Gần 90 tuổi vẫn tiên phong làm kinh tế

10:03, 15/08/2011

Ở thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ), có một cụ ông đã 87 tuổi nhưng vẫn ham làm kinh tế, người dân ở đây gọi ông với cái tên thân thiết: “ông thanh long” bởi ông là người đầu tiên đưa cây thanh long về trồng và nhân rộng chúng trên vùng đất Trại Cau này.

Chúng tôi đến thăm mô hình trồng thanh long của ông Nguyễn Văn Sực, ở tổ 4 đúng vào dịp vườn thanh long nhà ông đang cho quả. Nhìn những trái Thanh Long xanh bóng, trĩu cành cho thấy chủ nhân của chúng là người có rất nhiều kinh nghiệm trong việc trồng loại cây có xuất xứ từ miền Nam này. Chậm rãi đi ra từ vườn Thanh Long đón khách, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận ở ông Sực là khuôn mặt hồng hào, phúc hậu, đôi mắt sáng tinh anh và giọng nói rõ ràng. Trò chuyện với ông bên chén nước trà thơm ngát, chúng tôi được nghe kể lại câu chuyện ông “bén duyên” với cây Thanh Long.

 

Thời trai trẻ, công việc của ông là Tổ trưởng tổ bảo vệ Mỏ sắt Trại Cau. Đến năm 1975, ông xin nghỉ hưu ở nhà và cùng vợ chăm sóc vườn vải rộng hơn 600m2 của gia đình. Nhưng ông thấy việc trồng vải thật vất vả, nhất là những khi đến vụ thu hoạch, ông phải trèo lên cây để bẻ vải và không ít lần  bị côn trùng đốt đến phát sốt. Ông bắt đầu mong muốn tìm được loại cây trồng dễ chăm sóc, không tốn công thu hoạch và đem lại hiệu quả kinh tế cao để thay thế cho cây vải. Một buổi sáng giữa năm 2006, ông phát hiện ra hai gốc Thanh Long trồng trong góc vườn để làm cảnh đã cho quả chín đỏ, ông liền hái về bổ cho vợ con cùng ăn thì thấy quả có ruột trắng, mùi thơm dịu, vị thanh và ngọt mát. Ông Sực chợt nghĩ cây Thanh Long rất hợp với vùng đất đồi, tuổi thọ của cây cao, không mất nhiều công đầu tư chăm sóc, thu hoạch và đặc biệt là địa phương này chưa có nhà nào trồng loại cây như thế nên ông sẽ không phải lo việc tiêu thụ đầu ra. Nghĩ là làm, ông tìm các loại sách, báo hướng dẫn trồng cây Thanh Long và đến thăm các mô hình ở huyện Phổ Yên, TP. Thái Nguyên… để học hỏi kinh nghiệm. Khi đã yên tâm với vốn kiến thức mà mình tích lũy được, ông bàn với vợ bỏ số vốn dành dụm 20 triệu đồng của gia đình ra để đầu tư trồng Thanh Long. Được sự động viên, hưởng ứng nhiệt tình của vợ, năm 2007 ông mua sắt và xi măng về xây 80 trụ bê tông rồi lấy giống từ 2 cây Thanh Long để ươm quanh các trụ. Sau hơn 2 năm chăm chỉ làm cỏ, bón phân, tỉa cành cho cây, gia đình ông được thu hoạch lứa đầu tiên. Hai vợ chồng ông mang ra chợ thị trấn bán với giá 18 nghìn đồng đến 22 nghìn đồng/kg và đúng như ông đã dự đoán, bà con trong vùng mua thử về ăn thấy quả tươi, ngon liền truyền tai nhau đến mua.

 

Trao đổi về kinh nghiệm trồng Thanh Long, ông Sực cho biết: Cây Thanh Long rất “dễ chiều” bởi không phải phun thuốc trừ sâu, khoảng 3 tháng mới phải bón phân, làm cỏ một lần nên không mất nhiều vốn đầu tư và công chăm sóc. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách trồng loại cây này. Nếu trồng sâu quá cây sẽ bị chết hoặc không phát triển được, rễ cây Thanh Long có đặc điểm bám nổi trên bề mặt đất nên chỉ cần giâm cành xuống khoảng 3 phân là rễ đã có thể mọc; cây phải trồng ở nơi có nhiều ánh sáng thì mới sai quả; sau khi thu hoạch cần tỉa bớt cành để cây đâm chồi mới. Thanh Long bắt đầu ra quả từ tháng 6 đến hết tháng 10, vào giữa hè, là lúc Thanh Long cho quả rộ nhất. Trung bình từ khi ra hoa đến khi cho quả chín mất khoảng 45 ngày, nếu chăm sóc tốt thì mỗi năm có thể thu hoạch từ 5 đến 7 lứa quả. Mỗi năm gia đình tôi thu được 2,5 đến 3 tạ quả, trừ chi phí được lãi gần 5 triệu đồng.

 

 Sau gần 5 năm gắn bó với cây Thanh Long, đến nay, gia đình ông Sực đã trồng thêm được 40 trụ, hiện đang phát triển rất tốt và sắp cho thu hoạch. Ngoài trồng Thanh Long, ông còn dành một góc vườn để trồng thêm 20 gốc táo, mỗi năm cho thu hoạch 3 lứa quả và đem lại cho gia đình ông khoảng 4 triệu đồng/năm. Không chỉ nhân rộng cây Thanh Long trong vườn nhà, ông Sực còn tích cực tuyên truyền, phổ biến cách trồng và chăm sóc cây Thanh Long cho các hộ gia đình trong thị trấn, đồng thời cung cấp cây giống cho những hộ có nhu cầu. Đến nay, toàn thị trấn Trại Cau đã có khoảng 20 hộ trồng cây Thanh Long để tăng thêm thu nhập.

Tạm gác chuyện làm kinh tế lại, ông Sực “bật mí” cho chúng tôi biết gần chục năm nay, ông dùng tiền lương hưu hỗ trợ các con chi phí cho những sinh hoạt hàng ngày, còn tiền thu nhập từ vườn cây ăn quả thì hai ông bà để dành làm Quỹ Khuyến học và làm phần thưởng cho con cháu trong dòng họ. Cứ mỗi năm học kết thúc, ông lại tập trung con cháu đến nhà để trao phần thưởng. Cháu nào được học sinh tiên tiến, học sinh giỏi thì được thưởng 100 nghìn đồng; đỗ Trung cấp được thưởng 500 nghìn đồng; đỗ Cao đẳng, Đại học được thưởng 1 triệu đồng; cháu nào lập gia đình thì ông bà kỷ niệm cho 2 chỉ vàng làm của hồi môn. Đến nay, trong số 10 người cháu nội, ngoại của hai ông bà thì đã có 7 người tốt nghiệp ở các trường Cao đẳng, Đại học và đã có việc làm ổn định.

Trước khi chia tay, chúng tôi hỏi ông: Đến bao giờ ông mới chịu nghỉ ngơi để hưởng thụ như bao người ở tuổi của ông? Ông Sực cười đôn hậu: Tôi đã gần 90 tuổi rồi nhưng nhờ trời nên tôi vẫn giữ được sức khỏe, vẫn còn thiết tha với công việc. Tôi sẽ làm cho đến khi không thể làm được nữa, như vậy tôi mới thấy vui và thấy cuộc sống không bị buồn tẻ.