Đồng thuận làm giàu

15:03, 07/08/2011

"Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn", cặp vợ chồng Bùi Đức Học, Trần Thị Ngà ở xóm Tân Phong, xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên)… ứng với câu thành ngữ ấy. Bởi trong cuộc sống, công việc hằng ngày họ luôn tâm đầu, ý hợp, tôn trọng quan điểm sống của nhau. Chính vì thế mà từ đôi bàn tay trắng, họ đã làm nên được một cơ ngơi bạc tỷ bây giờ.

Ngồi "uống nước mát" trong ngôi nhà 2 tầng, có khá đầy đủ tiện nghi hiện đại với vợ chồng họ, thật ít ai biết được trước đây, chủ nhân của ngôi nhà từng là hộ nghèo nhất xóm. Năm 1992, anh Học và chị Ngà đăng ký kết hôn, 2 năm sau vợ chồng xin ra ở riêng. Bố mẹ nghèo nên không có của hồi môn cho con, họ dựng lán ở tạm, hằng ngày chồng đi làm phụ hồ, chạy xe ôm; vợ cầy cấy, tần tảo theo các chợ phiên trên mạn ngược. Chị Ngà kể: Giờ nhớ lại vẫn chưa hết tủi: Hồi ấy 2 vợ chồng làm được cái nhà trát vách đất, mái lợp lá cọ, có những đêm mưa 2 vợ chồng đứng căng tấm ni lông cho con ngủ. Ngày giáp vụ phải "cắp rổ" đi vay gạo khắp xóm. Có hôm bế con về thăm ông bà ngoại cũng chỉ để đợi bữa cho con ăn chực bát cơm. Năm 1999, thấy nhiều người làm tàu hút cát, sỏi có thu nhập khá cao, vợ chồng tôi bàn bạc, quyết định dồn vốn mua lại chiếc thuyền ra sông, xúc cát, sỏi kiếm sống. Hơn 4 năm "lặn ngụp"  với thuyền cát, ăn chẳng đủ vì mình làm thủ công, tôi bảo chồng: Bán thuyền, lên bờ, để em đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan.

 

Vợ đi làm ở nước ngoài, anh Học thân "gà trống nuôi con", chạy xe ôm chờ ngày gia đình đoàn tụ. Năm 2005, chị Ngà trở về, việc đầu tiên là vợ chồng mang tiền đi trả nợ cho mọi người và xây lại ngôi nhà để ở. Có nhà, an cư nhưng nghiệp chưa yên, khi thấy bà con chòm xóm nuôi bò sinh sản xóa được nghèo, vợ chồng họ vay mượn thêm tiền, về Đông Anh (Hà Nội) mua 3 con bò nái. Để chăn nuôi bò thuận lợi, vợ chồng họ chặt hết cây ăn quả trong vườn lấy đất trồng cỏ. Hơn 1 năm sau, 3 con bò nái… không biết đẻ, đành bán bò, lỗ 6,5 triệu đồng.

 

Lại thấy nghề làm bún, bánh cuốn có hiệu quả, vợ chồng họ bàn bạc, vay mượn được 50 triệu đồng của bạn bè để mua dây chuyền tráng bánh cuốn. Nhưng vì không có kinh nghiệm, 2 tháng liền bánh cuốn làm ra bán rẻ như cho. Kiểm lại, chị Ngà thấy 2 tháng làm bánh cuốn bị lỗ thêm 6 triệu đồng. Vậy là chị đến các dây chuyền làm bánh cuốn trong xã để học tập, đồng thời rút kinh nghiệm, thay đổi một số quy trình làm bánh của gia đình. Nhờ đó, bánh cuốn của vợ chồng chị đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Anh Học cho biết: Sau khi có kinh nghiệm, gia đình tôi xuất bán được hơn 1 tấn bánh cuốn/ngày. Mỗi ngày thu lãi được 1 triệu đồng.

 

Nhưng khi có đồng vốn trong tay, vợ chồng họ lại tính làm ăn lớn hơn. Năm 2010, anh chị đầu tư 1,2 tỷ đồng (trong đó vay của Ngân hàng 900 triệu đồng) để xây dựng trang trại chăn nuôi gia cầm, với quy mô 16.000 con gà/lứa. Ngay lứa gà đầu tiên do vợ chồng họ tự lo từ các khâu giống, cám, đầu ra, chỉ 45 ngày sau đó, 1 lô gà 8.000 con được xuất bán đã có lãi hơn 100 triệu đồng sau khi đã trừ tiền lương cho 8 nhân công (2 triệu đồng/lao động) và tiền điện, nước, tiền chi phí thức ăn, thuốc phòng bệnh cho gà…

 

Nhìn khu trang trại được xây dựng gọn, hệ thống làm mát khoa học, phía sau trang trại thông ra sông Cầu, chị Ngà cho biết: Một con gà từ khi nở cho đến lúc được xuất bán chỉ có 45 ngày tuổi. Vì thế gia đình tôi luôn tuân thủ đầy đủ quy trình chăn nuôi, phòng bệnh cho đàn gà. Hiện trong trang trại có 1 lứa 8.000 con vừa nhập về được 12 ngày tuổi, 1 lứa 8.000 con vừa nhập về được 2 ngày tuổi. Nhưng chỉ hơn một tháng nữa, gia đình tôi sẽ cầm chắc số tiền lãi khoảng 300 triệu đồng.