Hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) có vai trò quan trọng trong hỗ trợ hộ nông nghiệp phát triển sản xuất thông qua các dịch vụ giá rẻ. Tuy nhiên, loại hình hợp tác xã (HTX) này ở Phú Bình hiện còn yếu, liên kết chưa chặt chẽ, kém hiệu quả.
Hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) có vai trò quan trọng trong hỗ trợ hộ nông nghiệp phát triển sản xuất thông qua các dịch vụ giá rẻ. Đối với Phú Bình, địa phương có tới 80% lao động nông nghiệp, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm trên 50% cơ cấu kinh tế, việc phát triển các HTX NN lại càng quan trọng hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, loại hình hợp tác xã (HTX) này ở Phú Bình hiện nay còn yếu, liên kết chưa chặt chẽ, kém hiệu quả.
Khi viết bài này, chúng tôi đã tìm hiểu thực tế tại HTX chăn nuôi bò sữa Nhã Lộng dựa trên danh sách theo dõi các HTX NN trên địa bàn của phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Bình. Tuy nhiên, khi tới UBND xã Nhã Lộng, chúng tôi được biết, HTX xã này đã giải thể từ năm 2005 chỉ sau hơn một năm hoạt động. HTX chăn nuôi bò sữa Nhã Lộng thành lập cuối năm 2004 theo đề án phát triển đàn bò sữa của tỉnh với 16 hộ xã viên tham gia. Ông Nguyễn Văn Thịnh, nguyên Phó Chủ nhiệm HTX này cho biết: thời điểm mới thành lập, HTX có 10 triệu vốn quỹ và 26 con bò sữa, trong đó nuôi nhiều nhất là hộ xã viên Phạm Thị Hường, xóm Xúm, xã Nhã Lộng với 5 con. Để mua được số bò sữa có giá từ 20 đến 22 triệu đồng/con và xây dựng hệ thống chuồng trại, ngoài số tiền 7 triệu đồng/con hỗ trợ của dự án, mỗi hộ xã viên phải vay hàng chục triệu đồng tiền vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Nhưng sau một thời gian chăn nuôi, tất cả 26 con bò dần bị suy kiệt thể trạng rồi chết. HTX phải tuyên bố giải thể sau đó để lại khoản lỗ lớn mà đến nay nhiều hộ vẫn chưa trả hết nợ ngân hàng. Nói về nguyên nhân “thất bại” của HTX, ông Nguyễn Văn Thịnh cho rằng: Nguyên nhân chính là do việc điều hành, tư vấn kĩ thuật của Ban Chủ nhiệm, phối hợp chăm sóc của xã viên có nhiều hạn chế, mạnh ai nấy làm nên không thành công là điều đương nhiên, trong khi vốn đầu tư lớn, các hộ không thể tiếp tục tái đàn được.
Trên thực tế, không phải HTX nào khi hoạt động không hiệu quả cũng tuyên bố giải thể như trên. Theo Liên minh HTX tỉnh thì hiện nay trên địa bàn huyện Phú Bình có 14 HTX NN loại này đang “tồn tại”, trong đó có 5 HTX đã ngừng hoạt động từ nhiều năm nay nhưng không có báo cáo, cũng không làm thủ tục tuyên bố giải thể giống như HTX chăn nuôi bò sữa Nhã Lộng. Một ví dụ có thể kể đến là HTX NN Đồng Tâm, xã Đồng Liên, được thành lập năm 2003 trên cơ sở “liên kết” 142 hộ dân xóm Đồng Tâm, xã Đồng Liên. HTX có đầy đủ hệ thống tổ chức gồm: Ban chủ nhiệm, Ban Kiểm soát, kế toán, thủ quỹ và đội sản xuất, nhưng không có con dấu và trụ sở giao dịch. Nói là HTX NN nhưng thực tế từ khi được thành lập, HTX này chủ yếu kinh doanh dịch vụ điện. Đến năm 2008, khi HTX bàn giao lưới điện cho ngành điện quản lý cũng là thời điểm HTX không còn bất cứ hoạt động dịch vụ nào để hỗ trợ xã viên và chỉ còn trên “danh nghĩa”. Ông Dương Văn Minh, Chủ nhiệm HTX NN Đồng Tâm cho biết: Vì hoạt động không hiệu quả, xã viên không thấy được lợi ích từ việc tham gia HTX nên nhiều người đã không còn thiết tha gì với hoạt động của HTX. Ngay cả ông Lý Văn Huy, người giữ chức chủ nhiệm từ khi mới thành lập cũng đã “bỏ” vào miền Nam làm ăn, phát triển kinh tế. Hiện, ông Minh đang là trưởng xóm Đồng Tân nên được giao đảm nhận luôn nhiệm vụ chủ nhiệm HTX.
