Làm giàu từ nuôi chồn

08:49, 05/12/2011

Chồn sống thành từng đàn nhỏ, không ăn lương thực. Nuôi chồn có thể tận dụng được các phế phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, thân, lá cây ngô, lá lạc, thân, lá cây chuối

Tôi đã viết nhiều bài báo về những gia đình thoát nghèo vươn lên làm giàu nhờ chăn nuôi lợn, gà, cho đến những loại động vật hoang dã như lợn rừng, hươu, nai, nhím, cày hương… nhưng nói đến con chồn nhung đen thì đây là lần đầu tiên nghe kể.

 

Không mấy khó khăn để tìm ra trang trại chăn nuôi Trần Kiên, nằm sát với Quốc lộ 3 thuộc địa phận xóm Đường Goòng, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương. Tiếp chúng tôi là một thanh niên có dáng người thư sinh, đôi mắt đen với hàng râu quai nón rất ấn tượng, nếu không được giới thiệu, chúng tôi không nghĩ đó là ông chủ của một trang trại chăn nuôi các loại con “đặc sản” với tổng số vốn đầu tư lên tới gần 2 tỉ đồng.

 

Trong giao tiếp, anh Kiên tỏ ra là người chín chắn, điềm đạm hơn so với tuổi 35. Biết chúng tôi đang muốn tận mắt nhìn thấy con chồn nhung đen, anh bảo: Mời các phóng viên ra thăm quan chuồng trại trước rồi chúng ta vào trò chuyện sau. Trước mắt chúng tôi là những dãy chuồng rộng rãi, thoáng đãng được xây dựng khá quy củ, phân khu riêng biệt để tiện cho việc chăm sóc các loại vật nuôi khác nhau như: nhím, chồn nhung đen, chim bồ câu, chim cút, gà, cày hương… Chúng tôi nhanh chóng lướt qua những dãy chuồng nuôi nhím, nuôi chim bồ câu để sà vào những ô bàn cờ được xây bằng gạch, mỗi ô có diện tích khoảng 1m2, trong đó, những chú chồn bé nhỏ có bộ lông đen mượt như nhung đang nhởn nhơ nhai cỏ.

 

Anh Kiên cho biết: Chồn là loại động vật ăn cỏ sống thành từng đàn nhỏ, không ăn lương thực, chúng chỉ ưa thích các loại cỏ dại, lá cây, quả chín rụng… Nuôi chồn có thể tận dụng được các phế phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, thân, lá cây ngô, lá lạc, thân, lá cây chuối… mà không mất chi phí chăn nuôi, chỉ tốn một chút công chăm sóc. Chuồng nuôi chồn có thể xây bằng gạch, nhưng cũng có thể làm bằng gỗ, tre, trúc, chỉ cần thành chuồng cao 30 cm, nên có thể tận dụng những diện tích trong nhà để chăn nuôi như dưới gầm cầu thang, ban công vì chúng sạch, không gây ô nhiễm môi trường. Một m2 ô chuồng có thể nuôi được 10 con trở lên. Mỗi chồn mẹ có thể mang thai từ 4-6 lần/năm; mỗi lần sinh đạt từ 2-8 con/mẹ. Giá một đôi chồn giống từ 500 - 1 triệu đồng, tùy thuộc vào thể trạng của chồn ở thời gian xuất bán (chồn non, chồn sinh sản, chồn trưởng thành). Tính trung bình, nuôi 1 đôi chồn nhung đen có thể thu lợi đạt 5 triệu đồng/năm. Chỉ cần tận dụng thời gian rảnh rỗi, nuôi từ 5-10 đôi đã có thể cho thu nhập thêm từ 20 -50 triệu đồng/năm.

 

Tại sao anh lại chọn con vật này để chăn nuôi? Tôi ngắt lời.

