Còn có sức khỏe, tôi còn lao động phát triển kinh tế gia đình. Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Thế Đạt, 67 tuổi, chủ trang trại nuôi cá giống tại xóm Văn Lang, xã Thanh Định (Định Hoá).
Ông Đạt chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời thăng trầm và cái cơ duyên nuôi cá giống của hai vợ chồng ông. Năm 1963, ông cùng gia đình rời quê hương Thái Bình lên đây làm kinh tế mở. Khi mới lên, với hai bàn tay trắng, ngày ngày công việc của ông chỉ là bám vào mấy sào ruộng hợp tác và phát nương làm rẫy. Thấy cái nghèo, cái đói cứ mãi đeo bám gia đình, ông cùng vợ quyết chí làm giàu trên chính mảnh đất của gia đình. Năm 1982, ông đào ao nuôi cá giống với suy nghĩ người ta có thể nuôi được cá giống để bán cho mình thì tại sao mình lại không nuôi được.
Với quyết tâm cao, ông lặn lội tìm đến các trang trại nuôi cá giống trong huyện để học hỏi kinh nghiệm nuôi cá. Năm 1991, khi có chế độ ruộng đất ông cha, gia đình ông bị thu hồi hết số ruộng được hợp tác xã giao làm. Không còn ruộng cày cấy, ông quay về tôn tạo và phát triển ao nuôi cá giống với bao khó khăn chồng chất. Năm 1995, khi ao cá giống đã bước đầu cho hiệu quả kinh tế, ông bàn với vợ tận dụng diện tích ao để nuôi vịt đẻ và vịt thương phẩm tăng thêm thu nhập cho gia đình. Hiện tại, trang trại của ông là nơi cung cấp lượng lớn cá giống cho các hộ dân nuôi cá thuộc 6 xã phía Nam của huyện Định Hoá.
Thăm quan trang trại của ông Đạt, chúng tôi thực sự rất bất ngờ và khâm phục ý chí dám nghĩ, dám làm của vợ chồng ông. Trong khuôn viên rộng gần 3.000 m2, chỉ với sức lực của đôi vợ chồng già mà ông bà gây dựng được một ao nuôi cá giống, một ao nuôi ba ba, một khu nuôi 100 con gà Mía, 200 con chim cút và 200 con vịt vịt đẻ và thịt thương phẩm. Bà Vũ Thị Mùi, vợ ông Đạt cho biết: Ngoài nuôi cá giống, gà, vịt và chim cút, tôi còn trồng thêm 3 sào gừng, 3 sào chè, công việc nhiều nên khá vất vả. Con cái trưởng thành, ổn định hết rồi, mình cũng không muốn phiền đến chúng. Hai vợ chồng cứ túc tắc làm, kiếm thêm được đồng nào thì phụ giúp thêm cho con, cho cháu.
Được biết, ông bà dành 6 sào ao để nuôi cá giống. Tuỳ từng thời điểm và số lượng cá mà khách hàng đặt mua, ông bà thả nuôi các cốc cá bột. Nếu nuôi bán nhanh thì nuôi tầm 20 cốc, còn nếu nuôi bán chậm ông bà chỉ nuôi khoảng từ 5 đến 10 cốc cá bột. Một cốc cá bột có giá 100 nghìn đồng, nếu chăm sóc tốt sau 20 ngày sẽ cho khoảng 3 vạn cá hương (cá con) với giá bán lên tới 600 nghìn đồng. Ông Đạt cho biết: Việc nuôi cá giống quan trọng nhất là khâu vệ sinh ao và bảo quản cá hương trước khi xuất bán. Do đó, ngoài việc tham gia các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật do xã tổ chức, tôi tự mầy mò tìm kiếm thêm thông tin về nuôi cá giống và lặn lội đến nhiều trang trại cá giống trong huyện để học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi cá. Nhờ sự cố gắng, chịu khó làm lụng, hiện tại mỗi năm, vợ chồng ông Đạt thu về số tiền lãi hơn 50 triệu đồng từ việc nuôi cá giống, nuôi vịt, gà và chim cút. Nhờ có ao cá giống mà gia đình ông đã mua thêm được ruộng, được đất.
Ông Trần Văn Núi, Bí thư Chi bộ xóm Văn Lang, cho biết: Ông Nguyễn Thế Đạt không chỉ giỏi việc làm kinh tế mà còn rất hăng hái, nhiệt tình trong công tác của Hội Người cao tuổi xã Thanh Định, Chi Hội Người cao tuổi xóm Văn Lang. Từ năm 2008 đến nay, ông luôn đạt danh hiệu Người cao tuổi làm kinh tế giỏi cấp xã. Trong các buổi họp xóm, chúng tôi luôn biểu dương và khuyến khích bà con trong xóm học tập tấm gương của ông để phát triển kinh tế gia đình.
Hiện tại, với cương vị là Chủ tịch Hội Người cao tuổi, ông Đạt luôn mong muốn các cấp chính quyền quan tâm hơn nữa đến đời sống của người cao tuổi và tạo điều kiện thuận lợi cho những người có chí hướng làm kinh tế trên chính quê hương.