Tuy gặp phải không ít khó khăn nhưng điều đáng mừng là năm 2011, loại hình chăn nuôi trang trại tập trung vẫn được nhiều người dân trong tỉnh quan tâm phát triển…
Năm 2011, ngành Nông nghiệp thực hiện Phương án sản xuất chăn nuôi trong điều kiện hết sức khó khăn bởi dịch LMLM xảy ra khiến cho gần 18 nghìn con gia súc (trâu, bò, lợn) mắc bệnh buộc phải tiêu hủy. Dịch bệnh LMLM kéo dài (hơn 5 tháng, từ tháng 12-2010 đến giữa tháng 5-2011) đã gây cho người dân nhiều bất lợi và việc tái đàn gia súc không được thuận lợi, nhất là khi một số ngân hàng không dám mạo hiểm giải ngân nguồn vốn cho nông dân đầu tư phát triển chăn nuôi. Một khó khăn nữa là, diện tích chăn thả đang bị thu hẹp, thời tiết mùa đông ngày càng khắc nghiệt, hạn hán, rét đậm kéo dài nên người chăn nuôi không có đủ thức ăn cung cấp cho trâu, bò. Những nguyên nhân kể trên chính là lý do khiến cho tổng đàn gia súc, đặc biệt là đàn trâu, bò giảm gần 30% so với năm 2010.
Tuy gặp phải không ít khó khăn như đã nêu trên nhưng điều đáng mừng là năm nay, loại hình chăn nuôi trang trại tập trung vẫn được nhiều người dân quan tâm phát triển. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và PTNT hiện, toàn tỉnh có 588 trang trại, tăng khoảng 3-4% so với năm ngoái. Số trang trại chăn nuôi gà tập trung chiếm nhiều nhất với 314 trang trại, kế đến là chăn nuôi lợn: 227 trang trại; chăn nuôi trâu, bò: 28 trang trại và loại hình khác là 18 trang trại. Tổng số gia súc của các trang trại là 61,3 nghìn con, chiếm khoảng 8,8% trong tổng đàn gia súc của toàn tỉnh. Trong đó, đàn lợn chiếm 59,6 nghìn con, quy mô trung bình 1.000 con/trang trại; đàn trâu, bò 2.000 con, quy mô từ 10 con nái sinh sản trở lên. Tổng số đàn gia cầm của các trang trại là 1,1 triệu con, chiếm khoảng 18% so với tổng đàn, quy mô từ 2 đến 15 nghìn con/trang trại. Giá trị sản xuất hàng hóa của 1 trang trại trung bình đạt 804 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân đạt 205 triệu đồng/năm. Nhằm khuyến khích các trang trại chăn nuôi tập trung phát triển, từ đầu năm đến nay, tỉnh ta đã hỗ trợ phát triển 3 trang trại chăn nuôi lợn ngoại, quy mô 50 con nái ngoại trở lên; 5 trang trại chăn nuôi trâu, bò, quy mô 10 con sinh sản trở lên; 10 mô hình trồng cỏ và chế biến thức ăn gia súc...
Phát triển chăn nuôi trang trại tập trung đã đem lại nguồn thu nhập lớn cho bà con, nhiều gia đình trở nên khấm khá, giàu có nhờ mở rộng chăn nuôi. Đơn cử như gia đình bác Đinh Văn Tiến, xóm Khuôn 3, xã Phục Linh (Đại Từ). Gần 20 năm trước, khởi điểm chỉ có 1, 2 con trâu, vậy mà hiện nay đàn trâu nhà bác đã lên đến 40 con. Bác Tiến nói: Trâu là loài ăn tạp nên rất dễ chăm sóc, chỉ mất vốn đầu tư mua trâu giống ban đầu mà không mất nhiều tiền mua thức ăn cho trâu. Điều đáng lưu tâm nhất khi đầu tư vào loại vật nuôi này là hằng năm phải tiêm phòng đầy đủ các loại vắc - xin phòng bệnh; chăm sóc, tránh rét cho trâu vào những ngày rét đậm, rét hại... và phải nhẫn nại chờ đợi vì trâu sinh sản chậm hơn các loài vật nuôi khác như gà, lợn... Từ nuôi trâu, bác Tiến đã xây được nhà và sắm sửa được nhiều vật dụng cần thiết trong gia đình. Theo tính toán của bác, 3 năm trở lại đây, bác thu 70-100 triệu đồng/năm từ nuôi trâu.
Một ưu điểm nữa là phát triển chăn nuôi trang trại tập trung đã góp phần nâng cao chất lượng đàn giống vật nuôi (một số trang trại phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo). Năm nay, đàn bò lai Zebu tăng 4% so với năm 2010 (hiện chiếm 32% trong tổng số đàn bò của cả tỉnh), đàn lợn nái lai tăng 5-8% (nái ngoại có trên 12 nghìn con, nái lai trên 13 nghìn con).
Mặc dù đã mang lại những lợi ích về kinh tế song việc phát triển chăn nuôi trang trại tập trung cũng đang tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh phát sinh trên đàn gia súc, gia cầm. Bởi vậy, để loại hình chăn nuôi này phát triển bền vững, trong năm 2012 và những năm tiếp theo, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường công tác quản lý các trang trại, gia trại chăn nuôi trong việc thực hiện các quy định về vệ sinh thú y; khuyến khích các địa phương, trang trại, người chăn nuôi xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; hỗ trợ phát triển trang trại trâu, bò, lợn chăn nuôi tập trung và nâng cao chất lượng giống vật nuôi...