 

Chẳng giấu gì chị, tôi đã từng kinh qua khá nhiều nghề, chăn nuôi nhiều loại con, thất bại cũng nếm đủ cả. Thất bại nặng nề nhất là đợt dịch bệnh cách đây 2 năm đã làm chết cả đàn lợn rừng ngót nghét trăm con, thua lỗ tới hàng trăm triệu đồng. Tôi lại chịu khó mày mò, học hỏi, tìm hiểu qua anh em, bạn bè để lựa chọn xem chăn con gì, nuôi con gì cho hiệu quả hơn. Cách đây 5-6 năm, tôi đã mạnh dạn vay ngân hàng 200 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi nhím. Từ số nhím ban đầu là 10 đôi, nay tôi đã phát triển lên được hơn 100 đôi. Nhờ con nhím tôi đã trả hết nợ và còn có lãi để tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình chăn nuôi. Qua tìm hiểu các thông tin trên mạng, tôi lại quyết định chọn nuôi chồn nhung đen. Tôi đã phải sang tận Quảng Tây (Trung Quốc) tham quan mô hình nuôi chồn nhung đen, kỹ thuật chăm sóc rồi về áp dụng vào việc chăn nuôi của gia đình. Nay trang trại của tôi đã có gần 300 đôi chồn nhung đen, hiện nguồn giống còn không đủ cung cấp ra thị trường. Tôi hy vọng, chồn nhung đen sẽ được người nông dân không chỉ ở quê tôi mà các địa phương khác trong tỉnh lựa chọn là con “xóa đói, giảm nghèo” bởi các đặc tính ưu việt và hiệu quả kinh tế mà nó mang lại.

 

Theo phân tích của các nhà khoa học, Chồn nhung đen là loại động vật ăn cỏ quý hiếm. Thịt của nó thơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao, có thể chế biến thành thuốc tẩm bổ sức khỏe. Thịt chồn thuộc loại thực phẩm giàu Protein, mỡ ít, hàm lượng colestoron thấp, có chứa 17 loại axit amin và các nguyên tố vi lượng mà cơ thể người cần. Sắc tố đen tự nhiên có tác dụng kháng bệnh, kháng khuẩn, điều tiết cho cơ thể. Thịt chồn có rất nhiều công dụng như: tráng dương, làm đẹp da, tăng trí thông minh, lưu thông huyết mạch, rất thích hợp với người mắc bệnh cao huyết áp… Từ thịt chồn có thể chế biến được 18 loại món ăn khác nhau, như: chồn da ròn gạo nếp, chồn nấu ngô, chồn chao, chồn hầm bí đao… đến những món ăn có tên rất lạ như: Ngọc thụ chồn, Tam hoàn chồn, Khiếu hoa chồn…

 

Liệu anh có lo chồn nhung đen lại rơi vào cảnh rớt giá như con nhím?

 

Nở nụ cười tươi rất tự tin, anh Kiên nói: Tôi đang có kế hoạch thành lập một hợp tác xã chuyên thu mua và giết mổ chồn nhung đen để ướp lạnh và sấy khô để xuất khẩu vào đầu sang năm. Mình chủ động được cả đầu vào và đầu ra cho sản phẩm thì còn lo gì nữa. Điều tôi băn khoăn nhất bây giờ là vốn, nếu được ngành chức năng, các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa tôi tin chắc mình sẽ thành công với mô hình chăn nuôi này. Điều đó không có nghĩa chỉ làm giàu cho tôi mà còn tạo công ăn việc làm cho khá nhiều lao động tại địa phương. Hiện nay, trang trại của tôi thường xuyên có 10 lao động, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.

 

Không chỉ là một “ông chủ” làm kinh tế giỏi, anh Kiên còn là một đoàn viên gương mẫu, tham gia rất tích cực các phong trào của tổ chức Đoàn, nhiệt tình giúp đỡ các đoàn viên khác cùng tiến bộ, phát triển kinh tế gia đình…; anh đang nỗ lực phấn đấu, rèn luyện để sớm được đứng trong hàng ngũ của Đảng, vì anh cho rằng mình luôn phải hoàn hiện bản thân ở những môi trường tốt. Những kinh nghiệm thất bại cũng như thành công, anh chỉ mong muốn có cơ hội được truyền đạt cho mọi người, để cùng nhau thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Số điện thoại 0912 602 577 sẽ là chiếc cầu nối cho những ai muốn tìm hiểu về kỹ thuật chăn nuôi các con “đặc sản” và muốn được trở thành “ông chủ” như anh Kiên.