Không còn tư duy mạnh ai nấy làm, các hội viên phụ nữ ở xã Sơn Phú (Định Hóa) đã biết hợp lại với nhau, cùng giúp nhau về vốn, kiến thức, ngày công… để sản xuất và chế biến chè an toàn…
Dưới sự bảo trợ, giúp đỡ của Dự án CARE (Hội LHPN tỉnh), Tổ hợp tác sản xuất chè Hương Hội, xóm Phú Hội 2, xã Sơn Phú (Định Hóa) được thành lập và đi vào hoạt động từ cuối năm 2009, với 17 thành viên đều là phụ nữ. Chị Tống Thị Duyên, thành viên Tổ hợp tác cho biết: Gia đình tôi trồng chè rải rác trên mấy quả đồi nhưng do nhà chỉ có 2 lao động nên hái không kịp, để chè quá lứa vì thế chất lượng chè không cao... Nhiều khi tiếc của nên chúng tôi vẫn cố hái rồi mất công sao sấy nhưng chè bán lại không được giá. Tham gia Tổ hợp tác, tôi được tập huấn kiến thức về cây chè; được các chị em giúp đổi công để thu hái kịp thời, sao sấy bằng tôn quay tại các xưởng chế biến tập trung nên thu nhập từ chè của gia đình tôi đã tăng lên.
Với chị Ngô Thị Dân thì việc tham gia Tổ hợp tác sản xuất chè của Chi hội Phụ nữ, chị đã có thêm rất nhiều kiến thức để chăm sóc diện tích chè của gia đình và thay đổi cách nghĩ, cách làm. Đến nay, 2,2ha chè của gia đình Dân đều là chè cành các giống: TRI777, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên. Dẫn chúng tôi lên thăm đồi chè búp non tua tủa sắp đến kỳ hái, chị Dân bảo: Ban đầu việc áp dụng những kiến thức chăm sóc chè theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông với các quy định nghiêm ngặt theo quy trình sản xuất chè an toàn, chúng tôi thấy rất khó và phức tạp nhưng quen rồi lại thấy dễ làm. Được đi tham quan một số vùng trồng chè trong và ngoài tỉnh, chúng tôi thấy cần phải quan tâm hơn đến sản xuất chè sạch, chè an toàn để không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, vừa giữ gìn môi trường sống cho chính những người làm chè. Vì thế, gia đình tôi tự ủ phân vi sinh để bón cho chè và chỉ sử dụng một phần rất nhỏ phân đạm, lân, kali để bón thúc… vừa đỡ tốn kém, cây chè lại nảy búp nhanh, mỗi tháng cho hái một lứa, năng suất cao hơn trước. Tham gia Dự án gia đình tôi được hỗ trợ 400 cành chè giống, gia đình tôi trồng được 4 sào, thấy chè lớn nhanh, búp nhiều nên tôi đã phá bỏ diện tích chè trung du để chuyển sang trồng chè cành. Giờ đồi chè đã bắt đầu cho thu hoạch, mỗi sào cũng được 18-20kg chè khô/lứa, giá bán được khoảng 80 nghìn đồng/kg, cao gấp đôi so với chè giống cũ.
Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Nguyệt, Tổ trưởng Tổ hợp tác chè Hương Hội cho biết: Tham gia Tổ hợp tác, mỗi thành viên được hỗ trợ 400-500 cành chè giống, 5-10 gói thuốc ủ phân vi sinh (tùy từng diện tích của mỗi hộ), kinh phí thành lập 5 xưởng sao chè tập trung (khoảng 50 triệu đồng)… Giá trị về vật chất thì không nhiều, nhưng có lẽ cái được lớn nhất của những người làm chè chúng tôi à kiến thức có được thông qua các lớp tập huấn, tham quan học tập các cách làm chè của các địa phương. Có kiến thức, chị em phụ nữ đã biết áp dụng vào sản xuất, tạo nên những vạt chè xanh mướt, thay thế những diện tích chè cằn cỗi, kém năng suất. Ngoài chăm sóc và chế biến chè, giờ đây hầu hết chị em còn biết cách ươm chè giống có chất lượng cung cấp cho các địa phương trong và ngoài tỉnh. Việc chế biến chè cũng chuyên nghiệp hơn, được Dự án hỗ trợ tôn quay chè, cứ 4 -5 hộ vào một nhóm đóng góp tiền để làm xưởng chế biến chung. Sau khi thu hái chè giúp một gia đình, các chị lại giúp nhau sao sấy. Mỗi tháng, Tổ hợp tác họp 1 lần để cùng nhau trao đổi về tình hình sâu bệnh trên cây chè, đánh giá chất lượng chè khô của từng gia đình, lựa chọn những sản phẩm chè có chất lượng để trao đổi cùng rút kinh nghiệm…
Tham gia Tổ hợp tác, các thành viên đã cùng nhau cam kết và đăng ký diện tích sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Được Trung tâm kiểm địch chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT) hướng dẫn thực hiện, kiểm tra. Qua 3 lần đánh giá chất lượng với chỉ tiêu phân tích lấy mẫu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và dư lượng kim loại nặng đều ở dưới mức cho phép hoặc không phát hiện. Đầu tháng 10-2011, diện tích chè của các thành viên trong Tổ hợp tác chè Hương Hội đã được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Đây là mô hình sản xuất mở ra một hướng phát triển mới, có sự liên kết của các cá nhân để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè, cây trồng mang lại no ấm cho người dân ở vùng quê nửa đồng nửa núi này. Cùng với thời gian, chúng tôi tin rằng, thị trường sẽ biết đến sản phẩm chè Hương Hội.