Thu nhập cao từ nuôi lợn rừng

10:16, 17/11/2011

Ông Ngô Xuân Bắc, xóm Am Lâm, xã Trung Thành (Phổ Yên) đã mạnh dạn đầu tư hơn 500 triệu đồng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn rừng lai cho hiệu quả kinh tế cao.

Dẫn chúng tôi tham quan cơ ngơi được xây dựng trên diện tích hơn 2ha, ông Bắc cho biết: Sau 3 năm thực hiện mô hình nuôi lợn rừng lai, mặc dù nguồn thu chưa đạt lớn nhưng cũng đủ cơ sở để tôi khẳng định hướng đi của mình là đúng. Năm 2009, sau khi đi tham quan thực tế tại một số mô hình chăn nuôi lợn rừng ở các tỉnh phía Bắc, ông Bắc đã mua 1 cặp lợn giống trị giá hơn 7 triệu đồng về nuôi thử nghiệm. Lúc đó, gia đình ông đã mạnh dạn vay hơn 500 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để xây dựng hệ thống chuồng trại, diện tích trồng cây che mát và ao thả cá.

 

Ông bảo: Ban đầu, khi bắt tay vào đầu tư, tôi vẫn chưa có chút kinh nghiệm về nuôi loài động vật này mà chỉ có khát khao làm giàu và mong muốn cung cấp cho thị trường nguồn thực phẩm chất lượng cao, hiện đang được ưa chuộng là thịt lợn rừng, lợn mán. Vì thế, để chăm sóc và thuần dưỡng loài vật này, ông đã phải đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu các kiến thức khoa học kỹ thuật về cách chăm sóc lợn rừng. Ông đã cho phối giống lợn rừng có nguồn gốc từ Thái Lan với lợn nái rừng lai thuần chủng nhằm cho ra thế hệ lợn rừng lai F1, F2 để bán con giống và nuôi thịt thương phẩm. Theo ông Bắc, muốn nuôi được lợn rừng trước hết cần phải chọn được con giống tốt và hội đủ các yếu tố: lông rậm, mõm thẳng, lông ở 2 má có màu bạc. Chuồng trại cũng phải được xây dựng đúng quy chuẩn, cần có bóng mát, có chỗ cho lợn nghỉ ngơi và nhất là phải tạo được không gian và nền đất thích nghi với bản năng hoang dã của chúng.

Ưu điểm nổi bật của loại lợn rừng lai là có sức đề kháng tốt, ít bị nhiễm các loại dịch bệnh, chi phí về thức ăn rẻ và không mất nhiều công chăm sóc. Nuôi lợn rừng lai không cần chuồng trại kiên cố, nền tráng xi măng như lợn ta mà có thể thả rông giữa khu đất rộng được rào kín xung quanh bằng lưới thép để tránh chúng phá hoại cây rau màu. Quan sát hệ thống chuồng trại của gia đình ông Bắc, chúng tôi nhận thấy tuy nuôi theo cách thả rông song ông vẫn phân chia từng khu vực riêng biệt, có nơi sinh sống của lợn nái, lợn đực giống và khu vực cho lợn mẹ sinh sản, nuôi con. Sau 4 tháng kể từ lúc đẻ, lợn con có trọng lượng 12- 14kg. Mỗi năm lợn nái đẻ 2 lứa, mỗi lứa trung bình 8 con và ít bị chết. Khi lợn con đã lớn mới đưa tập trung về một khu riêng biệt để nuôi. Hiện nay, ông Bắc nuôi 8 lợn nái rừng, 5 con lợn nái mán, 50 lợn con và 15 lợn thịt chuẩn bị cho xuất chuồng. Hàng năm, từ đàn lợn giống này đã cung cấp cho gia đình ông trên dưới 100 lợn con.

 

Lợn rừng nái trung bình mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa khoảng 7 lợn con. Lợn con nuôi trong vòng 3 tháng là có thể xuất bán với giá trung bình 2,5 triệu đồng/con, gấp đôi giá bán lợn ta. Vừa nuôi vừa gây giống, vừa qua gia đình ông Bắc đã xuất bán được hơn chục con lợn thịt với giá trung bình 200 nghìn đồng/kg thịt hơi, (cao gấp 4 lần giá thịt lợn ta) thu về gần 100 triệu đồng. Thịt lợn rừng lai thơm ngon, bì giòn, ít mỡ nên được thị trường ưa chuộng,

 

Bên cạnh khu vực nuôi lợn, ông Bắc còn cải tạo hơn 4 mẫu ao để thả cá, tận dụng chất thải từ hệ thống chuồng trại. Ông thường xuyên thả các loại cá như: Trôi, chép, rô phi đơn tính… mỗi năm gia đình ông cũng thu về hơn 40 triệu đồng từ tiền bán cá. Từ nghề chăn nuôi lợn rừng lai, thả cá bước đầu đã giúp gia đình ông Bắc có thu nhập trung bình trên 150 triệu đồng/năm. Nói về những dự định sắp tới, ông Bắc cho biết sẽ từng bước đầu tư mở rộng quy mô nuôi lên hơn 50 con lợn nái và hàng trăm con lợn thịt…