Công nghiệp hỗ trợ tăng trưởng bền vững

08:47, 15/12/2011

Năm 2011, trong khi các nhóm ngành sản xuất mũi nhọn của tỉnh là luyện kim, vật liệu xây dựng… đang chùng xuống thì nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ lại “lên như diều gặp gió” với mức tăng trưởng từ 25% đến 50%. Các nhà phân tích cho rằng, đó là sự chuyển động khó tin vì năm 2011 là năm các nền kinh tế tiếp tục phải hứng chịu những tác động xấu của thị trường thế giới.

Chúng ta cùng tìm hiểu tình hình sản xuất, kinh doanh tại một số đơn vị trong ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh để thấy rõ sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành này thời gian qua. Đơn vị đầu tiên chúng tôi muốn đề cập chính là Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Diesel Sông Công, một trong những đơn vị có bề dày về lĩnh vực chế tạo, cơ khí.

 

Mặc dù chịu tác động mạnh mẽ từ những khó khăn của thị trường trong nước, thế giới, nhưng doanh nghiệp này vẫn vững tiến với giá trị sản xuất đạt được trong năm 2011 là khoảng 460 tỷ đồng, tăng 31% so với bình quân chung của cả giai đoạn 2006-2010. Theo ông Nguyễn Quang Hưng, Trưởng Phòng sản xuất của Công ty thì đạt được mức tăng trưởng cao là do đơn vị rất linh hoạt trong chuyển đổi các loại hình sản phẩm sao cho phù hợp thị trường, từ đó ký kết các hợp đồng lâu dài với những đối tác lớn. Hiện tại, đơn vị chỉ tập trung vào sản xuất các sản phẩm động cơ, máy thuỷ lực, phôi trục khuỷu Honda, hộp số, thép thỏi và phụ tùng động cơ các loại. Do sản xuất, kinh doanh hiệu quả nên thu nhập bình quân đầu người của Công ty đạt mức xấp xỉ 5 triệu đồng/người/tháng.

 

Cũng sản xuất các sản phẩm tương tự, Công ty CP Phụ tùng máy số 1 (Khu công nghiệp Gò Đầm) đã đạt mức tăng trưởng không kém. Năm 2011, Công ty này hoạt động khá ổn định và có bước tăng vọt ở những tháng cuối năm. Tháng 10 vừa qua, giá trị sản xuất của Công ty đạt trên 60,5 tỷ đồng, tăng gần 7 tỷ đồng so với tháng trước. Tháng 11 cũng đạt giá trị tương đương. Ước cả năm đạt khoảng 600 tỷ đồng, tăng 26,5 % so với năm 2010, đạt mức tăng trưởng bình quân khoảng 35%. Theo báo cáo của Công ty thì thời gian qua, do liên tục ký được hợp đồng tiêu thụ với các hãng sản xuất lớn như: Yamaha, Honda, Suzuki nên sản phẩm của Công ty làm ra đến đâu xuất xưởng hết đến đó.

 

Được đánh giá không thua kém hai đơn vị “đàn anh” kể trên, năm 2011, các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong khu vực này đều đạt mức tăng trưởng khá cao. Công ty CP Cơ khí Phổ Yên đạt mức tăng trưởng ngoài dự kiến với giá trị sản xuất trên 367 tỷ đồng, vượt khoảng 53% so với năm trước. Công ty CP Cơ khí Mỏ Việt Bắc (Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc - Vinacomin) đạt doanh thu khoảng 68 tỷ đồng, tăng 36,3% so với năm trước. Công ty CP Cơ khí Gang thép cũng có giá trị sản xuất ước đạt khoảng 93 tỷ đồng, tăng 18,4%. Công ty CP Dụng cụ cơ khí đạt giá trị trên 161 tỷ đồng, vượt gần 43% năm ngoái…

 

Với bước phát triển khá mạnh mẽ của ngành công nghiệp hỗ trợ thời gian qua khiến không ít người lo ngại, liệu đây có phải là dấu hiệu của sự “tăng trưởng nóng”? Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế thì sự tăng trưởng trên hoàn toàn mang tính bền vững bởi không phải chỉ trong năm 2011 mà từ năm 2006 trở lại đây, khu vực này đã liên tục đạt mức tăng trưởng đột biến và luôn đứng trong tốp đầu toàn ngành công nghiệp. Bằng chứng là giá trị sản xuất tại các đơn vị trong khu vực này đều tăng mạnh theo từng năm. Ví dụ như Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Diesel Sông Công năm 2008 đạt giá trị sản xuất trên 298 tỷ đồng, năm 2009 tăng lên 352 tỷ đồng, năm 2010 đạt mức 434 tỷ đồng. Công ty CP Phụ tùng máy số 1 cũng vậy, năm 2008 đạt 365 tỷ đồng, năm 2010 đã tăng lên mức 495 tỷ đồng, dự kiến năm 2012 còn tăng lên gần 700 tỷ đồng… Hơn thế nữa, ngay trong thời điểm khủng hoảng tài chính thế giới 2008-2009, rồi những diễn biến phức tạp của thị trường trong nước và khu vực hai năm gần đây, các đơn vị này vẫn ký được hợp đồng giá trị lớn.

 

Theo dự báo, không chỉ năm 2011 mà nhiều khả năng năm 2012 và một vài năm tiếp theo, hoạt động kinh doanh bất động sản cũng như các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản quy mô lớn… có thể vẫn đóng băng, khiến các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (thép cán, xi măng, gạch, ngói) và ngành luyện kim gặp khó khăn. Trong khi đó, các chương trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới đang được đẩy mạnh, đòi hỏi sự tham gia mạnh mẽ của ngành cơ khí, chế tạo nhằm sản xuất các loại máy móc, phương tiện cơ giới phục vụ nông nghiệp. Ngoài ra, trong xu hướng tăng dần tỷ lệ nội địa hoá như hiện nay thì các sản phẩm máy móc, thiết bị, phương tiện phục vụ sinh hoạt, sản xuất của các hãng cung cấp dịch vụ lớn trên thế giới rất cần đến các đơn vị gia công, chế tạo trong nước. Chính điều đó đã tạo vị trí thuận lợi cho ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh lên ngôi, chiếm giữ chỗ đứng vững chắc trên thương trường.

 

Như vậy, có thể khẳng định sự tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững của khu vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của toàn ngành. Từ đó, góp phần bổ trợ và san lấp những khoảng thiếu hụt về giá trị sản xuất (không đạt kế hoạch) cho các ngành công nghiệp thứ yếu, nhằm hướng tới mục tiêu đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo đúng lộ trình.