Theo kế hoạch, vụ Đông năm nay, toàn huyện Đại Từ phấn đấu gieo trồng 2.700ha cây màu các loại. Trong đó, cây ngô 300ha; khoai lang 600ha; khoai tây 100ha; các loại rau màu khác 1.700ha.
Đồng chí Lê Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Đại Từ cho biết: Ít năm nào sản xuất vụ Đông lại khó khăn như năm nay, do ảnh hưởng của thời gian thu hoạch lúa mùa muộn hơn vụ mùa trung bình hàng năm khoảng 15-20 ngày nên đã ảnh hưởng nặng nề đến thời vụ gieo trồng của các loại cây trồng vụ Đông, trong đó đặc biệt là cây ngô. Chính vì vậy, việc chỉ đạo sản xuất và điều chỉnh cơ cấu cây trồng vụ Đông một cách kịp thời và hợp lý có vai trò hết sức quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu của sản xuất vụ Đông năm 2011 của địa phương.
Theo kế hoạch, vụ Đông năm nay, huyện Đại Từ phấn đấu gieo trồng 2.700ha cây màu các loại. Trong đó, cây ngô 300ha; khoai lang 600ha; khoai tây 100ha; các loại rau màu khác 1.700ha. Xác định không thể đạt được kế hoạch về diện tích, huyện Đại Từ phấn đấu sẽ đưa giá trị thu hoạch từ cây vụ đông cao hơn năm ngoái bằng việc điều chỉnh cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích nhóm cây ưa ấm như ngô, đồng thời mở rộng tối đa diện tích cây ưa lạnh mà chủ lực là cây khoai tây và các loại rau ăn lá, ăn củ. Để thực hiện được kế hoạch này, UBND huyện đã họp bàn với các ngành chuyên môn, các xã, thị trấn để triển khai tới tận người dân.
Qua khảo sát tình hình thực tế tại một số xã trên địa bàn huyện cho thấy diện tích cây ngô đông chủ yếu phục vụ chăn nuôi giảm và nông dân chuyển sang trồng ngô nếp cho giá trị kinh tế cao. Anh Ngô Văn Hiền, xóm Đặn 3, xã Ký Phú cho biết: Gia đình tôi có 7 sào ruộng, mọi năm diện tích này đều trồng ngô tẻ phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhưng năm nay do thời vụ muộn, giá phân bón tăng cao, gia đình tôi chuyển sang trồng 5 sào ngô nếp. Hiện nay, diện tích ngô nếp này đang chuẩn bị trỗ cờ, gia đình tích cực chăm bón để có những bắp ngô đạt năng suất cao. Năm ngoái, một số gia đình ở đây đã trồng loại ngô nếp này, khi thu hoạch lại dễ tiêu thụ, bán cho tư thương giá từ 1 nghìn đồng đến 1.500 đồng/bắp. Năm nay, ngay từ đầu mùa, giá tại ruộng đã từ 2 nghìn đồng/bắp trở lên. Một sào ngô nếp cho thu nhập 5-6 triệu đồng là điều mà người nông dân đã có trong tầm tay...
Không nhiều đất như gia đình anh Hiền, gia đình chị Ngô Thị Toàn ở xóm Đặn 1, xã Ký Phú chia sẻ: Nhà tôi chỉ có 3-4 sào ruộng. Mọi năm vào thời điểm này, khắp cánh đồng của xóm, người dân đua nhau trồng ngô, bí siêu quả. Nhưng năm nay vấp phải thời vụ muộn nên nhiều gia đình bỏ đất trống. Tiếc đất, gia đình tôi trồng 1,5 sào đậu leo và thấy thu nhập cao hơn trồng ngô rất nhiều. Trồng đậu leo thì 50 ngày sau mới bắt đầu cho thu hoạch, gia đình tôi không hái thành lứa mà hái tỉa thường xuyên. Năm nay đậu leo có giá khá cao , nếu như mọi năm chỉ từ 5 đến 6 nghìn đồng/kg thì hiện được giá khoảng 10 nghìn đồng/kg...
Còn tại một số xã có truyền thống làm rau chất lượng cao như Hùng Sơn, Bản Ngoại, Khôi Kỳ, Văn Yên... thì người nông dân tập trung vào các loại rau: bắp cải, su hào, cà chua, su su, súp lơ.... Anh Nguyễn Văn Lý, xóm Đồng Cả, xã Hùng Sơn vừa tưới những luống rau cải ngọt vừa tự hào khoe với chúng tôi: Gia đình tôi có 1 mẫu ruộng chuyên trồng các loại rau mướp đắng, cải ngọt, dưa chuột, cần tây, tỏi tây... Mùa nào thức nấy, gia đình tôi cũng có rau xanh cung cấp cho thị trường. Ngoài ra, gia đình tôi còn trồng hoa cúc vào dịp tết nên thu nhập trung bình mỗi năm của gia đình cũng đạt từ 150 triệu đồng trở lên từ hoa và rau...
Có thể nói, nhờ tích cực tuyên truyền, vận động người dân nên mặc dù vụ đông năm nay, huyện Đại Từ không đạt về diện tích nhưng chắc chắn giá trị cây trồng vụ đông của huyện sẽ tăng hơn mọi năm rất nhiều. Đặc biệt, huyện vừa triển khai hỗ trợ hoàn toàn giống cây trồng cho các địa phương bị thiệt hại do bão số 4 và 5 với tổng số lượng 1.250kg hạt giống rau các loại. Cùng với đó, huyện cũng thực hiện hỗ trợ giá giống khoai tây cho các hộ dân thực hiện mô hình đưa giống Sinora vào trồng ở Hùng Sơn...