Phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) từ lâu được biết đến là một vùng rau quả truyền thống, nơi có chợ đầu mối nông sản nổi tiếng. Nhờ trồng rau, nhiều gia đình ở đây thoát nghèo, vươn lên khấm khá…
Chưa đầy 5 phút đi xe máy, từ trung tâm phố phường đông đúc, chúng tôi được hòa mình vào một không gian đậm chất thôn quê, yên ắng, thanh bình với cơ man các loại rau, quả. Cánh đồng Túc Tiến rộng trên 30 héc ta là khu vực trồng rau tập trung nhất của phường Túc Duyên, “điểm danh” ở đây, chúng tôi thấy nào là những su hào, bắp cải, củ cải, nhiều loại rau thơm, rau cần, rau muống, đu đủ… Có đám ruộng đang cho thu hoạch, có chỗ đang được làm đất để chuẩn bị cho lứa rau mới, có đám ruộng rau đang thời kỳ phát triển. Nhấp nhô trên đồng là hình ảnh những người nông dân đang cần mẫn mà khẩn trương bên từng luống rau, khuôn đất. Trải qua nhiều đời đúc rút kinh nghiệm cộng với việc thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật (5 đến 7 lớp/năm) nên người trồng rau ở Túc Duyên đã có trình độ thâm canh khá cao, hệ số sử dụng đất có khi đạt đến 5 lần/năm. Cũng vì được tập huấn và tuyên truyền nên cơ bản người nông dân đã sản xuất rau theo hướng an toàn như thay phân tươi bằng phân được ủ kỹ, đảm bảo thời gian cách ly khi dùng thuốc bảo vệ thực vật. Được biết, toàn phường Túc Duyên hiện có 2.368 hộ dân thì trên 60% vẫn gắn bó với nông nghiệp, đa số trong đó chuyên trồng rau với tổng diện tích khoảng 35 héc ta.
Túc Duyên - dải đất ven dòng sông Cầu thơ mộng hội tụ đầy đủ những yếu tố để phát triển một vùng rau chuyên canh, đất đai mầu mỡ do thường xuyên được bồi đắp phù sa, tưới tiêu thuận lợi, thị trường tiêu thụ lớn cận kề. Không rõ nghề trồng rau đã xuất hiện ở đây từ khi nào, nhưng khoảng nửa thế kỷ trở lại đây, Túc Duyên đã là vùng sản xuất rau hàng hóa trọng điểm cung cấp cho nhu cầu của thành phố Thái Nguyên và các vùng lân cận. Ông Nguyễn Văn Thìn, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Tiến Ninh (1 trong 2 HTX nông nghiệp ở phường Túc Duyên) năm nay 59 tuổi là người đã gắn bó hàng chục năm với nghề trồng rau. Trong câu chuyên với ông khi cùng “du ngoạn” trên cánh đồng rau xanh biếc, chúng tôi biết được xung quanh cây rau cũng có khá nhiều chuyện đáng bàn, đáng nghe…
Ở thời bao cấp, người Túc duyên trồng rau rồi “cân” cho nhà nước để nhận về lương thực và các nhu yếu phẩm khác. Bước vào thời kỳ đổi mới, nghề trồng rau, quả ở Túc Duyên càng phát triển mạnh vì trồng rau cho thu nhập cao hơn cấy lúa từ 2 đến 3 lần. Mở rộng tầm mắt nhìn ra xung quanh cánh đồng, chỉ tay về hướng có những ngôi nhà khang trang, kiên cố, ông Thìn nói đầy vẻ tâm đắc: Từ rau mà có đấy anh à, không ít hộ ở vùng này trở nên khá, giàu nhờ cây rau như các gia đình anh Nguyễn Văn Hợi, tổ 22; Nguyễn Thành Nam, Dương Quốc Thu, tổ 23; Dương Thanh Nghị, Nguyễn Sơn Hà, tổ 21...
Đôi tay thoăn thoắt xếp những chiếc bắp cải mới thu hoạch lên xe chuẩn bị cho phiên chợ sáng hôm sau, chị Trịnh Thị Hương, tổ 22 quay sang trò chuyện với chúng tôi: Nhà tôi có 5 người, 3 cháu còn đang đi học nhưng tất cả chỉ trông vào 3 sào rau này. Gia Đình ông Nguyễn Khánh Long, tổ 23 có 3 sào đất, ông thuê thêm 4 sào chuyên trồng rau và hoa cúc nên kinh tế ổn định. Điều đáng mừng là vài năm trở lại đây, Túc Duyên đã xuất hiện những mô hình trồng rau được che phủ bằng mái nilon, nhà lưới để giảm bớt sự lệ thuộc vào thời tiết và nhằm sản xuất rau trái vụ, nhưng nhìn tổng thể, người trồng rau vẫn chủ yếu sản xuất tự phát theo phán đoán chủ quan, đầu ra và giá cả phó mặc cho thị trường nên sự rủi ro luôn tiềm ẩn. Vì vậy, cây rau ở đây vẫn chất chứa bao nỗi niềm của người nông dân trồng ra nó.
Thấy tôi có vẻ chú ý tới những vườn hoa xuất hiện lác đác trên cánh đồng, ông Nguyễn Văn Thìn phân bua: Khoảng 5 năm trở lại đây, người nông dân bắt đầu chuyển đổi một phần diện tích chuyên trồng rau sang trồng các loại hoa, từ hoa đồng tiền, hoa cúc đến những loại hoa có giá trị cao như hoa loa kèn, hoa ly, bởi lẽ trồng hoa cho thu nhập cao hơn rau. Đơn cử như 1 sào hoa cúc có thể cho thu lãi 20 triệu đồng/lứa, trong khi số lãi từ trồng rau được khoảng 5 triệu đồng, còn một sào hoa ly nếu nở đúng dịp còn cho lãi cao gấp nhiều lần. Gia đình ông Nguyễn Văn Hợi, tổ 22 là một trong những hộ đi đầu trong việc sản xuất hoa ở Túc Duyên, ông đã mạnh dạn chuyển đổi phần lớn diện tích rau sang trồng hoa được khoảng 5 năm nay. Hiện, gia đình đang tập trung chăm sóc 2 sào hoa ly (tiền đầu tư khoảng 200 triệu đồng) để nhắm tới thị trường dịp Tết Nguyên đán. Những hộ chuyển đổi từ trồng rau sang hoa ở Túc Duyên ngày càng nhiều (hiện có trên 100 hộ), làm cho diện tích rau không ngừng bị thu hẹp.
Mặt khác, theo quy hoạch và lộ trình đô thị hóa, đến năm 2015, Túc Duyên sẽ không còn đất sản xuất nông nghiệp. Các dự án khu dân cư đã và đang triển khai như khu dân cư số 5 với tổng diện tích gần 50 héc ta, khu dân cư 7A, khu dân cư kiểu mẫu… một số khác đã được phê duyệt đầu tư, chủ yếu lấy vào quỹ đất nông nghiệp của phường. Điển hình như HTX Dịch vụ nông nghiệp Đại Đồng vốn có 52 héc ta đất nông nghiệp nay giảm xuống còn 25 héc ta do việc triển khai 5 dự án. Đứng giữa cánh đồng rau mênh mông, tôi chợt mường tượng ra hình ảnh trong một tương lai rất gần, khu vực này sẽ là những khu dân cư hiện đại, phố phường tấp nập, nghề trồng rau chỉ còn trong dĩ vãng và người trồng rau đang đứng trước nhiều ngã rẽ.