Đến thăm trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc của gia đình ông Lê Văn Tự, xóm Bến 1, xã Đắc Sơn (Phổ Yên), điều đầu tiên làm chúng tôi ngạc nhiên là không khí xung quanh khu chuồng nuôi vẫn trong lành (không giống ở nhiều trang trại chăn nuôi khác). Hỏi ra mới biết, ông chủ trang trại đặc biệt quan tâm đến vấn đề vệ sinh môi trường và đó cũng là thành quả sáng kiến cải tiến hệ thống hầm biôga của chính ông. Chúng tôi thực sự bị cuốn hút vào câu chuyện xoay quanh vấn đề phát triển kinh tế và những sáng kiến của người nông dân này.
Năng động và quyết đoán trong phát triển kinh tế.
Sinh năm 1951, ông Lê Văn Tự là một cựu chiến binh đã từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Xuất ngũ về địa phương, ông tích cực tham gia công tác xã hội với nhiều vị trí khác nhau. Với ý chí vươn lên làm giàu làm giàu, ông luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế. Đầu những năm 90, ông mạnh dạn đưa cây xoài Úc về trồng trong vườn nhà với hy vọng loại cây trồng mới này sẽ giúp gia đình ông bứt phá trong phát triển kinh tế. Dù ông đã thu được những thành công bước đầu, nhưng giống xoài này cũng nhanh chóng thoái hóa. Năm 1997, sau những tính toán, so sánh, ông đưa ra một quyết định bước ngoặt là chuyển sang chăn nuôi lợn siêu nạc quy mô lớn. Bước đầu ông mua về 10 con lợn nái, số lợn con sinh ra chủ yếu được nuôi thành lợn thương phẩm. Gia đình ông trở thành trường hợp chăn nuôi lợn siêu nạc với quy mô lớn nhất và đầu tiên trong tỉnh. Có được sự thành công với hướng đi mới này vì trước khi quyết định nhập giống, ông đã tìm đọc nhiều tài liệu khoa học, xuống tận Viện Chăn nuôi quốc gia tham quan học hỏi và mua giống. Năm 1999, ông được đi báo cáo điển hình tại Hội nghị những người chăn nuôi giỏi tại T.X Sầm Sơn (Thanh Hóa).
Hiện nay, gia đình ông nuôi thường xuyên 45 con lợn nái, 1 con lợn đực giống nhập ngoại, trung bình 250 con lợn thịt trong chuồng. Trong cơ ngơi khang trang với dày đặc những tấm bằng khen, giấy khen trên tường, ông Tự chia sẻ với chúng tôi: "Tôi rút ra kinh nghiệm từ thực tiễn rằng những người chăn nuôi, đặc biệt là nuôi với quy mô trang trại muốn thành công phải quan tâm tới 4 yếu tố cơ bản, lần lượt là: môi trường, con giống, thức ăn và thú y, thêm yếu tố nữa là quản lý vật nuôi chứ không thể làm theo cảm tính, theo phong trào…" Nhận thức như vậy nên ông quan tâm đặc biệt và đầu tiên đến vấn đề vệ sinh môi trường, đảm bảo chuồng nuôi và khu vực xung quanh luôn sạch sẽ thoáng mát, nước dùng để tắm hay cho lợn uống cũng đều phải là nước sạch. Lợn luôn được tiêm phòng vắc xin đúng định kỳ và đủ loại. 45 con lợn nái đều được ông gắn số và vi tính hóa các số liệu của từng con. Cuối mỗi ngày ông đều ghi chép cẩn thận các số liệu, cập nhật vào máy tính. Việc theo dõi như vậy giúp ông có những điều chỉnh kịp thời… Vì vậy mà nhiều năm chăn nuôi, ông Tự chưa từng gặp rủi ro lớn, kể cả đợt dịch lở mồm long móng vừa qua, lợi nhuận vì vậy mà ngày một lớn.
Nhằm phục vụ cho quá trình phát triển chăn nuôi quy mô và tạo sự tương trợ lẫn nhau giữa những người chăn nuôi, tháng 9-2006, ông Tự đã đứng ra thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình (gồm 7 hộ chăn nuôi ở trong và ngoài xã Đắc Sơn). Ngoài ra, ông cũng tham gia và hiện đang làm Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Chăn nuôi xuất khẩu của tỉnh. Không những chỉ các hộ trong cùng hợp tác xã mà bất cứ ai có nhu cầu học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi lợn, ông đều nhiệt tình giúp đỡ, chỉ bảo. Nhiều trường hợp đặc biệt, ông đến tận nhà họ để tư vấn cách xây chuồng trại, lắp đặt hệ thống biôga… Vì vậy mà ông luôn được bà con nhân dân, nhất là những người chăn nuôi trong vùng tin tưởng và quý trọng.
