Là người ham thích chăn nuôi, anh Nguyễn Văn Phòng, xóm Bình Sơn, xã Bình Thuận (Đại Từ) đã thử qua nhiều mô hình như: Nuôi lợn nái, lợn thịt, nuôi trâu… và hiện nay anh đang khá thành công với mô hình nuôi ba ba sinh sản. Anh đang nắm trong tay bạc tỷ với gần 200 con ba ba bố mẹ, trọng lượng trung bình khoảng 3kg/con, con to nhất nặng tới 6kg.
Ăn mặc giản dị, anh Phòng là người ít nói và có phần dè dặt. Nhưng khi tâm sự về chuyện làm ăn của mình, chúng tôi lại thấy một ông chủ trang trại khác hẳn, năng động và rất mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm. Sinh năm 1967 trong một gia đình làm nông nghiệp thuần túy, từ nhỏ anh đã thích chăm sóc cho các con vật trong nhà, ước mơ lớn lên sẽ xây dựng một trang trại chăn nuôi. Đến năm 1992, sau khi lập gia đình ra ở riêng, được bố mẹ cho 4 sào ruộng nhưng anh không cày cấy mà chỉ tập trung vào chăn nuôi lợn. Anh Thường xuyên đến các trang trại lợn trong và ngoài tỉnh để học tập kinh nghiệm với ý định sẽ xây dựng mô hình nuôi lợn nái ngoại. Nhưng do giá lợn giống quá đắt nên mãi tới tận năm 2003, sau khi tích cóp được lưng vốn, anh đã mạnh dạn vay thêm ngân hàng cộng với anh em bạn bè được 160 triệu đồng, để mua 10 con lợn làm giống. Thật không may, lứa đầu tiên xuất bán, lợn lại bị rớt giá, thêm vào đó do chưa có kinh nghiệm chăn nuôi lợn nái ngoại nên việc phối giống bị hỏng nhiều, việc chăn nuôi thất bại anh lại chuyển sang nuôi trâu. Nhưng do nhà ở gần cánh đồng nên người dân quanh xóm thường phàn nàn về việc trâu nhà anh ra đồng phá lúa, anh lại bán hết trâu chuyển sang nuôi lợn thịt. Lúc này, thị trường lợn thịt cũng bấp bênh, giá thức ăn chăn nuôi thì ngày càng tăng, giá lợn thương phẩm thì lúc lên lúc xuống, lại hay bị dịch bệnh nên cũng khó thành công.
Sau khi đi tham quan nhiều nơi để tìm hiểu về các mô hình chăn nuôi, anh thực sự bị thuyết phục bởi mô hình nuôi ba ba. Thế là, không cần mất nhiều thời gian suy nghĩ, anh gom toàn bộ vốn liếng mua 2 sào ruộng úng xây tường bao quanh để nuôi ba ba, sau đó anh lên Yên Bái bắt 5 cặp ba ba bố mẹ giống trơn về thả. Đây là mô hình mới xuất hiện ở địa phương nên việc học tập, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi rất hạn chế, anh phải tự mày mò nghiên cứu qua sách báo để học kỹ thuật nuôi. Anh Phong chia sẻ: Ba ba là loài ăn tạp, các loại thịt như: Tôm, cá, giun… đều có thể làm thức ăn cho ba ba. Tuy nhiên, không phải lúc nào những loại thực phẩm này cũng sẵn có nên cần có thiết bị làm lạnh để dự trữ thức ăn. Để tiết kiệm chi phí, mỗi khi gặp lô cá giá rẻ tôi lại thu mua hết về cho vào bảo quản để cho ba ba ăn dần, hoặc là sau mỗi khi trời mưa, một số người dân hay đi bắt giun để bán mỗi lần như vậy tôi lại mua vài tạ, do vậy không bao giờ phải lo về nguồn thức ăn chăn nuôi.
Sau 2 năm, đàn ba ba nhà anh đã đạt trọng lượng 7-8 gam/con và bắt đầu sinh sản. Cứ 1 năm 2 lứa, mỗi lứa 1 con ba ba mẹ đẻ khoảng 10 quả trứng, tỷ lệ nở đạt khoảng 70%. Vừa nuôi vừa bán giống, sau 3 năm nuôi anh đã xuất bán khoảng 1.000 con giống và mô hình của anh đã lên đến gần 200 con ba ba bố mẹ, trong đó có 60 con giống ba ba gai. Dự kiến cuối năm nay anh sẽ xuất ba ba thịt, theo giá thị trường hiện nay là 350 nghìn đồng/kg đối với ba ba trơn và 1,1 triệu đồng/kg đối với ba ba gai, anh đã có trong tay bạc tỷ.
Đầu năm 2011, anh Phòng đã mua thêm gần 3 sào ruộng nữa và xây dựng tường bao, bể nuôi, nâng tổng diện tích chăn thả lên hơn 5 sào. Hiện nay, anh đang chuyển dần sang nuôi giống ba ba gai bởi giống ba ba này có giá trị cao hơn nhiều so với ba ba trơn, giá con giống là khoảng 500 nghìn/con mới nở trong khi ba ba trơn chỉ đạt 25 nghìn đồng/con.