Nguyên nhân chính là giá lợn giống quá cao, giá thức ăn cũng tăng đột biến, nên dù có vốn đầu tư, người dân vẫn không có lãi
Mấy tháng trở lại đây, giá thịt lợn hơi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Theo lẽ thường, người chăn nuôi tiếp tục đầu tư để thu lãi cao. Tuy nhiên, hàng trăm hộ gia đình chăn nuôi lại đang gặp khó khăn và dè chừng khi phát triển đàn lợn.
Ông Lê Xuân Thủy ở thôn Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị rất xót xa khi cả 3 chuồng lợn thịt của gia đình bị bỏ trống suốt mấy tháng nay. Nếu thuận lợi thì diện tích này, gia đình ông Thủy nuôi được 150 con lợn mỗi lứa. Thế nhưng hiện tại, ông chỉ biết dùng nó vào việc nuôi mấy chục con gà.
Trước đây, mỗi năm nuôi lợn, gia đình ông lãi ròng từ 60 đến 70 triệu đồng. Tuy nhiên vào thời điểm này, khi giá thịt lợn hơi đã tăng lên từ 52.000 đến 53.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, vợ chồng ông vẫn e ngại trong việc tái đàn. Ông Lê Xuân Thủy, thôn Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong cho biết: “Mấy năm trở lại đây tình hình chăn nuôi rất khó khăn với thị trường, giá cả đầu vào từ chỗ bột ăn của lợn rất cao. Hộ gia đình tôi đang cầm cự mấy con nái, nếu giá còn tăng thì chỉ có chờ lợn đẻ mới nuôi chứ mua lợn ngoài về chưa chắc đã có lãi nên không nuôi được”.
Theo ông Võ Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, cả xã hiện có đến 50% hộ dân đang khó khăn trong việc tái đàn lợn. Ông Bắc cho biết thêm: “Quá trình tái đàn khó khăn là vì lợn con trên địa bàn không có. Từ chi phí thức ăn đến lúc xuất chuồng lợn trên 50 kg so với lợn con là giá bán rất khó khăn nên bà con tập trung lợn con đuợc 10kg là bán”.
Khó khăn trong việc tái đàn đang là thực trạng chung của hàng trăm hộ dân đầu tư nuôi lợn theo hình thức gia trại và trang trại trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Nguyên nhân chính là giá lợn giống quá cao, giá thức ăn cũng tăng đột biến, nên dù có vốn đầu tư, người dân vẫn không có lãi, hoặc lãi không đáng kể. Bên cạnh đó, đợt dịch tai xanh xảy ra trong thời gian vừa qua cũng đã khiến số lượng lợn nái trên địa bàn giảm đáng kể.
Trước tình hình này, các ban ngành chức năng tỉnh Quảng Trị đã triển khai các biện pháp giúp người dân ổn định chăn nuôi. Ông Trần Đức Nhu, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo trung tâm giống tăng cường về vấn đề sản xuất và tăng cường nếu nhu cầu lớn phải thu mua từ bên ngoài; Chỉ đạo các đơn vị sản xuất và công ty sản xuất tăng cường sản xuất giống cho nhân dân. hiện nay Sở và huyện cũng chỉ đạo ráo riết tăng cường đầu tư cho công tác giống trên địa bàn bằng ngân sách hỗ trợ theo quyết định của UBND tỉnh tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển”.
Thực tế cho thấy, phát triển chăn nuôi lợn việc tái đàn là yêu cầu cần thiết. Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực của người chăn nuôi, các ban ngành chức năng tỉnh Quảng Trị cũng cần có những biện pháp cụ thể, quan tâm hơn nữa để người nông dân yên tâm hơn trong việc phát triển đàn lợn, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định chăn nuôi./.