Đã vào cuối tháng 11 nhưng vùng chè Sơn Phú (Định Hóa) vẫn phủ một màu xanh mát mắt bởi nhiều hộ dân trong xã đã chú trọng sản xuất chè vụ đông…
Cầm chén trà sóng sánh màu mật ong người bạn đưa, tôi nhấp một ngụm nhỏ, vị chát đạm dần đi xuống cuống họng và dư vị để lại là hương thơm ngọt ngào. Cô bạn khoe: - Chè sạch La Bằng đấy, cậu uống không, mình biếu. Nói rồi cô mở tủ lấy ra một túi chè khá to và chia cho tôi một nửa.
Dư vị ngọt ngào của chén trà "sạch" cứ làm tôi nhớ mãi. Đúng là nhu cầu được sử dụng các sản phẩm nông nghiệp "sạch" như rau, thịt... và chè của người tiêu dùng ngày càng cao. Tuy nhiên, điều khiến không ít người băn khoăn là hiện nay, người dân trong tỉnh đã và đang làm chè "sạch" theo cách nào? Bởi Thái Nguyên được gắn liền với cái tên "Đệ nhất danh trà" nhưng cũng có lúc sản phẩm chè búp khô của người dân nơi đây lại mất giá thảm hại khi mà các loại thuốc bảo vệ được dùng để chăm bón chè vượt quá liều lượng cho phép. Chính điều này đã thôi thúc tôi tới một số vùng chè nổi tiếng trong tỉnh để tìm hiểu cách sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của bà con.
Đã vào cuối tháng 11 nhưng vùng chè Sơn Phú (Định Hóa) vẫn phủ một màu xanh mát mắt bởi nhiều hộ dân trong xã đã chú trọng sản xuất chè vụ đông. Niềm vui đã đến với người dân nơi đây bởi sau 1 năm nỗ lực, đến tháng 10 vừa qua, bà con đã được Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giống, Vật tư nông nghiệp hàng hóa (Sở Nông nghiệp và PTNT) cấp giấy chứng nhận VietGAP với diện tích 6,7ha chè. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Giám đốc Trung tâm cho biết: Mặc dù đây là quy trình còn rất mới mẻ đối với người dân, nhưng điều đáng mừng là bà con đã thực hiện đúng theo yêu cầu của việc sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Thay vì sử dụng phân bón hóa học như trước, bà con đã tận dụng nguồn rơm rạ sẵn có để ủ thành phân hữu cơ cung cấp chất dinh dưỡng cho cây chè. Việc dùng thuốc bảo vệ thực vật cũng được bà con sử dụng đúng liều lượng và thời gian quy định. Đặc biệt, tất cả các quy trình trên đều được bà con nông dân ghi chép lại một cách tỷ mỷ theo đúng hướng dẫn của cán bộ khuyến nông.
Đây chỉ là một trong rất nhiều mô hình sản xuất chè an toàn trên địa bàn tỉnh đã được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap. Theo ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, 5 năm trở lại đây, cùng với việc đưa các loại chè giống mới chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng, có thể sản xuất được nhiều loại trà như LDP1, Keo Am Tích, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên... vào trồng thay thế các những diện tích chè Trung du đã già cỗi, xuống cấp, để nâng cao giá trị của cây chè, người dân trong tỉnh đã, đang tập trung sản xuất chè an toàn theo hướng VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt). Sản xuất chè theo quy trình nhằm ngăn ngừa và hạn chế rủi ro từ các mối nguy cơ ô nhiễm ảnh hưởng đến sự an toàn, chất lượng sản phẩm chè, môi trường, sức khỏe, an toàn lao động và phúc lợi xã hội của người lao động trong sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất chế biến chè an toàn, tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho người sản xuất và cán bộ quản lý. Thời gian qua, trên 300 khoá đào tạo IPM đã được tổ chức cho hàng nghìn hộ nông dân tham gia. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã tổ chức 300 lớp tập huấn về quy trình sản xuất chè an toàn. Chị Phạm Thị Lý, một người dân ở xóm Thậm Thình, xã Cát Nê (Đại Từ), từng được tham gia khóa đào tạo này cho biết: Tham gia các lớp tập huấn, người trồng chè chúng tôi được cung cấp kiến thức và kỹ năng sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau khi tham gia lớp tập huấn, các học viên lại có trách nhiệm hướng dẫn cho các hộ khác cùng làm theo.
Từ sản xuất chè an toàn theo hướng VietGAP, chất lượng chè Thái đã và đang được nâng lên, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Sản lượng chè mỗi năm một tăng, nhất là ở các vùng trồng chè thuộc huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương và T.P Thái Nguyên. Các mô hình sản xuất chè an toàn đạt hiệu quả cao cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm đang xuất hiện ngày một nhiều tại khắp các địa phương trong tỉnh. Đơn cử như hộ ông Nguyễn Văn Minh, xóm Phố Hích, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ); ông Trần Văn Thái, Trần Văn Thắng, xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên)… Hiện, toàn tỉnh đã cấp Chứng nhận VietGAP cho 60ha chè (sản lượng trên 100 tấn chè búp khô/năm) của 60 hộ, nhóm hộ và các HTX thuộc xã: Hoà Bình (Đồng Hỷ), Tân Cương (TP Thái Nguyên), Trung Hội, Sơn Phú (Định Hoá). Khi áp dụng quy trình VietGAP đối với chè, nhiều người dân cho biết, giá trị sản phẩm chè đã tăng từ 10 đến 15% so với chè sản xuất thông thường tại địa phương. Ông Đào Quốc Văn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Cương cho biết: Toàn xã có 300 hộ dân (chiếm 1/3 số hộ trồng chè của xã) tham gia sản xuất chè theo quy trình này. Nhiều hộ có đời sống khá lên nhờ sản xuất và chế biến chè an toàn. Riêng năm 2010, tổng sản lượng chè thành phẩm của xã đạt hơn 1.000 tấn đem lại giá trị kinh tế trên 100 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 18 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, điều khó khăn hiện nay đối với người trồng chè là việc tiêu thụ sản phẩm chè an toàn theo quy trình VietGAP còn rất hạn chế. Chưa có một tổ chức, doanh nghiệp nào đứng ra ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Người trồng chè chủ yếu phải tự tìm cách xoay xở, tự quảng bá sản phẩm của mình. Chính vì vậy, để duy trì và nhân rộng diện tích sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP trong những năm tiếp theo, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn liên quan đến quy trình sản xuất nông nghiệp chè an toàn để nhiều người biết và thực hiện. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ đưa ra nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhà khoa học giúp người sản xuất trong khâu tiêu thụ sản phẩm chè an toàn thông qua nhiều hình thức như: xây dựng trang thông tin danh sách các cơ sở sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP; hỗ trợ kinh phí xây dựng các mô hình chè VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm; tăng cường kiểm tra, tổng kết rút kinh nghiệm để nhân rộng các mô hình trồng và chế biến chè an toàn... Chắc chắn với các chính sách, việc làm thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, chè Thái Nguyên sẽ ngày một bay xa và tỏa ngát hương trên khắp mọi miền.