Từ năm 2008 đến nay, tổ chức Đoàn đã tín chấp cho 73 dự án vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm với tổng số tiền 2.550 triệu đồng, giúp các đoàn viên thanh niên trong tỉnh xây dựng nhiều mô hình kinh tế…
Tự thân lập nghiệp, tạo thu nhập ổn định, hướng đến làm giàu chính đáng tại địa phương là ước muốn lớn lao của mỗi đoàn viên thanh niên (ĐVTN). Qua việc triển khai thực hiện nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm của Trung ương Đoàn (vốn 120), ước mơ của nhiều ĐVTN đã được “nâng cánh”.
Một trong những mô hình kinh tế đầu tiên mà chúng tôi có dịp tìm hiểu là của anh Nguyễn Văn Huy, ở tổ dân phố Nguyễn 2, trị trấn Hương Sơn (Phú Bình) với dự án kinh doanh sơn, bột bả (công trình xây dựng). Trao đổi với anh, chúng tôi mới thật sự thấy được “đòn bẩy” vốn 120 quan trọng như thế nào để giúp anh thực hiện được ước mơ của mình. Năm 2007, anh tốt nghiệp Trường Cao đẳng Điện lực và làm công trình xây lắp điện cho một doanh nghiệp tư nhân. Thế nhưng, vì công việc vất vả, thu nhập không đảm bảo nên anh đã tìm hướng đi khác cho mình. Sau nhiều trăn trở, anh quyết định làm đại lý cho một công ty sơn. Lúc đó, anh chỉ có 20 triệu đồng trong tay. Do thiếu vốn và mới thành lập nên việc kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Anh không đủ “sức” để thầu những công trình lớn. Đến năm 2009, anh được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn 120. Từ đây, anh đã đầu tư nhập hàng, nhận thầu những công trình lớn. Khách hàng đến với đại lý của anh ngày càng nhiều, công việc thuận lợi. Năm sau, anh hoàn lại vốn và vay thêm 60 triệu đồng cũng từ nguồn vốn này để nâng cấp đại lý, mở rộng kinh doanh. Nhờ đó, anh đã giúp cho 10 thanh niên khác ở địa phương có việc làm ổn định, lúc cao điểm còn lên đến 15 lao động, thu nhập từ 100 - 160 nghìn đồng/người/ngày công.
Ngoài mô hình của anh Huy, còn rất nhiều dự án khác cũng đang phát huy hiệu quả thiết thực. Ví dụ như anh Dương Văn Linh, ở xóm Vạn Già (xã Bảo Lý, huyện Phú Bình). Năm 2009, được vay 45 triệu đồng vốn 120, anh đã đầu tư phụ tùng, máy móc, mở rộng cơ sở sửa chữa xe máy, thu hút thêm 4 lao động có việc làm ổn định. Hay xưởng sửa chữa, bảo dưỡng ô tô, gia công cơ khí của anh Nguyễn Văn Toàn ở xóm U (xã Tân Hòa, Phú Bình) với 60 triệu đồng được vay từ nguồn vốn 120 đã đầu tư thêm máy hàn hơi, tủ đựng hàng và nâng cấp nhà xưởng, tạo việc làm cho 5 thanh niên tại địa phương...
Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Trung Phương, Phó Bí thư Huyện đoàn Phú Bình cho biết: Từ năm 2008 đến nay, huyện Phú Bình có 24 mô hình kinh tế của thanh niên được vay vốn từ dự án 120 với tổng số tiền 743 triệu đồng. Các mô hình trên đều hoạt động có hiệu quả, tạo việc làm cho gần 100 lao động có thu nhập ổn định.
Có thể nói, nguồn vốn 120 đã và đang góp phần quan trọng giúp đỡ nhiều ĐVTN trên địa bàn tỉnh vươn lên trong phát triển kinh tế. Nhiều người không chỉ tạo được chỗ đứng cho bản thân, giải quyết nhu cầu việc làm của các thanh niên khác mà còn đem lại những lợi ích thiết thực cho nhân dân địa phương. Anh Nguyễn Văn Thạo, xóm Thâm Đông, xã Ôn Lương (Phú Lương) là một điển hình. Sau khi học nghề cơ khí, anh làm thuê cho một cơ sở ở thị trấn Đu, thu nhập khá ổn định. Tuy nhiên, anh nhận thấy rất nhiều bà con ở địa phương mỗi lần bị hỏng xe hay máy nông nghiệp đều phải mang ra ngoài thị trấn để sửa chữa. Mong muốn gây dựng một xưởng sửa chữa nông cụ, máy nông nghiệp, xe máy luôn thôi thúc trong anh, nhưng vì thiếu vốn nên anh chưa thể thực hiện được. Đến tháng 5-2011, được vay 100 triệu đồng từ vốn 120, cộng thêm 60 triệu đồng tự xoay sở, anh đã thực hiện được mong muốn của mình. Hiện, cơ sở của anh không chỉ tạo việc làm cho 5 thanh niên trong xã mà có thể đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương trong việc cung cấp, sửa chữa nông cụ, xe máy, máy nông nghiệp. Một điển hình khác là chị Nguyễn Thị Hương, chủ nhân Công ty TNHH Vạn Tài, chuyên sản xuất chế biến chè an toàn tại xã Phúc Thuận (Phổ Yên). Năm 2008, sau khi được vay vốn 120 với số tiền 350 triệu đồng, có thêm vốn, chị đã đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu, tuyển thêm 50 nhân công. Đồng thời, chị ký hợp đồng với nhiều hộ nông dân trong xã để mua nguyên liệu chè sạch… Đến nay, thương hiệu chè Vạn Tài của chị đã được khẳng định trên thị trường trong và ngoài nước.
Anh Hoàng Ngọc Hưng, Trưởng Ban Thanh niên công nhân - nông thôn - đô thị (Tỉnh đoàn) cho biết: Từ năm 2008 đến nay, tổ chức Đoàn đã tín chấp cho 73 dự án vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm với tổng số tiền 2.550 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, các ĐVTN đã đầu tư xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo và tạo việc làm cho gần 500 lao động tại địa phương. Việc tổ chức quản lý và sử dụng nguồn vốn 120 được thực hiện tốt, không có tình trạng nợ quá hạn. Tuy nhiên, nhu cầu được vay vốn phát triển kinh tế của thanh niên là rất lớn, chỉ tiếc nguồn quỹ này lại có hạn. Do đó, trước mắt nguồn Quỹ được ưu tiên cho vay đối với các dự án, mô hình kinh tế có tính khả thi và hiệu quả cao”.