Nửa đầu năm 2011 tiếp tục là thời kỳ đầy khó khăn với toàn bộ nền kinh tế nước ta. Các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức như tình hình lạm phát diễn biến phức tạp, lãi suất vay ngân hàng cao và việc tiếp cận vốn khó khăn do chính sách tín dụng thắt chặt gây khó cho sản xuất công nghiệp trong nước và hoạt động xuất khẩu. Thế nhưng, trong khó khăn, vẫn có những điểm sáng xuất hiện.
Thiếu vốn sản xuất
Một vấn đề nóng đặt ra trong 6 tháng đầu năm đó là các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp thiếu vốn nghiêm trọng do sản xuất một số mặt hàng công nghiệp tăng chậm, trong khi đó, giá đầu vào của sản xuất như vật liệu, năng lượng như điện, xăng, dầu, than, thép tăng cao. Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, để giúp các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ giảm chi phí đầu vào, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, khai thác nguồn nguyên liệu trong nước là việc cần thiết.
Ông Quyền chia sẻ thêm: “Chúng tôi xem xét lại quy trình sản xuất để giảm chi phí, làm sao tiêu hao nhiên liệu, chi phí hành chính ít nhất. Khi nguồn vốn của Nhà nước hạn hẹp, chúng tôi chuyển sang tìm kiếm nguồn vốn khác như vay nước ngoài, xây dựng mối liên kết doanh nghiệp giữa các vùng thành các khu công nghiệp có quy ước gỗ hỗ trợ lẫn nhau, tạo điều kiện sử dụng nguồn gỗ trong nước để giảm dần gỗ nhập khẩu”.
Với chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất ngân hàng cao, cộng với giá nguyên liệu đầu vào tăng cao đã khiến cho giá cả hàng hoá trong nước tăng vào những tháng đầu năm, nhất là trong dịp lễ, Tết và chỉ ổn định vào tháng 4 cho đến nay, thị trường trong nước đã hình thành một mặt bằng giá mới. Từ thực tế này đòi hỏi các bộ, ngành, doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm những chi phí không cần thiết trong sản xuất, đồng thời kiểm soát chặt chẽ giá cả trên thị trường để kịp thời phát hiện những hành vi đầu cơ, găm hàng, tránh thiệt hại cho người tiêu dùng.
Xuất khẩu tăng, nhập siêu giảm
Điều đáng mừng là 6 tháng qua, xuất khẩu có nhịp độ tăng trưởng cao, góp phần vào tăng trưởng GDP của cả nước, bình quân mỗi tháng tăng 7,06 tỷ USD - mức cao nhất từ trước đến nay. Như vậy, mục tiêu xuất khẩu cả năm là 79,4 tỷ USD hoàn toàn có thể thực hiện được, thậm chí có thể vượt. Mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản xuất khẩu đều có lợi về giá như cà phê, hạt tiêu, cao su, hạt điều, chè… Nhóm hàng công nghiệp chế biến cũng khởi sắc với nhiều sản phẩm dệt may, da giày, sắt thép các loại.
Nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm chủ yếu là các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất: như xăng dầu, phân bón. Nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu chỉ tăng 0,7% cho thấy chúng ta đã phần nào thành công trong việc kiểm soát nhập khẩu của các bộ ngành, kiềm chế nhập siêu. Trong thời gian tới, khi thông tư số 20 của Bộ Công thương bắt đầu có hiệu lực thi hành, lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ sẽ có xu hướng chững lại so với trước đây. Việc nhập khẩu giảm giúp nhập siêu 6 tháng bắt đầu chững lại, ước 6,65 tỷ USD, bằng 15,7% giá trị xuất khẩu, thấp hơn mức Chính phủ giao, góp phần cải thiện cán cân thương mại…
Từ nay đến cuối năm, theo dự báo, tình hình thị trường trong nước sẽ còn diễn biến phức tạp vì bị tác động bởi nhiều yếu tố như dịch bệnh, giá nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất có thể tăng gây khó khăn cho sản xuất công nghiệp trong nước, cũng như xuất khẩu. Việc triển khai quyết liệt Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cùng sự năng động, sáng tạo từ các cấp lãnh đạo ngành, địa phương cho tới doanh nghiệp sẽ góp phần làm cho bức tranh kinh tế sáng hơn vào 6 tháng cuối năm nay./.