Giá gạo trên thị trường những ngày gần đây liên tục tăng cao. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) xác nhận, giá lúa thu mua ở ĐBSCL đang tăng do giá lúa gạo trên thế giới đang tăng, mặc dù vậy, lượng lúa gạo ở ĐBSCL vẫn đủ đáp ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo VFA, tính đến ngày 31-7, Việt Nam đã xuất khẩu 4,619 triệu tấn gạo các loại (tăng 16,72% so với năm 2010), đạt mức cao nhất từ trước đến nay cả về số lượng lẫn trị giá. Số lượng hợp đồng trong tháng 7 cũng cao kỷ lục với gần 1 triệu tấn, từ các nước châu Phi, Philippines, Trung Quốc và Indonesia.
Tại hội nghị giao ban 7 tháng đầu năm về xuất khẩu gạo và tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa vụ hè thu 2011 diễn ra ngày 5-8 tại TP Hồ Chí Minh, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho biết, do nhu cầu xuất khẩu tăng và tác động của giá gạo thị trường thế giới, nhiều thương nhân tăng cường mua vào để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và dự trữ chờ tăng giá bán, nên lúa gạo vụ hè thu tiêu thụ rất nhanh và giá lúa cũng tăng rất cao. Hiện lúa khô thường có giá 6.650 đồng/kg, lúa khô tốt 6.900-7.000 đồng/kg và lúa thơm 8.000-9.000 đồng/kg. Mức giá này tăng 54% so với cùng kỳ năm trước và tăng 22% so với vụ đông xuân 2011. Giá lúa tăng kéo theo giá gạo tăng. Hiện giá gạo trên thị trường TP Hồ Chí Minh đang tăng khoảng 1.000 đồng/kg.
Ông Phong bác bỏ thông tin "thương nhân Trung Quốc thu gom lúa ở các tỉnh miền Tây" đang rộ lên trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, lãnh đạo VFA cũng cho biết, gần đây có một số doanh nghiệp Thái Lan mua gạo thơm của Việt Nam về dán nhãn mác Thái Lan và bán sang Trung Quốc và một số nước khác với giá chênh lệch khoảng 30%.
Theo dự đoán của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, giá lúa gạo trên thị trường thế giới trong 5 tháng cuối năm vẫn có chiều hướng tăng do chính sách tăng giá lúa gạo nếu như chính phủ mới của Thái Lan sẽ thực hiện như đã tuyên bố trong cuộc vận động tranh cử cuối tháng 6 vừa qua. Do Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nên kịch bản sẽ có hai lựa chọn, hoặc là nhà nhập khẩu phải chấp nhận giá cao để mua gạo Thái Lan, hoặc Thái Lan sẽ không bán được gạo, phải tồn kho, hạn chế cung ra thị trường. Cả hai phương án đều khiến giá gạo tăng. Hiện một số nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đã phải tìm nguồn cung khác, trong đó có Việt Nam, để đáp ứng khách hàng truyền thống và thay thế giá gạo Thái đang quá cao. Bên cạnh đó, chính sách thu hẹp 30% diện tích sản xuất niên vụ 2011 - 2012 của Mỹ (dự kiến giảm sản lượng từ 1,5 đến 2 triệu tấn gạo) cũng góp phần làm tăng giá gạo thế giới.
Chính sách thay đổi giá gạo của Thái Lan tác động rất mạnh đến Việt Nam, vì Việt Nam là nguồn cung được chọn sau Thái Lan. Các doanh nghiệp đánh giá, tình hình này vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam, vì bên cạnh cơ hội mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, việc nâng giá bán sẽ có nhiều rủi ro do thị trường biến động thường xuyên, giá tăng cao ngoài dự kiến, nhiều doanh nghiệp không chuẩn bị kịp nguồn hàng đã ký trước đó.
Đủ gạo cho thị trường trong nước và xuất khẩu
Cũng theo VFA, số lượng hàng phải giao (theo hợp đồng đã ký) từ nay đến cuối năm là 1,564 triệu tấn. Lượng tồn kho trong doanh nghiệp là gần 1,4 triệu tấn, thấp hơn số lượng hàng phải giao, trong khi thu hoạch vụ hè thu không còn và nhu cầu xuất khẩu tiếp tục tăng. Chính vì vậy, dự báo cân đối xuất khẩu gạo cuối năm sẽ khó khăn.
Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp cho rằng, lượng lúa gạo vẫn đủ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Số lượng tồn kho 1,4 triệu tấn chỉ mới tính ở các doanh nghiệp của VFA, nếu tính cả lượng còn lại trong dân và các doanh nghiệp nhỏ thì con số sẽ lớn hơn. Chưa kể, khi giá lúa hè thu cao thì nông dân sẽ xuống giống nhiều ở vụ thu đông. Hiện theo kế hoạch, diện tích vụ thu đông của ĐBSCL là 605.000ha nhưng dự báo con số này sẽ vượt trên 700.000ha vì lúa đang được giá. Bên cạnh đó, vụ đông xuân cũng có thể được gieo sớm để thu hoạch trong tháng 2, tháng 3 tới.
Việc khan hàng, tăng giá là do yếu tố tâm lý nên nhiều doanh nghiệp ngoài ngành cũng tích cực thu gom. Trong khi đó, giá lúa có tăng nhưng sẽ không tăng đột biến vì Chính phủ Thái Lan cũng phải thực hiện việc tăng giá gạo theo lộ trình, nhanh nhất cũng là cuối năm nay. Hơn nữa, khi Nghị định 109 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu có hiệu lực (ngày 1-10), sẽ loại đi nhiều doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng, như vậy tình hình xuất khẩu gạo sẽ không còn cảnh "tranh mua tranh bán" như hiện nay.
Với thị trường trong nước, các nhà xuất khẩu cho rằng, khi giá thế giới tăng thì giá trong nước cũng phải tăng theo. Chính vì vậy, để bình ổn giá gạo trong nước, ngành lương thực cần được ủng hộ bằng chính sách tiền tệ như giảm lãi vay USD, cho vay dài hạn để tạm trữ, và đẩy mạnh chương trình bình ổn giá mặt hàng gạo (như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang thực hiện) để giữ ổn định giá lương thực trong nước.