đó, thuế nhập khẩu được điều chỉnh tăng lên 5% cùng với việc tăng thu cho quỹ bình ổn.