Các ngân hàng đồng thuận

16:43, 29/12/2011

Kể từ ngày 15/12, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam của các tổ chức (trừ tổ chức tín dụng phi ngân hàng) và cá nhân, bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức không vượt quá 14%/năm. Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã đồng thuận và thực hiện nghiêm túc yêu cầu trên. Lãi suất đồng thuận đã bắt đầu có những hiệu ứng tích cực, có lợi cho khách hàng, an toàn cho doanh nghiệp và bình ổn thị trường.

 

Ngân hàng đồng thuận

 

Sau gần 2 tuần thực hiện cam kết lãi suất huy động tối đa 14%, giao dịch tại các ngân hàng trên thị trường Thái Nguyên đã không còn "náo loạn" như hồi đầu tháng 12. Tại các điểm giao dịch ngân hàng, cảnh đông đảo người dân đến gửi tiền tiết kiệm với mức lãi suất 16% hay thậm chí là 17% hay khách hàng đến rút tiền tiết kiệm tại các ngân hàng có mức huy động thấp để gửi vào ngân hàng có mức lãi suất cao hơn cũng đã được chấm dứt.

 

Tại điểm giao dịch trên đường Hoàng Văn Thụ của Ngân hàng CP thương mại Quốc tế Việt Nam (VIB), bản kê lãi suất huy động cụ thể và mức khuyến mại theo các kỳ hạn khác nhau được niêm yết ngay tại bàn của các nhân viên giao dịch. Theo đó, VIB chỉ áp dụng mức lãi suất cao nhất 14%/năm cho 3 kỳ hạn: 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng với thêm 1 điều kiện là khách hàng nhận lãi vào cuối kỳ hạn. Các kỳ hạn tiết kiệm khác, VIB đều áp dụng mức lãi suất huy động dưới 14%/năm.

 

Tại Chi nhánh trên đường Bến Oánh của Ngân hàng thương mại CP Quân đội (MB), mức huy động lãi suất cũng được niêm yết và thực hiện nghiêm túc. Lãi suất huy động cao nhất của MB cũng chỉ dừng lại ở mức 14%. Phản ứng trước yêu cầu tăng lãi suất cho số tiền gửi khá lớn của tôi, một nhân viên ở đây quả quyết: “Bên em không thể tăng được bởi đây là quy định của Ngân hàng Nhà nước”. Tương tự như vậy, một nhân viên Phòng giao dịch trên đường Hoàng Văn Thụ của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) cho biết, cam kết lãi suất huy động tối đa 14% cả khuyến mãi được BIDV áp dụng tại tất cả các điểm giao dịch. Thay vì tăng lãi suất, BIDV đưa ra chương trình dự thưởng với nhiều phần thưởng hấp dẫn để thu hút người gửi tiền.

 

Ông Ngô Đức Khanh, Giám đốc VIB Thái Nguyên cho biết, trước ngày 15/12, lãi suất huy động của VIB có lúc phải tăng theo thị trường lên tới 16%, tuy lượng giao dịch gửi tiền tăng lên khoảng 20% mỗi ngày nhưng cũng tăng rủi ro nợ xấu. Từ ngày 15/12, đã có quy định lãi suất huy động tối đa là 14%, VIB đã hoàn toàn an tâm cho việc kinh doanh của mình. Ông Khanh cũng cho biết, hiện nay, lượng khách hàng đến giao dịch tại VIB đã trở lại bình thường. Mỗi ngày, ngân hàng này thực hiện khoảng 700 giao dịch ở 2 văn phòng giao dịch Thái Nguyên.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Chi, Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thái Nguyên cho biết, ngay sau khi có văn bản yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra 19 tổ chức tín dụng có mặt trên địa bàn tỉnh về việc thực hiện cam kết này. Kết quả là hầu hết các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đều thực hiệm nghiêm túc. Chỉ có 2 chi nhánh của Ngân hàng Nông nghiệp ở huyện Đại Từ và huyện Phú Lương có huy động lãi suất quá 0,28%/năm cộng cả giá trị hiện vật khuyến mại do chưa hiểu đầy đủ quy định. Sau khi được nhắc nhở, 2 đơn vị này đã thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và đưa mức lãi suất huy động cao nhất về 14%/năm bao gồm cả khuyến mại.

Cần thiết cho thị trường

 

Bà Nguyễn Thị Hợp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh cho biết: Việc các ngân hàng cam kết lãi suất huy động cao nhất 14% được Hội và các doanh nghiệp thành viên rất hoan nghênh. Trước đây, khi các ngân hàng “xé rào”, một vài thành viên trong Hội đã phải vay với lãi suất lên đến 19% từ một vài ngân hàng thương mại cổ phần. Việc này làm ảnh hưởng xấu tới tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Bà Hợp lấy ví dụ, Doanh nghiệp tư nhân Kim khí vật tư Tiến Dũng mà bà làm Giám đốc có doanh thu 1 tháng từ 5-7 tỷ đồng. Nếu ngân hàng chỉ điều chỉnh tăng lãi suất cho vay thêm 1% thì Doanh nghiệp đã thâm hụt lãi hàng chục triệu đồng. Với doanh nghiệp lớn hơn, con số này phải lên tới hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, bà Hợp cũng cho rằng, với thị trường, ngân hàng cấp vốn cho doanh nghiệp nhưng chính ngân hàng cũng cần doanh nghiệp là nơi có nguồn tiền gửi và nơi đầu ra cho họ. Nếu các ngân hàng bằng mọi cách có lợi cho mình và đẩy khó khăn cho doanh nghiệp thì gây mất lòng tin trong doanh nghiệp. Và như vậy, doanh nghiệp sẽ tìm đến ngân hàng có uy tín để có được nguồn tiền với lãi suất tốt đồng thời có sự ổn định và cam kết lâu dài.

 

Dưới góc độ một chuyên gia trên lĩnh vực ngân hàng, ông Nguyễn Đình Chi cũng cho biết, việc các ngân hàng tự do nâng lãi suất huy động quá mức như trước đây sẽ tạo sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, làm tăng tính rủi ro, mất ổn định của hệ thống ngân hàng và kinh tế trong nước. Huy động lãi suất cao, tất nhiên phải cho vay cao. Điều này sẽ làm gia tăng các chi phí vốn và doanh nghiệp phải tăng giá bán sản phẩm để đảm bảo kinh doanh có lãi, làm giảm sức cạnh tranh và gây thu hẹp sản xuất, làm mất cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ trên thị trường.

 

Chính vì vậy, các ngân hàng thực hiện nghiêm túc cam kết lãi suất là rất có lợi cho cả thị trường tiền tệ và thị trường hàng hóa. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giám sát để đảm bảo các ngân hàng không “xé rào” đẩy lãi suất lên cao.