Mặc dù đã có sự vào cuộc của doanh nghiệp và các cơ quan quản lý, nhưng “cuộc chiến” chống hàng giả, hàng nhái vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn.
Theo thống kê của Bộ Công an, 5 năm qua, Việt Nam đã phát hiện 11.000 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả tại 43 tỉnh, thành. Bình quân mỗi năm lực lượng chức năng xử lý khoảng 1.000 vụ. Hầu như mặt hàng nào cũng có thể bị làm giả, làm nhái. Từ thuốc tây, giày dép, quần áo, điện thoại di động, mỹ phẩm đến cả giấy vệ sinh, băng keo, tăm tre...
Theo ông Hoàng Công Sơn, Đội QLTT 3A - TP HCM, hoạt động sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ ngày càng phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ngành hàng. Thủ đoạn phổ biến là dùng hàng kém chất lượng hoặc các nguyên liệu rẻ tiền pha trộn với một lượng hàng thật theo tỉ lệ nhất định hoặc tự sản xuất hàng giả rồi dán nhãn mác DN đã được đăng ký nhãn hiệu.
Dược phẩm, mỹ phẩm, văn hóa phẩm giả được sản xuất rất tinh vi, mẫu mã bao bì không khác gì hàng thật và nếu không có sản phẩm thật để đối chiếu hay DN sản xuất hàng thật giúp nhận diện thì cả cơ quan chức năng và người tiêu dùng không thể phân biệt được.
Một doanh nghiệp trong ngành gia vị thực phẩm bức xúc: DN phải bỏ công nghiên cứu ra sản phẩm mới, chi hàng tỷ đồng cho truyền thông, quảng cáo để đưa sản phẩm ra thị trường. Nhưng ngay lập tức hàng giả giá rẻ (do không mất chi phí nghiên cứu, quảng bá) đã lập tức tràn ngập và tranh giành thị phần. Doanh thu của đơn vị sụt giảm gần một nửa so với thời điểm hàng giả chưa xuất hiện. Chưa kể hàng giả làm ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp và đặc biệt là quyền lợi của người tiêu dùng.
Sản phẩm chăm sóc móng, Kềm Nghĩa đã trở thành một thương hiệu quen thuộc, chiếm 80% thị phần và hiện có đến 120 đại lý kinh doanh, phân phối sản phẩm. Tuy vậy, theo đại diện của Công ty Kềm Nghĩa, hiện nay công ty đang phải đối diện với việc hàng giả tràn lan, nhưng bán với giá rẻ hơn một nửa. Các loại sản phẩm này được bỏ mối trực tiếp tại các chợ khiến công ty mất rất nhiều mối hàng.
Vì sao hàng giả tung hoành?
Theo đại diện của Kềm Nghĩa, đã vài lần Công ty kiện một số cơ sở làm nhái sản phẩm của mình, nhưng không đủ lực để liên tục theo các vụ kiện, mà khi ra tòa đối tượng làm hàng giả cũng chỉ bị phạt vài triệu đồng. Phòng kinh doanh của công ty này đã lập một bộ phận hơn 10 người chuyên đi phát hiện các sản phẩm làm giả rồi báo với Cục Quản lý thị trường. Nhưng “việc làm này cũng như muối bỏ bể”, bởi hàng nhái rất nhiều, mức phạt thì chẳng đáng bao nhiêu. Chưa kể có nhiều trường hợp, hôm trước phát hiện được nơi tích trữ một lượng lớn hàng giả nhưng đến hôm sau khi lực lượng quản lý thị trường tới kiểm tra thì số hàng giả này đã bị tẩu tán gần hết.
Khi hỏi về nguyên nhân, đa số doanh nghiệp đều cho rằng, nước ta có đến 96 - 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó không ít doanh nghiệp buôn bán chộp giật, sản xuất những mặt hàng giả, nhái, kém chất lượng. Thứ hai là ý thức chống hàng giả, hàng nhái, ý thức bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp chưa cao, (khoảng 10% DN). Còn 90% DN trông chờ vào cơ quan chức năng. Thứ ba là lực lượng thực thi còn hạn chế nhiều về mặt luật pháp, thủ tục rườm rà cùng với tâm lý dễ dãi của người tiêu dùng và sự buông lỏng quản lý của chính cơ quan chức năng.
Theo ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam, nguyên nhân chính là do kinh phí quá hạn hẹp. “Để phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, cán bộ công chức phải mất rất nhiều công sức nhưng không có kinh phí ngoài lương”. Một trong những biện pháp giúp hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái là doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin cho người tiêu dùng để nhận biết, phân biệt hàng thật, hàng giả./.