Đó là anh Nguyễn Duy Quyền, ở xóm Nhà Thờ, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên).
Năm 2007, Quyền xây dựng gia đình, lúc này hai vợ chồng mượn thêm 3 sào ruộng của những hộ không làm để cấy và trồng thêm ngô, khoai phục vụ chăn nuôi. Tuy nhiên, khi hoạch toán kinh tế, chăn nuôi lợn trắng không lãi nhiều, thậm chí hòa vốn hoặc lỗ do giá thị trường lên xuống thất thường, giá cám chăn thẳng lại cao nên Quyền đã đến một vài gia đình nhà bạn học ở Hom Rỏ, xã Phúc Tân (Phổ Yên) tìm hiểu đặc tính, giá trị kinh tế của con lợn mán, lợn rừng. Khi đã tìm hiểu kỹ đặc tính, nguồn thức ăn, cách chăn thả 2 loại lợn này qua tài liệu và thực tế tại gia đình bạn, năm 2009 Quyền đã quyết định chặt 2 sào chè để làm 6 ô nuôi loại lợn này.
Ban đầu, Quyền mua 4 con lợn rừng, trong đó có 3 con cái và 1 con đực (9kg/con), tiền giống hết 12,6 triệu đồng. Nuôi được 8 tháng, con lợn đực bị chết do ăn phải củ sắn 2 năm. Năm 2010, Quyền bỏ ra 15 triệu đồng để mua 2 con lợn đực. Sau khi phối giống đến đến tháng 2-2010, 3 con lợn cái đã đẻ được 8 con lợn con. Tháng 5, Quyền bán 6 con lợn giống (tổng trọng lượng 54kg) với giá 350 nghìn đồng/kg, thu được gần 19 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 9 triệu đồng. Trước khi mua lợn rừng, Quyền mua được 1 con lợn mán mẹ và đến nay đã đẻ được 8 con lợn con. Anh bán 4 con giống giá 115 nghìn đồng/kg, được 4,6 triệu đồng và để lại nuôi 4 con đến Tết Nguyên đán sẽ xuất bán cho thu khoảng 17 triệu đồng. Cùng với lợn rừng, lợn mán, hiện tại trong chuồng nhà anh còn có 24 con lợn trắng, trong đó có 16 con lợn thịt để bán vào dịp Tết.
Năm nay, thu nhập từ chăn nuôi của Quyền được khoảng trên 100 triệu đồng. Có thể thấy, đây là thành công bước đầu của một thanh niên dám nghĩ, dám làm.