Các hãng hàng không đua nhau giảm giá

07:36, 11/08/2011

Sau Jetstar Pacific, Vietnam Airlines đến lượt hãng hàng không Air Mekong bước vào cuộc đua giảm giá. Ngoài lý do kích thích nhu cầu đi lại, chính sách giá này còn cho thấy sức ép cạnh tranh đang lớn dần.

Hãng hàng không tư nhân Air Mekong vừa tuyên bố áp dụng chính sách giá vé máy bay rẻ cho nhóm khách hàng từ ngày 15/8 đến ngày 10/10. Theo đó, với mỗi nhóm mua 3 người tham gia cùng một hành trình bay sẽ được giảm 150.000-300.000 đồng.

  

Air Mekong vận chuyển được hơn 600.000 khách trên thị trường nội địa.

 

Bên cạnh đó, Air Mekong cũng áp dụng chính sách giá rẻ cho khách hàng mua vé từ 9h sáng thứ 6 đến trưa thứ 7 hàng tuần. Giá vé thấp nhất áp dụng cho các chặng bay ngắn như TP HCM đi 6 điểm nội địa là 450.000 đồng. Các đường bay còn lại có giá từ 985.000 đồng, áp dụng từ ngày 12/8.

 

Lãnh đạo Air Mekong lý giải, sau một năm cất cánh, hãng đã thực hiện được 9.000 chuyến bay với hơn 600.000 khách trên 13 đường bay nội địa. Con số này tuy khiêm tốn so với hàng triệu lượt khách của Vietnam Airlines mỗi năm song cũng là cơ sở để hãng đưa ra thị trường chính sách vé giá rẻ, giúp người tiêu dùng đi lại thuận tiện hơn.

 

Nếu như cách đây một năm, Jetstar Pacific là hãng hàng không duy nhất bán vé siêu rẻ trên thị trường nội địa thì nay cùng với sức ép cạnh tranh, cả Vietnam Airlines và Air Mekong cũng áp dụng chính sách giá linh hoạt, với mức giá khuyến mãi cực rẻ được tung ra.

 

Sau đợt mạnh tay khuyến mãi các trục bay nội địa và quốc tế cách đây hai tháng, Hãng hàng không Quốc gia VN (Vietnam Airlines) hôm qua công bố bán 350.000 vé ưu đãi cho các chuyến khởi hành vào dịp cuối năm.

 

Theo đó, từ giữa tháng 8, hành khách có thể mua vé khứ hồi trên các đường bay Đông Nam Á với mức giá rẻ nhất là gần 1,22 triệu đồng, tương đương 59 USD hoặc trên đường bay châu Âu là hơn 10,27 triệu đồng, tương đương 499 USD tùy theo điểm đến.

 

Vietnam Airlines lý giải rằng đợt khuyến mãi cực lớn này là nhằm hỗ trợ nhu cầu đi lại của hành khách, trong bối cảnh lạm phát giá cả tăng cao.

 

Thế nhưng, giới chuyên gia nhìn nhận chính sách đại hạ giá của các hãng triển khai trong thời gian gần đây cho thấy sức ép cạnh tranh giữa các hãng vận chuyển đang lớn dần. Khi kinh tế khó khăn, nhiều người có nhu cầu đi lại buộc phải đánh đổi giữa giá rẻ và chất lượng. Và khi chất lượng giữa các hãng "bất phân" thì giá rẻ vẫn được người tiêu dùng chọn lựa như một giải pháp tiết giảm chi phí.

 

Một chuyên gia phân tích thời gian qua, giống như thị trường viễn thông, cạnh tranh giữa các hãng bay không phải là vấn đề chất lượng mà là giá. Bằng chứng là, khi Jetstar Pacific ra đời, giai đoạn đầu, các chuyến bay của hãng gần như luôn chặt cứng khách. Sau này, khi Jetstar Pacific đối diện với tình cảnh khó khăn về tài chính, số lượng máy bay ít khiến cho tình trạng hoãn hủy chuyến tăng cao, lượng khách của hãng lúc đó mới bị giảm theo.

 

"Nói như vậy để thấy, giá cả vẫn là yếu tố cạnh tranh cơ bản của các hãng bay nội địa. Bởi mỗi chặng bay kéo dài vài giờ đồng hồ, khách hàng đi ghế phổ thông khó có thể cảm nhận được hết chất lượng dịch vụ", vị chuyên gia này nói.

 

Thị trường hàng không nội địa có sự góp mặt của 3 hãng hàng khai thác Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Air Mekong đã kéo giá vé máy bay giảm một cách đáng kể. Nhiều chính sách ưu đãi cũng được tung ra. "Tôi cho rằng, nếu hai hãng Vietjet Air và Indochina Telecom sớm tham gia thị trường, sức ép cạnh tranh lớn dần, người tiêu dùng sẽ được lợi từ các chính sách ưu đãi", ông nói.