Các cán bộ chuyên môn đang lo ngại về khả năng hoàn thành kế hoạch sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2011. Nhiều người còn cho rằng, một số chỉ tiêu chắc chắn sẽ không hoàn thành…
Mặc dù tăng so với cùng kỳ năm trước là 12,9%, song tăng trưởng của ngành công nghiệp phải đạt tốc độ 20% trở lên mới có thể đảm bảo kế hoạch tỉnh đề ra. Nguyên nhân được xác định là do một số ngành công nghiệp thế mạnh của tỉnh gặp khó khăn do không có thị trường tiêu thụ. Trước tiên phải kể đến ngành công nghiệp luyện kim, trong đó chủ yếu là khu vực sản xuất thép xây dựng. Theo các chuyên gia kinh tế, nếu không đảm bảo tốc độ tăng trưởng 20% trở lên thì chí ít ngành thép cũng phải đạt mức 9-10%. Trong khi đó, tính đến hết tháng 10-2011, thép xây dựng khu vực ngoài Nhà nước trên địa bàn đã tăng trưởng âm so với cùng kỳ là 4,3%, khu vực kinh tế Nhà nước chỉ tăng 4% (trong khi ít nhất phải tăng 15-17%).
Điều đáng quan tâm là ngành thép hiện đang chiếm trên 30% tỷ trọng ngành công nghiệp toàn tỉnh. Công ty CP Gang thép Thái Nguyên là đơn vị chủ lực trong sản xuất thép của tỉnh thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn. Có thời điểm, Công ty này phải xuất bán những lô hàng dưới giá thành để tránh tồn đọng nhiều sản phẩm. Tuy vậy, tháng 9 vừa qua, Công ty cũng phải chịu để tồn kho trên 38 nghìn tấn thép các loại. Cùng với thép xây dựng, khu vực sản xuất than cũng thể hiện sự sụt giảm không ngờ. 10 tháng năm 2011, toàn ngành than của tỉnh đã để âm 11,4% sản lượng so với cùng kỳ năm trước. Ngành sản xuất giấy các loại mặc dù có tăng, song không đáng kể, gần 3%...
Một điều hiển nhiên là khi ngành thép và một số ngành công nghiệp mũi nhọn chậm lại thì các ngành sản xuất khác khó có thể bù đắp được. Minh chứng rõ nhất cho nhận định này chính là việc mặc dù xi măng tăng trưởng rất mạnh, đạt 47,3% so với cùng kỳ, song vẫn không đắp đổi được sự sụt giảm của ngành thép vì lĩnh vực xi măng chỉ là một phần nhỏ trong khu vực công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, mà khu vực này chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 20% toàn ngành, thấp hơn khoảng 10% so với ngành thép.
Vậy, tại sao ngành thép và một số ngành công nghiệp mũi nhọn khác tăng trưởng thấp? Lý do chính được đưa ra là vì thị trường bất động sản đóng băng từ đầu năm; Chính phủ chủ trương thắt chặt chi tiêu công; giãn, hoãn một lượng lớn dự án, chương trình đầu tư xây dựng mới… Bởi thế, thị trường tiêu thụ thép xây dựng và một số lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn bị hạn chế, dẫn đến sản xuất ngừng trệ. Ngay như lĩnh vực xi măng của tỉnh, mặc dù vẫn tăng trưởng, nhưng chủ yếu tập trung cho khu vực xây dựng dân dụng nên hiện tại vẫn thừa khoảng 2 triệu tấn so với công suất thiết kế của các nhà máy.
Năm nay, khu vực công nghiệp địa phương và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh bị sa sút đáng kể. 10 tháng, công nghiệp địa phương mới đạt 67,8%, dự kiến hết năm chỉ đạt khoảng 80% kế hoạch. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt thấp hơn nhiều, 50,7%, dự ước cả năm chỉ đạt khoảng 60%. Ngay từ đầu năm, chúng ta kỳ vọng nhiều vào các đơn vị có giá trị sản xuất lớn là Công ty NatSteel Vina và Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Hà Nội với khoản đóng góp khoảng từ 500 đến 1.500 tỷ đồng, song hai đơn vị này chỉ đạt khoảng 40% kỳ vọng.
Tuy nhiên, theo ông Đôn Văn Thuỷ, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Công Thương) thì cũng cần nhìn nhận vấn đề theo một chiều hướng khả quan hơn vì trong nội tại ngành công nghiệp vẫn có những khu vực tăng trưởng khá, có thể hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Ví dụ, trong khu vực công nghiệp trung ương, 10 tháng qua đạt trên 6.375 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ và bằng 79,7% kế hoạch. Theo đánh giá hàng năm thì bình quân mỗi tháng khu vực này đạt khoảng 8%, nhưng thường 2 tháng cuối năm sẽ đạt từ 10% trở lên. Bởi vậy, khu vực này hoàn toàn có thể đạt được kế hoạch đề ra. Ngoài ra, nếu phân theo ngành, lĩnh vực thì khu vực công nghiệp hỗ trợ của tỉnh cũng có thể đạt và vượt kế hoạch. Theo báo cáo từ các đơn vị sản xuất chủ lực trong khu vực này là Công ty cổ phần Phụ tùng máy số 1, Công ty Diezel Sông Công, Công ty CP Cơ khí Phổ Yên… thì tốc độ tăng trưởng các đơn vị đều đạt từ 25-50%.
Mặc dù vậy, vẫn có thể nhận thấy, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2011 sẽ không thể đạt được kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, điều chúng ta quan tâm hiện nay không phải là vấn đề hoàn thành hay không hoàn thành kế hoạch mà cái chính là những bước giải quyết nước rút hiệu quả trong nội tại các đơn vị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Và điều quan trọng hơn chính là sự nhìn nhận, phân tích một cách thấu đáo của các nhà quản lý, nhà xây dựng kế hoạch, nhà sản xuất và các chuyên gia kinh tế để những năm tiếp theo không để xảy ra trường hợp “thủng” kế hoạch như năm nay dù có những biến động bất thường của nền kinh tế.