Về xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên), ngắm nương chè xanh ngút ngát với những bàn tay thoăn thoắt thu hái, tôi cảm nhận vùng quê này đang từng ngày đổi mới.
Chủ tịch Hội Nông dân xã, bà Nguyễn Thị Vân nói với chúng tôi: Cuộc sống của bà con các xóm: Cây Xanh, Gò Móc, Bắc Thành, Trung Thành, Nam Thành... được ổn định như hôm nay là nhờ cây chè. Tiền làm đường bê tông, xây nhà, mua sắm ti vi, xe máy... đều từ chè mà ra.
Gần 10 năm làm công tác Hội, bà Vân hiểu cặn kẽ về tâm tư, nguyện vọng và hoàn cảnh của những người nông dân trong xã, nhất là nông dân các xóm chuyên canh cây chè. Không ít hộ được Hội vận động chuyển đổi đất vườn tạp sang trồng chè, nhờ đó họ đã có cuộc sống ổn định hơn. Điển hình ở xóm Cây Xanh có gia đình các bà Trương Thị Hoàn; Phùng Thị Hoa... nhờ được Hội “cầm tay chỉ việc” như giúp thiết kế vườn bãi, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và cách chế biến chè từ hơn 5 năm nay, nên các bà không chỉ biết làm chè, mà còn là người sản xuất được chè chất luợng cao trong xã.
Cùng ở xóm Cây Xanh, trong tốp đầu những người làm chè chất lượng cao, bà con thường nhắc đến anh Dương Công Việt. Hiện anh Việt có 5 sào đất trồng chè cành giống TRI 777 và Phúc Vân Tiên. Mỗi năm gia đình anh được thu hái 8 lứa (cả chè vụ đông), sản lượng đạt bình quân 5,6 tạ chè búp khô/năm. Ngồi nhâm nhi chén trà Phúc Vân Tiên, anh Việt cho biết: Năm 2007 tôi đã phá hết vườn chè già để trồng thay thế bằng chè cành giống mới. Nhờ quá trình trồng, chăm bón, thu hái và chế biến chè được áp dụng đúng quy trình hướng dẫn của cán bộ khuyến nông nên chè của gia đình đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Ông Dương Đình Liên, bố đẻ anh Việt kể: Trước đây tôi cũng đã trồng chè, nhưng ở thời bao cấp, có chè mà cũng không biết bán cho ai. Tôi đã phá cả một vườn chè rộng mấy nghìn mét vuông để trồng chanh, rồi phá chanh sang trồng mơ lai, sau đó lại phá mơ lai trồng vải... Cứ “chạy” theo phong trào trồng rồi chặt mà cuộc sống không hết khó khăn... Bà Trần Thị Thinh, vợ ông Liên bảo: Để có cuộc sống ổn định như ngày hôm nay, nông dân ở đây phải trả nhiều học phí mới chịu trở lại với cây chè.
Đến nay, nhân dân xã Quyết Thắng đã trồng được 50ha chè, chủ yếu là chè đang cho thu hái, sản lượng đạt 1.026,8 tấn/năm. Tại 5 xóm chuyên canh cây chè của xã là Cây Xanh, Gò Móc, Bắc Thành, Trung Thành, Nam Thành có khoảng hơn 70% số hộ làm chè đạt thu nhập từ 40 triệu đồng/năm trở lên. Điển hình như gia đình ông Đinh Văn Định, xóm Bắc Thành, mỗi năm có nguồn thu từ chè đạt hơn 130 triệu đồng. Qua trao đổi chúng tôi được biết: Từ 5 năm trước, ông Định đã phá bỏ toàn bộ diện tích chè già cỗi của gia đình để trồng lại 7 sào chè cành giống mới Phúc Vân Tiên, Kim Tiên. Cùng ở xóm Bắc Thành, gia đình ông Đinh Văn Du cũng đã trồng thay thế toàn bộ 4 sào chè già cỗi bằng chè cành giống TRI 777. Từ 4 sào chè, với giá bán trung bình trong cả năm là 140.000 đồng/kg, gia đình ông Du có thu trên 50 triệu đồng/năm. Hộ ông Dương Văn Lân và hộ bà Nguyễn Thị Nhung, xóm Gò Móc, từ 3 sào chè mỗi năm cũng có thu nhập trên 40 triệu đồng...
Bà Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch Hội Nông dân xã tự hào khoe: Xã Quyết Thắng có nhiều hộ làm chè giỏi. Hầu hết các hộ đều làm chè an toàn, chất lượng cao nên chè bán được giá: Hội Nông dân xã có gần 1.300 hội viên thì có khoảng 50% gia đình hội viên của 5/10 chi hội sinh sống nhờ cây chè. Để hội viên nông dân nắm bắt được kỹ thuật sản xuất chè an toàn, hằng năm Hội đều phối hợp với các cơ quan, ban ngành chức năng mở lớp tập huấn cho nông dân theo yêu cầu, như kỹ thuật chăm bón, kỹ thuật thu hái và chế biến chè...