Có cùng suy nghĩ như ông Minh, ông Nguyễn Đức Hưng, Chủ nhiệm HTX rau, quả an toàn Nhã Lộng cho rằng: Nhu cầu liên kết, hợp tác của xã viên chỉ được hình thành khi họ thấy được lợi ích từ việc tham gia HTX. HTX của chúng tôi được thành lập và phát triển từ năm 2009, tiền thân là tổ hợp tác sản xuất rau an toàn. Hiện nay, HTX có 30 xã viên được chia thành 3 đội sản xuất với vốn điều lệ trên 3 tỷ đồng, trong đó có khoảng 800 triệu đồng vốn lưu động. Ngay từ khi còn là tổ hợp tác, quy trình sản xuất rau an toàn của các hộ xã viên đã đạt tiêu chuẩn VietGap, giúp việc tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn trước. Hàng năm, sau khi trừ các chi phí và trả lương cho người lao động, HTX thu được khoảng từ 15 đến 20 triệu đồng lợi nhuận. Thế nhưng, bên cạnh việc thiếu vốn, thị trường tiêu thụ còn nhỏ hẹp thì nhiều hộ xã viên vẫn giữ tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, khiến cho công tác quản lý, giám sát việc sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn của Ban Chủ nhiệm HTX gặp nhiều khó khăn.
Như vậy, từ việc tìm hiểu một số HTX NN nói trên có thể thấy, việc liên kết thiếu chặt chẽ, rời rạc đang không chỉ diễn ra ở các HTX yếu kém mà còn diễn ra cả với những HTX đang hoạt động hiệu quả. Thực tế trên cũng được ghi nhận tại HTX chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp miền Đức Thịnh, xã Tân Đức; HTX chăn nuôi ngựa bạch xã Dương Thành; HTX NN Xuân Đám, xã Đồng Liên… Các HTX này chỉ cung cấp một số dịch vụ “đầu vào” của quá trình sản xuất nông nghiệp như phân bón, giống, thức ăn chăn nuôi. Do đó, việc liên kết, phối hợp sản xuất của các xã viên chưa thực sự chặt chẽ, họ chỉ sử dụng các dịch vụ của HTX khi có nhu cầu, còn lại là tự sản xuất rồi tự tiêu thụ là chủ yếu, hiệu quả hoạt động vì thế cũng không cao. Trong số 9 HTX NN còn hoạt động chỉ có 2 HTX xếp loại trung bình, còn lại là yếu, kém (theo các tiêu chí đánh giá và phân loại HTX quy định tại Thông tư số 01 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 19-01-2006).
Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy, năng lực nội tại HTX còn yếu, mỗi HTX chỉ có bình quân trên 400 triệu đồng tiền vốn quỹ, trong đó có khoảng gần 200 triệu đồng vốn lưu động. Những nguồn vốn này được dành để đầu tư chủ yếu vào hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng. Vốn giành để tổ chức sản xuất, kinh doanh gặp rất ít, trong khi nguồn vốn từ ngân hàng gần như không thể tiếp cận vì năng lực tài chính, năng lực đội ngũ cán bộ của các HTX này thấp, trụ sở làm việc, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều chưa có…
Thiết nghĩ, đã đến lúc chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa, tăng cường công tác quản lý, tiến hành khảo sát, đánh giá đúng thực trạng hiện nay của các HTX NN trên địa bàn huyện; kiên quyết giải thể những HTX làm ăn kém hiệu quả, chỉ còn trên danh nghĩa để tạo điều kiện cho HTX NN tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, các cấp ngành liên quan cũng cần sớm có giải pháp phát triển các HTX NN mới dựa trên nhu cầu thực tế của người dân, tránh tình trạng vi phạm nguyên tắc “tự nguyện”, “đánh trống ghi tên” như quá trình chuyển đổi một số HTX NN trên địa bàn trước đây, thành lập HTX theo phong trào… Về lâu dài, huyện cần có giải pháp, khắc phục tình trạng sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay, giúp người dân tiến lên sản xuất hàng hóa lớn. Đó là điều kiện tạo ra sự liên kết, hợp tác để phát triển nông nghiệp trong nền kinh tế thị trường.