Tính tới cuối năm 2010, huyện Định Hóa có 62 mô hình kinh tế gia đình được công nhận là trang trại, trong đó có 27 trạng trại rừng và vườn rừng kết hợp.
Tuy nhiên, xét theo Thông tư số 27/2011/TT-BNN-PTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận trang trại thì huyện chỉ còn một mô hình đủ tiêu chuẩn là trang trại rừng. Điều này cho thấy, quy mô các trang trại rừng của huyện còn nhỏ và hiệu quả chưa cao. Việc chuyển từ trang trại thành gia trại (mô hình kinh tế hộ gia đình) theo tiêu chí mới cũng gây khó khăn không nhỏ cho các hộ dân về vấn đề vốn vay phát triển sản xuất.
Theo đánh giá, Định Hóa là huyện có tiềm năng lớn về đồi rừng, kinh tế lâm nghiệp cũng được huyện xác định là lĩnh vực mũi nhọn tập trung đầu tư, khuyến khích phát triển. Toàn huyện có 33.595ha đất lâm nghiệp, trong đó đất rừng sản xuất là 14.452ha (chiếm khoảng 30% đất tự nhiên). Tổng số có trên 50% hộ dân tham gia nhận đất lâm nghiệp để khoanh nuôi, bảo vệ, trồng và chăm sóc rừng. Trong đó có 27 mô hình kinh tế đồi rừng được công nhận đạt tiêu chuẩn là trang trại theo tiêu chí của Thông tư số 69/2000/TTLT-BNN-TCTK của Bộ Nông nghiệp và PTNT (có diện tích trên 10ha). Kinh tế đồi rừng của huyện đã tạo rahàng nghìn mét khối gỗ và nguyên liệu mỗi năm với giá trịhàng trăm tỷ đồng, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân và thúc đẩy hoạt động chế biến gỗ ở địa phương.
Tuy nhiên, phần lớn các hộ dân ở Định Hóa hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp đều theo hình thức nhận khoanh nuôi và bảo vệ rừng với Nhà nước, không có giá trị kinh tế, còn lại là trồng rừng sản xuất và rừng nguyên liệu. Các trang trại đã được công nhận đều nằm ở khu vực vùng sâu vùng xa, nơi cóhạ tầng giao thông còn yếu nên chi phí cho việc trồng, chăm sóc và khai thác vận chuyển gỗ lớn. Do đó, khi kết thúc mỗi chu kỳ khai thác (từ 5-7 năm) thì lợi nhuận còn lại không được là bao. Thực tế, nhiều mô hình kinh tế đồi rừng đạt quy mô về diện tích theo tiêu chí mới (trên 31ha) nhưng lại không đạt về giá trị sản lượnghàng hóa (bình quân là 500 triệu đồng/ năm).
Phát triển đồi rừng ở loại hình trang trại này giống như một hình thức “gom tiền bỏ ống”, tiết kiệm lâu dài. Trường hợp của gia đình ông Hứa Đình Đại, xóm Nà Hang, xã Lam Vỹ là một ví dụ. Nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng từ năm 1997, đến nay, ông Đại đã có trên 70ha rừng các loại, trong đó trên 40ha là rừng sản xuất. Xét về diện tích, vườn rừng của gia đình ông đủ tiêu chuẩn là trang trại nhưng giá trị thu nhập từ rừng mỗi năm của ông lại chỉ đạt khoảng 200 triệu đồng/năm.
Tương tự là các trang trại khác như: ông Vũ Ngọc Dậu, xóm Khuổi Lừa, xã Tân Thịnh (80ha rừng); ông Nguyễn Văn Phi, xóm 6, xã Phú Tiến (trên 32ha)... Trong khi đó, một số mô hình kinh tế đồi rừng đạt hiệu quả kinh tế cao do thuận tiện hơn về giao thông nhưng lại không đạt về diện tích. Gia đình chị Nguyễn Thị Hà, xóm 7, xã Phú Tiến chia sẻ: Gia đình tôi tham gia trồng rừng từ năm 1992, đến nay đã có trên 15ha, tổng thu nhập ước tính khoảng 1 tỷ đồng”. Theo tiêu chí cũ, gia đình chị Hà đã được công nhận là đạt quy mô trang trại nhưng với tiêu chí mới, diện tích rừng này còn thấp hơn quy định gần 16ha.
Việc các mô hình kinh tế đồi rừng phải chuyển từ trang trại thành gia trại theo tiêu chí mới đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, trong đó lớn nhất là nguồn vốn vay của người dân. Ông Nguyễn Văn Vũ, xóm Đăng Mò, xã Quy Kỳ, chủ mô hình kinh tế đồi rừng (rộng trên 32ha) duy nhất ở Định Hóa đạt tiêu chuẩn là trang trại cho biết: Ưu tiên lớn nhất khi được công nhận là trang trại là vay vốn ngân hàng. Bên cạnh vốn vay ưu đãi sản xuất, kinh doanh của Ngân hàng Chính sách - Xã hội, các trang trại có thể vay tối đã là 500 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, trong khi gia trại chỉ được vay tối đa là 60 triệu đồng. Theo ý kiến của nhiều hộ gia đình, số tiền như vậy chẳng đáng là bao so với nhu cầu thực tế.
Ông Đàm Tiến Niên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa cho biết: Tiếp tục đầu tư để nâng cao hiệu quả kinh tế các mô hình trang trại, gia trại trong đó lĩnh vực lâm nghiệp đã được huyện Định Hóa xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong nông nghiệp. Định hướng này được cụ thể hóa trong nội dung của Đề án Phát triển trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản của huyện giai đoạn 2011-2015. Theo nội dung Đề án, UBND huyện Định Hóa là đơn vị đầu tiên của tỉnh trích ngân sách để hỗ trợ 70% lãi suất cho các gia trại khi vay vốn ở Ngânhàng Nông nghiệp và PTNT. Đồng thời, huyện tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về vốn vay, thủ tục hành chính cho các cơ sở chế biến gỗ và nâng cấp hạ tầng giao thông nông thôn… để tăng hiệu quả kinh tế các trang trại đồi rừng.
Tính đến nay, đã có 50 mô hình gia trại của huyện được hỗ trợ vốn vay với số tiền gần 1,2 tỷ đồng. Cũng theo ông Niên: Bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, các mô hình kinh tế gia đình, trong đó có đồi rừng cần mạnh dạn đổi mới mô hình theo hướng tổng hợp, kết hợp trồng rừng với chế biến, chăn nuôi; mạnh dạn đưa loại cây trồng mới vào xen canh với rừng sản xuất. Cùng với đó, bà còn cũng cần chủ động áp dụng khoa học - kỹ thuật, huy động vốn để tích tụ đất rừng, liên doanh liên kết các trang trại, các hộ dân để hợp sức cùng phát triển...