TNĐT - Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất - Thái Nguyên, Việt Nam 2011 (gọi tắt là LHT) được tổ chức tại Thái Nguyên (TN) đã khép lại. Nhưng dư âm tốt đẹp về một Liên hoan vẫn còn đọng mãi; song những băn khoăn của người dân sau Liên hoan không phải không có. Để có thêm thông tin, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Phóng viên (P.V): Đồng chí có thể đánh giá vài nét về thành công của Liên hoan Trà vừa được tổ chức tại tỉnh trong tháng 11-2011?
Đồng chí (Đ.c) Đặng Viết Thuần: Có thể nói, sự kiện LHT vừa diễn ra tại Thái Nguyên trong tháng 11-2011 đạt thành công hơn cả mong đợi. Thông qua Liên hoan chúng ta đã nâng cao vị thế, hình ảnh của Thái Nguyên trong mắt bạn bè trong nước và Quốc tế. Khẳng định TN thực hiện rất tốt nhiệm vụ của Chính phủ giao: Tổ chức một LHT Quốc tế đầu tiên tại Việt Nam. Việc tổ chức LHT không chỉ là sự phấn khởi, niềm tự hào, tâm tư, nguyện vọng của người dân TN mà còn là mong muốn của tất cả các tỉnh có chè trong cả nước. Đồng thời, khẳng định TN có tầm tổ chức được các sự kiện lớn; Đảng bộ, các tổ chức chính trị, đặc biệt các doanh nghiệp (DN) và người dân TN đã đoàn kết, sáng tạo tạo trong việc vận động thu hút nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất (CSVC) tạo nên thành công của Liên hoan.
Người dân TN đã ý thức trách nhiệm cao, tình cảm của mình đối với du khách và để lại những ấn tượng hết sức tốt đẹp trong lòng bạn bè gần xa. Theo tôi, đạt được thành công trên phải kể đến sự chỉ đạo hết sức sâu sát của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ban chấp hành Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, đặc biệt, trực tiếp là Ban Chỉ đạo (BCĐ), Ban Tổ chức (BTC) Liên hoan Trà. Các vấn đề về nội dung, phương pháp tổ chức, điều hành được xây dựng rất công phu và tạo sự đồng thuận cao. Lần đầu tiên công tác an ninh trật tự có bài bản; ý thức trách nhiệm của người dân được phát huy cao độ đã tạo sự an toàn, trật tự rất tốt, được nhân dân đánh giá cao.
Trong công tác vận động và thành lập BTC, BCĐ rất sáng tạo (có đủ thành phần trong tỉnh, các tỉnh liên quan và các Bộ, ngành Trung ương) nên đã phát huy được tinh thần đoàn kết, sự tham gia ủng hộ nhiệt tình của các tỉnh và các Bộ ngành Trung ương, các đơn vị coi đây cũng là công việc của mình. Sự đóng góp của các cơ quan thông tin đại chúng trong và ngoài tỉnh đã đưa tin đầy đủ, phản ánh kịp thời các sự kiện, góp phần không nhỏ vào thành công của Liên hoan.
P.V: Một trong những nội dung phục vụ LHT là xây dựng CSVC phục vụ các hoạt động, sau khi kết thúc LHT, người dân đang rất quan tâm, trong thời gian tới, tỉnh sẽ quản lý, khai thác, sử dụng như thế nào để nâng cao hiệu quả các công trình lớn như vậy?
Đ.c Đặng Viết Thuần: Đây không những là sự quan tâm của người dân trong tỉnh mà cả các tỉnh bạn cũng đang rất muốn xem chúng ta quản lý, khai thác sử dụng các công trình phục vụ LHT như thế nào? Như chúng ta được biết, việc xây dựng CSVC cho LHT chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội hóa. Theo tôi đây là sự sáng tạo, là khâu đột phá tỉnh trong điều kiện ngân sách tỉnh hạn hẹp, ngân sách Trung ương không có.
Thông qua vận động, tỉnh đã nhận được sự ủng hộ bằng tiền của 502 DN với số tiền đăng ký lên đến 28 tỷ 307 triệu đồng. Hiện các DN đã chuyển vào tài khoản ngân sách tỉnh 13 tỷ đồng. Ngoài ra, có 19 nhà đầu tư tài trợ bằng hiện vật. Trong đó, nhà đầu tư lớn nhất là Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công tài trợ nhiều nhất với số tiền trên 100 tỷ đồng xây dựng khu vực tổ chức hoạt động chính của Liên hoan (gồm sân khấu, đường điện, nhà thưởng thức trà, tàu du lịch, bãi đỗ xe..); 18 nhà tài trợ bằng hiện vật với số tiền 9 tỷ đồng (gồm pano, khẩu hiệu, chỉnh trang các đảo tròn).
Để phát huy những CSVC trên, chủ trương của tỉnh là lập hồ sơ đăng ký bản quyền tổ chức LHT 2 năm 1 lần; giao cho thành phố Thái Nguyên (TPTN), các huyện tổ chức tuyên truyền, giới thiệu quảng bá cây chè. Theo thông báo của Tỉnh ủy, một số nhà tổ chức các sự kiện của Trung ương và vùng đã bắt đầu làm việc với tỉnh để đăng ký các sự kiện như: thi hoa hậu Báo Tiền Phong và một số sự kiện khác. Về phía tỉnh, sẽ giao cho các cơ quan để tổ chức Hội chợ thương mại và một số hoạt động ngoài trời cần có không gian rộng. Hy vọng sẽ có nhiều sự kiện lớn được tổ chức ở đây. Tỉnh sẽ giao cho các cơ quan chức năng quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả để mở rộng không gian vùng. Tiếp tục xây dựng CSVC như: khách sạn 5 sao, các hoạt động đầu tư vào hồ Núi Cốc, coi đây là bàn đạp thúc đẩy xây dựng khu du lịch trọng điểm Quốc gia. Vì CSVC cần phải đồng bộ, nên tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo nhanh chóng hoàn thành tuyến Quốc lộ 3 mới và cũ; triển khai 10 dự án tỉnh đã đồng ý đầu tư vào hồ Núi Cốc, trong đó có khách sạn 5 sao và khu vui chơi giải trí, chắc chắn khu du lịch trên sẽ phát huy hiệu quả cao hơn.
P.v: Tiếp sau sự kiện Liên hoan Trà, tỉnh cần phải làm gì để đạt được mục đích mà Liên hoan đề ra?
Đ.c Đặng Viết Thuần: Mục đích của LHT là tôn vinh cây chè Việt nói chung và chè TN nói riêng; tôn vinh người làm chè, nghề làm chè , các nhà khoa học để đưa chè Việt Nam hội nhập Quốc tế. Vì vậy, phần việc tiếp theo của chúng ta là phải tập trung trí tuệ của toàn hệ thống chính trị để làm sao cây chè TN có thương hiệu và hội nhập Thế giới, làm giàu cho người dân TN. Do vậy, chúng ta phải định hướng cho cây chè TN sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn, đạt chuẩn Thế giới; sản phẩm phải đảm bảo an toàn, bổ dưỡng, có giá trị văn hóa trong thưởng thức trà của người dân Thái Nguyên và Quốc tế. Vì thế, tới đây người trồng chè cần ý thức cao hơn trong việc chung tay xây dựng chè TN trở thành chè có đẳng cấp, xứng danh với danh hiệu "Đệ nhất danh trà". Trách nhiệm của các cơ quan tư vấn phải nhanh chóng xây dựng thương hiệu chè cho TN và bảo vệ thương hiệu chè TN trên thế giới.