Đó là phương châm của cựu chiến binh Trần Văn Tuấn, 54 tuổi (xóm Bầu 1, xã Văn Yên, Đại Từ) trong việc xây dựng mô hình phát triển kinh tế.
Tuy mô hình chăn lợn của ông mới thực sự “phất lên” được 2 năm nay song với những thành quả của gia đình mình ông được bà con trong vùng kính nể và đến học hỏi kinh nghiệm
Sau 5 năm tham gia chiến đấu tại Quân đoàn 14 thuộc Quân khu 1, năm 1982 ông về quê cưới vợ và bắt đầu xây dựng kinh tế gia đình. Ông vừa mua vừa khai hoang đất được 2 sào đất để trồng lúa. Song ông nhận thấy, nếu chỉ dựa vào cây lúa thì kinh tế sẽ không khá lên được. Năm 2005, ông mới bắt đầu xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, nhưng do vốn ít, lại chưa có kinh nghiệm nên ông chỉ mua hai con lợn nái về nuôi. Một năm, ông được 5 lứa lợn, thu lãi khoảng 40 triệu đồng. Thấy hiệu quả, năm 2006- 2007, ông tiếp tục vay vốn ngân hàng đầu tư thêm 5 con lợn nái. Tuy nhiên, lần này ông không được “thuận buồm xuôi gió”, do thiếu kinh nghiệm trong việc chọn giống lợn, mua cám và điều trị bệnh cho đàn lợn nên ông bị thua lỗ 16 triệu đồng. Ông định từ bỏ chăn nuôi lợn. Nhưng ông nghĩ “thất bại là mẹ của thành công” và ông phân tích tìm hiểu nguyên nhân thất bại, bỏ công sức để học hỏi kinh nghiệm, cách làm của những hộ nông dân sản xuất giỏi trong xã.
Ông nhận thấy, muốn phát triển mạnh, bền vững thì phải hiểu biết và có cách làm đúng đắn, áp dụng khoa học kỹ thuật. Khi đã có trong tay 10.000m2 ông mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình VAC. Ông xây dựng hầm khí bioga, lắp đặt hệ thống điện nước để chăn nuôi lợn. Tận dụng thức ăn thừa của lợn, gà để nuôi cá, lấy nước ao cá nuôi cây trồng và sử dụng diện tích đất còn lại để trồng cây, hiện nay gia đình ông có 70 con lợn chuẩn bị xuất chuồng. Ông dự tính với giá lợn như hiện nay, sẽ thu lại được trên 200 triệu đồng. Ngoài ra với 2 sào cá, hơn chục đàn gà, 15 gốc măng bát độ, 50 gốc táo trừ chi phí cũng đem về cho ông từ 30- 40 triệu đồng. Năm 2010 ông trồng keo và xoan trên 1000m2 đất. Dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn, tôi thấy lạ: Cây keo và xoan ở đây có thân to, cao vút, không có cành lá xum xuê. Ông giải thích: “Ngay từ khi cây còn nho, tôi đã bẻ cành, làm như vậy 2-3 năm, cây sẽ cao và không có cành nữa. Làm thế, vừa tránh được sâu, thân cây lại thẳng, to.
Vừa chia sẻ kinh nghiệm trồng keo ông vừa nói thêm “ Dám làm nhưng còn phải biết làm ở chỗ đó. Ngay như trong chăn lợn cũng vậy, muốn hiệu quả đầu tiên phải chọn được giống lợn tốt. Tốt nhất là nên mua giống ở những trại giống có uy tín, được công nhận đủ tiêu chuẩn sản xuất giống. Đối với lợn nái sinh sản, nên chọn con có đầu to vừa phải, cân đối với thân, mõm bẹ, mông nở, chân to; chọn con có hàng vú thẳng hàng thường có 12 vú trở lên. Còn đối với lợn thịt chọn những con nhanh nhẹn, da dẻ hồng hào, lông mềm và thưa. Ngoài ra, phải chú ý tiêm phòng đầy đủ các loại vắcxin, tả, tụ huyết trùng đầy đủ trước khi tách đàn 7-10 ngày. Theo ông, khâu chọn cám cũng rất quan trọng, tránh mua những loại cám rẻ tiền kém chất lượng ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn lợn”
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Tuấn còn giúp đỡ nhiều hộ gia đình trong xã vươn lên phát triển kinh tế, bằng cách như truyền đạt kinh nghiệm, tư vấn chọn cám, giống lợn, cho vay mượn vốn.
Mặc dù đã ngoài 50 tuổi song ông vẫn say sưa với công việc. Ông là Hội viên hội Cựu chiến binh tiêu biểu của xã, tham gia nhiệt tình các phong trào, sinh hoạt Hội. Năm 2010, gia đình ông đạt danh hiệu: Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Chia tay ông, tôi hỏi: “Nếu được chia sẻ một điều với nhiều người nông dân khác ông sẽ nói điều gì?” Ông trả lời: “Theo tôi, dám nghĩ, dám làm chưa đủ mà còn phải biết làm nữa”