Vì sao một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng lại đạt thấp?

08:54, 18/07/2011

Đánh giá của các ngành kinh tế tổng hợp cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, một số chỉ tiêu quan trọng của tỉnh đều giảm so với kế hoạch.

Chính vì vậy, vừa qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan rà soát và trình phương án điều chỉnh một số chỉ tiêu, kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2011 cho phù hợp thực tế.

 

Theo dự báo và tính toán của Sở Kế hoạch và Đầu tư thì tốc độ tăng trưởng GDP toàn tỉnh giảm là do một số ngành kinh tế quan trọng gặp khó khăn, sản lượng, giá trị sản xuất giảm mạnh. Cụ thể, sản lượng công nghiệp giảm khoảng 130 tỷ đồng; sản xuất nông nghiệp giảm 20 tỷ đồng; các ngành dịch vụ khác giảm khoảng 40 tỷ đồng.

 

Trước tiên là chỉ tiêu về giá trị sản xuất công nghiệp, 6 tháng qua đạt gần 2.300 tỷ đồng và chỉ bằng 43% kế hoạch đề ra. Trong đó, khối công nghiệp trung ương đạt 44,2%, khối công nghiệp địa phương đạt 41,1% kế hoạch. Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Do việc thực hiện cắt giảm đầu tư công và siết chặt tín dụng, đồng thời với việc lạm phát và chi phí đầu vào tăng cao, nên một số sản phẩm như xi măng, sắt thép có sức mua giảm. Vì vậy, sản lượng sản xuất các mặt hàng mũi nhọn của tỉnh cũng sụt giảm đáng kể so với trước. Trong khi đó, một số dự án đầu tư trọng điểm lại chậm tiến độ hoàn thành so với dự kiến, điển hình là Dự án xây dựng Nhà máy cán thép Thái Trung, nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh”. Qua khảo sát của chúng tôi thì những tháng đầu năm nay, tình trạng tồn kho với lượng hàng lớn chưa bán được ở các doanh nghiệp sản xuất thép của tỉnh là phổ biến. Ví dụ, Công ty Cổ phần luyện - cán thép Gia Sàng hết tháng 5 để tồn trên 4.170 tấn thép các loại; Công ty Cổ phần Cơ khí Gang thép còn tồn trên 260 tấn hàng gia công cơ khí, trên 4.690 tấn sản phẩm đúc và 380 tấn thép cán; Công ty Cổ phần thép Thái Nguyên cũng để tồn kho tới 1.100 tấn sản phẩm…

 

Đối với các chỉ tiêu của ngành nông nghiệp, đặc biệt là chỉ tiêu chăn nuôi 6 tháng qua sụt giảm khá lớn, làm ảnh hưởng đến giá trị gia tăng của toàn ngành. Theo tính toán của Cục Thống kê tỉnh thì giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi giảm trên 13% so với kế hoạch cả năm. Nguyên nhân chính được xác định ở đây là do ảnh hưởng của dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Báo cáo của ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho thấy, dịch bệnh diễn ra trong khoảng thời gian hơn 4 tháng làm gần 24 nghìn con gia súc bị nhiễm bệnh. Để mau chóng khoanh vùng, dập dịch, các ngành chức năng đã buộc phải tiêu huỷ 18 nghìn con gia súc. Tiến sỹ Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: Dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến phát triển quy mô đàn gia súc, nhất là với đàn lợn; tình trạng trống chuồng vẫn diễn ra ở một số địa phương, trong khi đó giá giống và thức ăn chăn nuôi tăng (giống gia súc tăng trên 30%, thức ăn chăn nuôi tăng từ 1% đến 5%) nên sản lượng chăn nuôi giảm mạnh. Theo nguồn tin từ Chi cục Thú y tỉnh thì dịch lở mồm, long móng từng diễn ra tại 157 xã trên địa bàn giờ đã được dập tắt và công bố hết dịch. Hiện nay, cơ quan chức năng đang chỉ đạo tiếp tục tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh lở mồm, long móng để tạo miễn dịch cho đàn gia súc, đồng thời chuẩn bị điều kiện tái sản xuất, chăn nuôi sau dịch.

 

Cùng với sự sụt giảm của các ngành kinh tế quan trọng trên, lĩnh vực dịch vụ cũng không đạt được kết quả như mong muốn. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn 6 tháng qua mới chỉ đạt khoảng 5.620 tỷ đồng, bằng 47,5% kế hoạch năm. Theo lý giải của ngành Kế hoạch và Đầu tư thì do hệ thống ngân hàng giảm hạn mức dư nợ tín dụng nên quy mô của các ngành dịch vụ thuộc lĩnh vực phi sản xuất bị thu hẹp lại. Mặc dù so với cùng kỳ năm trước doanh thu dịch vụ tiêu dùng có tăng song so với kế hoạch đề ra lại giảm, các hoạt động dịch vụ của doanh nghiệp cũng chững lại đáng kể so với tốc độ phát triển chung.

 

Như vậy, việc hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch đề ra cả năm của một số ngành kinh tế trọng yếu nói trên là rất khó khăn. Mặc dù theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những tháng cuối năm nay kinh tế vĩ mô sẽ dần ổn định, lạm phát dần được kiềm chế, lãi suất ngân hàng giảm, ngành công nghiệp có triển vọng duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân 6 tháng đầu năm; sản xuất nông, lâm, thuỷ sản có thuận lợi về thị trường; khu vực dịch vụ tăng trưởng hơn vì có sự phục hồi của các thị trường lớn..., song các nhà chuyên môn vẫn lo ngại sẽ không thể hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Uớc tính, GDP 6 tháng cuối năm có thể đạt mức tăng trưởng từ 9% đến 9,5% (6 tháng đầu năm là 8,8%) song kế hoạch cả năm lại là 12%. Giá trị sản xuất công nghiệp có thể đạt tới 13.960 tỷ đồng, nhưng kế hoạch là 14.640 tỷ đồng. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng trưởng 2% trong khi kế hoạch là 9,3%...

 

Chính bởi thế, trong phiên họp lần thứ 1 vừa qua, UBND tỉnh đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2011 của tỉnh cho phuâ húåp vúái tình hình thực tế. Cùng với đó là các giải pháp đi kèm như: Tập trung tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, nhất là các khó khăn do chi phí đầu vào tăng; ưu tiên tín dụng, tạo điều kiện về vốn vay cho công nghiệp hỗ trợ, hàng xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ các hộ nghèo, các đối tượng chịu tác động khi giá cả tăng…