Một nạn nhân chất độc da cam chiến thắng đói nghèo

10:41, 28/07/2011

Về xóm Rừng Chùa, xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên), khi hỏi chuyện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nhiều người dân đã bảo với tôi: Điển hình của phong trào này phải kể về người thương binh, nạn nhân chất độc da cam Phạm Trung Hiếu. Ông là một nông dân năng động, tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội.


Ông trẻ hơn cái tuổi 58 của mình rất nhiều. Cách nói chuyện cũng hồn nhiên, vô tư như những ngày lính tráng ở chiến trường miền Nam. Ông kể: Đầu tháng 7 năm nay tôi vừa có chuyến đi xuyên Việt, thăm lại chiến trường xưa, gặp lại các o du lích, mừng lắm, "đứa nào" cũng bạc đầu mà nói chuyện với nhau cứ mày với tao. Tụi trẻ bảo: Các bố, các mế già rồi, ai lại xưng hô như thế… Là các cháu có hiểu nhiều về chiến tranh đâu. Ngày ấy, trước năm 1975, tôi được chỉ huy đơn vị gọi lên giao nhiệm vụ đặc biệt là cùng các o du kích đi tiêu diệt bọn ấp trưởng gian ác. Khi cùng nhau đi làm nhiệm vụ, mọi người sẵn sàng vì nhau mà hy sinh, thì cuộc gặp lại sau hơn 30 năm ai chẳng rơi nước mắt vì mừng.

 

Sau hơn 5 năm quân ngũ với nhiều trận đánh, ông trở về Thái Nguyên với thương tích hạng 3/4, là nạn nhân chất độc da cam. Năm 1976, ông chuyển ngành sang Công ty Thực phẩm Bắc Thái, làm việc đến năm 1980 thì xin nghỉ thôi việc. Nhà nghèo, ông tìm đường mưu sinh bằng cách đi phụ vữa tại các công trình xây dựng. Nhưng đói nghèo vẫn đeo đẳng. Ông bảo: Lúc đó, tôi suy nghĩ nhiều lắm, rồi bỏ nghề phụ hồ để ở nhà cải tạo lại toàn bộ khu đất rộng hơn 24.000m2 của bố mẹ cho… Trong lúc đưa tôi đi thăm cơ ngơi của mình, ông cho biết: Vợ tôi, bà Bùi Thị Thu có công nhiều lắm. Bà ấy lao động quần quật quanh năm chẳng ốm đau, còn tôi cứ trái gió trở trời là mình mẩy lại đau ê ẩm. Vợ chồng tôi có 4 cháu, thì cháu thứ 2 bị chết yểu năm lên 2 tuổi, bởi tôi là nạn nhân chất độc da cam.

 

Ông lau vội những giọt nước mắt, mảnh đạn găm lại bên má phải của ông chạy giần giật. Có mặt ở đó, ông Hoàng Văn Định và ông Phạm Văn Lân, bạn cùng thời quân ngũ với ông Hiếu nói với tôi: Hiếu đánh trận lì lắm, 6 lần bị thương. Trở về đời thường, chiến đấu trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo, anh em đồng đội chúng tôi luôn coi ông Hiếu là một tấm gương sáng. Vì trước đây nói tới người nghèo ở xóm Rừng Chùa, bà con nhắc ngay đến nhà ông Hiếu. Còn bây giờ hỏi chuyện người giàu, người được bà con nhắc đến đầu tiên cũng là tay Hiếu.

 

Quả thật, một cơ ngơi khang trang, bề thế, nhà xây 2 tầng có khá đủ tiện nghi, ô tô 4 chỗ bóng loáng nằm trong ga ra và chỉ tính riêng tường rào xây bao quanh khu đất của gia đình ông thiếu cũng tiêu tốn đến vài trăm triệu đồng. Phía trong dãy tường bao, ông lại chia thành từng "tiểu khu kinh tế", như các khu: ruộng cấy lúa, ao thả cá, khu nuôi lợn rừng, ngỗng, gà thả vườn, trồng chè và trồng cây lâm nghiệp, ươm cây cảnh. Trên khu đất này mỗi năm gia đình ông đạt tổng thu khoảng hơn 500 triệu đồng. Có tiền, ông tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, điển hình như việc ủng hộ cho xóm Rừng Chùa hơn 1 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa; ủng hộ 1 tấn xi măng và 2 triệu đồng để xây dựng cổng làng và ủng hộ 5 triệu đồng cho Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Quyết Thắng. Nhiều bạn đồng ngũ gặp khó khăn cũng được ông giúp đỡ tiền vốn sản xuất, nay đã thoát nghèo. Khi được hỏi làm thế nào mà từ đôi bàn tay trắng, đến nay ông đã có được cơ ngơi như thế này? Ông mộc mạc: Phải có nghị lực, quyết tâm và biết cần kiệm thì làm việc mới thành. Năm 1984, khi kết hôn cùng bà Thu, vợ chồng tôi phải ăn sắn thay cơm, vất vả liền mấy năm mới có cây lâm nghiệp, có chè bán. Rồi tằn tiện dành tiền mua lợn, gà, trâu về nuôi, bán, lại tiếp tục đầu tư mở rộng chăn nuôi sang thứ hàng hiếm như lợn rừng, gà "chạy bộ"… Hiện, tôi đang chuẩn bị dành 1.000 m2 ao để  xây dựng hòn non bộ và đầu tư nuôi tắc kè bán cho các nhà thuốc đông y. Dự kiến ít năm nữa, tôi sẽ mời gọi các bạn đồng ngũ cùng đầu tư vốn vào đây, quy hoạch lại khu đất của gia đình để xây dựng một trung tâm dưỡng lão dành cho những nạn nhân chất độc da cam vào ở.

 

Nghe ông nói về dự định tương lai đầy nhân văn, tôi càng cảm phục hơn người thương binh, đồng thời là nạn nhân chất độc da cam Phạm Trung Hiếu. Tôi thầm mong ông sẽ tiếp tục chiến thắng thứ chất độc da cam/đioxin chết người để có thể thực hiện thành công những ước mơ của mình.