Dẻo, thơm nếp Vải trên đồng Phú Lương

10:01, 02/08/2011

Ai đã từng một lần được thưởng thức món ăn chế biến từ gạo nếp Vải ở huyện Phú Lương chắc hẳn không thể nào quên được hương thơm, vị đậm của giống nếp này.

Có mặt tại cánh đồng xóm Khuôn Rây, xã Phủ Lý vào một chiều cuối tháng 7, chúng tôi bắt gặp cảnh bà con nơi đây đang nhanh tay cấy nốt những diện tích lúa nếp Vải để kịp khung thời vụ. Dẫn chúng tôi đi thăm vùng lúa, anh Dương Văn Bình, cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, người trực tiếp hướng dẫn bà con về quy trình sản xuất lúa nếp Vải giới thiệu: Vụ mùa năm nay, huyện triển khai sản xuất 50ha giống lúa này, trong đó, xã Ôn Lương là 25ha, Hợp Thành 15ha và Phủ Lý 10ha. Để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, huyện đã chỉ đạo bà con từ ngày 30-6-2011 bắt đầu ngâm ủ giống, đến 3-7 gieo mạ và từ 15-7 bà con sẽ đồng loạt cấy. Đến thời điểm này, bà con đã cơ bản cấy hết diện tích. Nhằm chống đổ và hạn chế sâu bệnh, tiết kiệm giống, huyện cũng đã chỉ đạo bà con sản xuất 100% diện tích theo đúng quy trình kỹ thuật.

 

Từ một mô hình chọn lọc giống lúa nếp với quy mô 3.000m2 tại 4 hộ dân thuộc xóm Bản Cái, xã Ôn Lương trong vụ mùa năm 2009, đã cho thấy tiềm năng phát triển tốt giống lúa nếp Vải bởi hương thơm, vị ngậy, đậm, chất gạo dẻo. Đến vụ mùa năm 2010, huyện đã xây dựng Dự án mở rộng diện tích cấy lúa nếp Vải ra 10ha ở 4 xóm của xã là: Thâm Đông, Na Pặng, Bản Cái, Khau Lai. Dự án được áp dụng theo quy trình canh tác giống lúa nếp Vải của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên. 125 hộ tham gia dự án đã được tập huấn về quy trình kỹ thuật duy trì giống, quản lý dinh dưỡng, nước tưới, sinh lý của cây qua các giai đoạn, quản lý dịch hại và theo dõi thời tiết, quá trình sinh trưởng của cây... Qua tập huấn, nông dân đã nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc lúa nếp Vải, cách xử lý hạt giống, gieo mạ thưa, cấy mạ non... Ngoài được tập huấn về kỹ thuật, nông dân còn được hỗ trợ 60% giống, 40% phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả, khả năng đẻ nhánh của giống lúa này khá cao, mặc dù bà con chỉ cấy 1-2 dảnh/khóm, nhưng đến khi lúa trưởng thành số dảnh/khóm đã đạt khoảng 13 dảnh, tỷ lệ dảnh hữu hiệu cũng đạt cao. Chiều dài bông tương đối ổn định khoảng 25cm, tổng số hạt trung bình khoảng trên 150 hạt/bông, năng suất đạt 41 tạ/ha.

 

Dẫn chúng tôi đi thăm diện tích lúa nếp Vải vừa mới cấy xong tại xóm Bản Cái, xã Ôn Lương, anh Bình nhớ lại: Thời điểm thu hoạch vụ mùa năm 2010, khắp cánh đồng này như mở hội, bà con khắp xóm trên, xóm dưới kéo đến xem thu hoạch nếp Vải để tận mắt chứng kiến hiệu quả của giống lúa đặc sản. Tết đó, bà con lấy gạo nếp Vải gói bánh chưng, bánh chưng dẻo thơm, hấp dẫn vị đậm đà rất ngon. 2 năm gần đây, huyện Phú Lương còn nổi tiếng với món xôi nếp Vải thổi với hoa rau ngót rừng. Quả thực, ai đã từng được một lần thưởng thức món ăn này chắc hẳn sẽ không thể quên hương vị của món ăn. Gạo nếp Vải ngâm mềm sau đó trộn với hoa rau ngót cho vào chõ đồ chín, khi chín hạt gạo nở phồng căng bóng, điểm thêm lấm tấm sắc hoa ngót xanh trông đã hấp dẫn. Khi ăn, vị đậm đà của xôi nếp hoà quện với hoa ngót bùi bùi rất ngon. Hiện nay, gạo nếp Vải sản xuất tại địa phương không đủ bán.

 

Bà Triệu Thị Tư cho biết: Gia đình tôi có 5 sào ruộng, trước đây chỉ toàn cấy lúa Khang dân, năm 2010, thấy gạo nếp Vải ngon nên tôi đã dành 1 sào để cấy giống nếp này phục vụ nhu cầu của gia đình. Năm nay, sau khi tính toán: 1 sào nếp Vải thu được 1,5 tạ thóc, bán được khoảng 2 triệu đồng, trong khi 1 sào Khang dân thu được 1,8 tạ nhưng bán chỉ được trên 1 triệu đồng, nên tôi đã chuyển 4 sào sang cấy nếp Vải nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Đến cánh đồng xóm Bản Cái, bà con ở đây cũng vừa hoàn thành cấy hết diện tích, khắp cánh đồng đã được phủ kín một màu xanh non tơ, những lá mạ non khẽ lay động theo chiều gió như gợn sóng. Không chút mệt nhọc, ông Nguyễn Văn Hinh bước từ dưới ruộng lên nở nụ cười tươi rói với chúng tôi: Theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp thì lẽ ra đến ngày 20 là phải hoàn thành cấy xong toàn bộ diện tích, nhưng năm nay, do thời tiết rét đậm đã kéo dài thời gian sinh trưởng của cây trồng vụ xuân nên đã ảnh hưởng đến cây trồng vụ mùa. Gia đình tôi đã cố gắng thu hoạch vụ xuân nhanh chóng, rồi làm đất ngay để kịp cấy vụ mùa, giờ thì yên tâm rồi, hy vọng vụ này sẽ thắng lợi. Vụ mùa năm 2010, gia đình tôi tham gia dự án cấy 7 sào nếp Vải, thu được trên 1 tấn thóc, trị giá gần chục triệu đồng, năm nay tôi tăng diện tích lên 8 sào, tôi đặt nhiều hy vọng vào vụ mùa này.

 

Hoàng hôn buông xuống, những nông dân thong thả quẩy quang gánh ra về. Từ những nóc nhà, khói lam chiều lan toả, bất giác trong tôi cứ hiển hiện cảnh tượng về một vụ mùa bội thu, bà con rộn rã thu hoạch lúa và bữa cơm xum vầy trong niềm vui được mùa của bà con nơi đây.