Đam mê nghiên cứu, khám phá và những sáng kiến hữu dụng.
Ông Lê Văn Tự giải thích: Những sáng kiến của tôi xuất phát từ sự đam mê khám phá và thích tìm tòi những cái mới. Nhu cầu từ thực tiễn cuộc sống là động lực lớn cho tôi. Tôi nghĩ, mình là nông dân cũng cần có những sáng kiến “kiểu nông dân”… Nghe ông nói vậy, chúng tôi cảm thấy rất tò mò. Khi được thăm phòng làm việc với chiếc kính hiển vi, máy vi tính kết nối mạng và những dụng cụ khác, được nghe giải thích qua những sáng kiến của ông thì chúng tôi nhận thấy những công trình ấy không “nông dân” chút nào, chúng đều dựa trên những nguyên lý khoa học mà ông tự đọc, tự học và tự chiêm nghiệm.
Sáng kiến quan trong đầu tiên của ông là phương án Cải thiện tiểu khí hậu trong chuồng nuôi bằng cách xây loại chuồng 4 mái, tạo kẽ hở nhằm hút điều hòa không khí tự nhiên trong chuồng, tránh vật nuôi bị ho và các bệnh về đường hô hấp khác. Năm 2008, ông liên tiếp công bố 3 đề tài sáng kiến. Đầu tiên là sáng kiến Cải tiến hệ thống hầm biôga để có thể phân hủy 100% chất hữu cơ, không phải hút bã thải bởi sự đào thải và phá váng tự động, sinh ra lượng ga nhiều hơn loại hầm truyền thống. Sáng kiến thứ hai trong năm của ông là Biện pháp khắc phục lúa mùa sớm bị lửng lép, mất mùa cục bộ. Qua theo dõi, ông thấy rằng lúa mùa sớm thường trỗ vào thời kỳ có gió Tây Bắc khô, dẫn đến sự thụ phấn kém, giảm năng suất, năm nào thời tiết khắc nghiệt có thể mất mùa cục bộ. Làm thử, theo dõi, so sánh qua 4 vụ lúa, ông kết luận có thể khắc phụ điều này bằng cách dùng nước sạch phun sương một lượt (thời gian từ 9 đến 11 giờ trưa) trong giai đoạn lúa phơi màu rộ. Cũng năm đó, ông công bố sáng kiến thứ 3 về giải pháp xử lý 4 nhóm nước thải (nước thải y tế, khu chăn nuôi, làng nghề chế biến lương thực - thực phẩm và nước thải khu dân cư) dựa trên nguyên lý lắng đọng…
Những sáng kiến khác của ông Lê Văn Tự có thể kể đến là: Biến nước giếng khơi không an toàn thành nước sạch; Tiết kiệm năng lượng điện để có hệ thống tắm nước nóng phục vụ người dân thu nhập thấp (Hệ thống này có thể dùng bếp đun bằng ga, than hoặc củi, giá chỉ bằng 1/2 và bền hơn so với loại cùng tính năng của Trung Quốc). Ông cũng đang nung nấu ý tưởng và thực hiện những sáng kiến về việc chống bụi tại các nhà máy; thu gom dầu loang băng xà phòng và bông thấm; sáng chế một chiếc máy tẽ ngô gọn nhẹ, phù hợp với quy mô gia đình với công suất 750W. Sự đam mê sáng tạo và tự học hỏi của ông còn thể hiện ở việc ông hiểu được cơ bản những nguyên lý và tự sửa được những lỗi của nhiều loại máy nông nghiệp, áp dụng hiệu quả máy vi tính trong quản lý vật nuôi…
Những sáng kiến đã công bố của ông đều nhận được sự đánh giá cao và nhiều giải thưởng của của các cơ quan như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh; Hiệp Hội Khoa học tỉnh… Ông cho rằng, niềm vinh dự và tự hào của mình sẽ lớn hơn nữa nếu những sáng kiến đó được nhiều người, nhất là nông dân biết đến, áp dụng rộng rãi trong cuộc sống và sản xuất.