Tạo đà để hộ nghèo vươn lên

08:46, 18/11/2011

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Phú Lương khóa XXVII đề ra mục tiêu: Đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện còn 10,98%, giảm khoảng 3.000 hộ so với thời điểm hiện tại…

Để đạt được mục tiêu này, huyện đang tích cực triển khai các biện pháp giảm nghèo, trong đó có việc thực hiện Dự án “Hỗ trợ hộ nghèo nuôi gà thả vườn và ứng dụng giống lúa lai vào sản xuất”.

 

Phú Lương là huyện miền núi có tỷ lệ hộ nghèo khá cao (toàn huyện hiện có trên 6.000 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 21,99%, cao hơn tỷ lệ của toàn tỉnh; số hộ cận nghèo là trên 3.200 hộ, chiếm 11,52%). Nhằm xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nhân dân, đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, từ đầu năm 2011, huyện đã triển khai Dự án “Hỗ trợ hộ nghèo nuôi gà thả vườn và ứng dụng giống lúa lai vào sản xuất” tại 2 xã Ôn Lương và Phủ Lý, với gần 200 hộ nghèo tham gia. Đây là 2 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện (xã Ôn Lương có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 34%; xã Phủ Lý có 26,96% số hộ nghèo).

 

Các xã Phủ Lý và Ôn Lương có diện tích vườn đồi khá rộng, phù hợp với chăn nuôi gà theo hình thức bán chăn thả nên huyện đã lựa chọn giống gà Lai mía và gà J-DABACO để đưa vào nuôi thả tại 2 địa phương này. Đây là 2 giống gà cho thịt thơm, ngon, khả năng chống chịu bệnh tật cao hơn các giống gà khác, thích ứng với điều kiện tự nhiên và phù hợp với tập quán chăn thả của bà con ở địa phương. Tổng số hộ tham gia mô hình là 120 hộ, mỗi hộ nuôi 50-60 con; tổng đàn gà là 6.500 con (trong đó xã Phủ Lý có 60 hộ tham gia, nuôi 3.500 con; xã Ôn Lương có 60 hộ tham gia, nuôi 3.000 con). Các hộ tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn, hỗ trợ 80% chi phí con giống, thức ăn, thuốc thú y và được hỗ trợ kinh phí làm chuồng gà. Nhờ được tập huấn kỹ về quy trình chăn nuôi nên đàn gà của các hộ có tỷ lệ sống rất cao, khả năng tăng trọng khá, không xảy ra dịch bệnh trong suốt quá trình nuôi…

 

Gia đình ông Phan Văn Trường, ở xóm Đầm Rum, xã Ôn Lương là một trong những hộ tham gia nuôi gà Lai mía theo Dự án. Ông Trường cho biết: Gia đình tôi tuy có 6 sào ruộng, nhưng thời gian gần đây do các con đã trưởng thành ra ngoài làm ăn, ở nhà chỉ còn 2 vợ chồng già, sức khỏe kém nên chẳng làm được nhiều, kinh tế gia đình vì thế mà ngày càng khó khăn. Năm 2010, qua bình xét của địa phương, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Từ tháng 3- 2011, nhà tôi tham gia thực hiện Dự án và được hỗ trợ 50 con gà lai mía, cộng với tự mua thêm 30 con nữa. Trong quá trình nuôi, tôi đã thực hiện theo đúng 4 bước được cán bộ nông nghiệp huyện hướng dẫn, như lúc gà bé thì nhốt trong chuồng, cho ăn cám, đến khi gà được khoảng 1kg thì bắt đầu thả ra ngoài để chúng tự kiếm ăn, đồng thời cho ăn bổ sung thêm ngô, thân cây chuối. Vì thế đàn gà của nhà tôi phát triển tốt, không thất thoát con nào, tôi đã xuất bán hết, thu được trên 11 triệu đồng. Sau khi trả hết nợ, tôi còn số vốn trên 5 triệu đồng, dự định sẽ tiếp tục mua gà Lai mía về nuôi tiếp...

 

Ngoài hỗ trợ bà con nuôi gà để tăng nguồn thu nhập, Dự án còn triển khai mô hình ứng dụng giống lúa lai Bio 404. Đây là giống lúa lai 3 dòng do Công ty Bioseed Việt Nam nhập từ Ấn Độ về, có năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn và sạch bệnh. Quy mô của mô hình là 8ha, triển khai tại 6 xóm: Đầm Rum, Bản Cái, Na Pặng, Thâm Trung, Trung Tâm và Khau Lai của xã Ôn Lương, với 40 hộ tham gia. Đến nay, bà con đã cơ bản thu hoạch xong diện tích lúa này, năng suất ước đạt 62 tạ/ha, cao hơn gần 10 tạ/ha so với giống lúa Khang Dân. Ông Tống Đình Công, ở xóm Trung Tâm phấn khởi cho biết: Nhà tôi có 6 sào ruộng cấy lúa. Trước đây, do kinh tế khó khăn, không có điều kiện đầu tư chăm bón theo đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất lúa thường đạt rất thấp, có năm bị nhiễm sâu bệnh còn mất mùa. Từ vụ mùa năm 2011 này, được tham gia thực hiện Dự án “Hỗ trợ hộ nghèo nuôi gà thả vườn và ứng dụng giống lúa lai vào sản xuất”, gia đình tôi đã được hỗ trợ toàn bộ 6 sào giống lúa Bio 404, cộng với phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (trị giá gần 200 nghìn đồng/sào) nên có điều kiện chăm sóc lúa tốt hơn, năng suất đạt cao nhất từ trước đến nay (2,2 tạ/sào). Năm nay nhà tôi sẽ không sợ thiếu ăn nữa...

 

Không chỉ hỗ trợ các hộ nghèo về giống, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu… để bà con có điều kiện phát triển sản xuất, Dự án nói trên còn thực hiện việc chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, góp phần xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, từng bước hình thành và phát triển nông sản mang tính hàng hóa. Đây chính là yếu tố quan trọng để tạo đà giúp các hộ phát triển kinh tế một cách bền vững. Trong tổng số gần 200 hộ nghèo tham gia Dự án, đến thời điểm này nhiều hộ đã trả được hết nợ, mua sắm thêm các tiện nghi sinh hoạt phục vụ cuộc sống và có vốn để tái sản xuất. Căn cứ vào các tiêu chí chuẩn hộ nghèo để đánh giá sơ bộ thì đến nay đã có tới 60% số hộ tham gia Dự án có điều kiện thoát nghèo.