Phổ Yên hiện có trên 1.800ha chè, trong đó chè cành giống mới có khoảng trên 700ha. Trong những năm qua, huyện luôn khuyến khích người dân từng bước cải tạo và tiến hành trồng chè giống mới...
Dẫn chúng tôi đi giữa những vườn chè xanh ngát, luống nào luống nấy thẳng tắp, búp mọc tua tủa, anh Hoàng Văn Hà, cán bộ khuyến nông thị trấn Bãi Bông chia sẻ: Để có những vườn chè tươi tốt và đẹp mắt như thế này, người làm chè phải chú ý đến từng khâu chăm bón; trong đó, quan trọng nhất là phải đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cây chè và phòng, trừ sâu bệnh kịp thời. Vào thời điểm này, người dân vùng chè Bãi Bông đang tích cực bón thêm phân vào gốc để cây chè có “lực” vươn lên trong mùa đông.
Chúng tôi ghé thăm vườn chè của gia đình bà Nguyễn Thị Mơ, ở khối Đồng Tâm, thị trấn Bãi Bông đúng lúc bà đang nhanh tay dẫn ống bơm nước để tưới chè. Trò chuyện với chúng tôi, bà Mơ cho biết: Nhà tôi có 1ha chè. Trước đây, vườn chè của gia đình mỗi năm chỉ cho thu hái từ 5-6 lứa. Nay nhờ được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, gia đình tôi đã biết đốn chè, bón phân và bơm nước tưới đúng thời điểm để cây chè vẫn vươn lên xanh tốt trong mùa đông và có thể cho thu hái 7-8 lứa/năm. Ngoài ra, chúng tôi còn được cán bộ Trạm Khuyến nông huyện khuyến cáo sử dụng phân bón NEB 26. Đây là loại phân bón kích thích bộ rễ cây trồng phát triển mạnh, làm gia tăng lượng vi sinh vật cho đất, cải tạo đất, tăng khả năng kháng chịu đối với sâu bệnh. Bón loại phân hữu cơ sinh học này tôi nhận thấy chè ra nhiều búp giòn, dễ hái, thời gian nảy búp sớm, lá có màu xanh sáng và dày. Qua thử nghiệm, tôi thấy năng suất chè búp tươi đã tăng từ 65kg lên 75kg/sào/lứa. Nhận thấy hiệu quả của giống phân bón này, bà con xóm tôi đã từng bước đưa vào sử dụng từ đầu năm 2011 để góp phần cung cấp cho thị trường những sản phẩm chè an toàn. Tuy nhiên, điều mà bà con chúng tôi còn băn khoăn là mặc dù 100% diện tích là chè cành nhưng giá bán trung bình cũng chỉ được 80 nghìn đồng/kg và mạnh nhà nào nhà nấy bán, không có thị trường tiêu thụ ổn định.
Rời Bãi Bông, chúng tôi đến thị trấn Bắc Sơn, một trong những địa phương có diện tích chè thâm canh đạt năng suất cao của huyện. Chúng tôi ghé thăm nhà anh Thân Văn Thụ, Trưởng xóm Sơn Trung, một trong những hộ dân tiên phong trong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhà anh Thụ có 3 sào chè, trong đó có 2 sào chè cành giống LDP1. Hiện, mỗi lứa nhà anh cũng thu hái được 80kg chè búp khô, với giá bán trung bình 120 nghìn đồng/kg. Anh tâm sự: Hiện nay, sản phẩm chè của chúng tôi vẫn mạnh ai nấy bán và giá cả cũng tùy từng thời điểm. Nhận thấy chè để lâu mà không được bảo quản cẩn thận rất dễ bị mất mùi thơm, ảnh hưởng đến chất lượng chè, tôi đã đi tham khảo nhiều nơi và quyết định đầu tư hơn 50 triệu đồng mua máy hút chân không. Chè sau khi được hút chân không sẽ giữ được mùi hương đặc trưng trong khoảng 1 năm, chất lượng chè được bảo quản lâu hơn. Chè có thể đóng gói 0,2kg, 0,5kg, 1kg hay 20kg để bảo quản và tiêu thụ, đảm bảo vẫn giữ được hương khi đến tay người tiêu dùng.
Không chỉ ở Bãi Bông, Bắc Sơn mà người trồng chè ở khắp các địa phương trên địa bàn huyện Phổ Yên đều có chung mong muốn là sản phẩm chè của mình làm ra sẽ được tiêu thụ rộng rãi hơn, giá thành bán cao hơn để có thể đáp ứng nhu cầu của cuộc sống và yên tâm gắn bó với cây chè. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Dương Văn Hiến, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Phổ Yên hiện có trên 1.800ha chè, trong đó chè cành giống mới có khoảng trên 700ha. Vì vậy, trong những năm qua, huyện luôn khuyến khích người dân từng bước cải tạo và tiến hành trồng chè giống mới, trung bình mỗi năm trồng được trên 100ha chè cành. Hàng năm, huyện cũng tổ chức được trên dưới 30 lớp tập huấn về cách trồng, chế biến và chăm sóc chè cho hơn 2 nghìn lượt hộ tham gia. Nhờ đó, bà con đã nắm được các quy trình trồng, chăm sóc và chế biến các giống chè cành giống mới cho năng suất và chất lượng cao như: LDP1, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên… Nhờ chuyển đổi cơ cấu giống, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, bón phân cân đối, năng suất chè bình quân của huyện đã tăng từ 70 tạ/ha (năm 2006) lên 90tạ/ha hiện nay. Huyện đã có 10 xóm được UBND tỉnh công nhận là làng nghề trồng, chế biến chè ở 2 xã là Thành Công và Phúc Thuận. Tuy nhiên, chè của bà con hiện nay chủ yếu vẫn là do tự tiêu thụ ở các chợ hoặc bán cho tư thương. Vì thế, giá chè cũng không ổn định và nhiều khi bị ép giá. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào các làng nghề sản xuất và chế biến chè an toàn, nhằm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè Phổ Yên. Đồng thời có những hoạt động phối hợp với các sở, ban, ngành để quảng bá, giới thiệu sản phẩm chè đặc sản đến với người tiêu dùng.