Ở những đơn vị sản xuất sạch

08:43, 28/12/2011

Nói đến những đơn vị luyện kim hay sản xuất xi măng, bột giấy…là người ta nghĩ ngay tới vấn đề xử lý ô nhiễm nguồn nước, khí thải và thực tế đã chứng minh điều đó. Tuy nhiên, sau khi tham gia Hợp phần sản xuất sạch hơn của Bộ Công Thương, 6 đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực có nguy cơ ô nhiễm cao này của tỉnh đã trở thành những đơn vị điển hình sản xuất sạch trong công nghiệp.

Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Kim loại màu Thái Nguyên là một trong những đơn vị tham gia Hợp phần sản xuất sạch hơn từ những năm đầu triển khai (2006). Là đơn vị chủ yếu sản xuất thiếc thỏi, kẽm thỏi và bột ôxit kẽm 90% nên vấn đề ô nhiễm môi trường luôn được Công ty coi trọng. Tuy nhiên, do công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường còn hạn chế nên đơn vị này gặp phải những rắc rối không đáng có, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sản xuất, kinh doanh. Để góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm, tiến tới sản xuất sạch trong công nghiệp, Công ty đã thực hiện cải tiến, nâng cấp một số hạng mục với tổng giá trị trên 10 tỷ đồng. Trước tiên là vấn đề tiêu thụ điện năng, nội dung được ngành luyện kim quan tâm nhất. Trước đây, sản xuất một tấn sản phẩm, lượng điện năng tiêu thụ của Công ty là 455kWh. Để tiết giảm, đơn vị đã đầu tư 256 triệu đồng lắp đặt hệ thống biến tần cho các động cơ có tải thay đổi nhằm giải quyết tình trạng lãng phí điện do động cơ có tải lớn hơn nhu cầu. Từ đó, mỗi tấn sản phẩm chỉ tiêu hao khoảng 400 kWh điện, đồng thời giảm phát thải một lượng lớn khí CO2 ra môi trường. Với vấn đề tổn thất quặng và than tại bãi chứa, Công ty dành 420 triệu đồng đầu tư xây dựng hệ thống kho có mái che để tránh tình trạng nguyên liệu bị ẩm và ôxi hoá, góp phần tiết kiệm khoảng 60 triệu đồng/năm. Đặc thù của sản xuất kẽm là sản sinh khí bụi độc hại, trong đó có khoảng 8% kim loại chì. Do còn vận hành hệ thống lọc bụi thủ công nên môi trường sản xuất không đảm bảo. Công ty đã đầu tư 360 triệu đồng thay đổi công nghệ áp suất dương trong túi vải kết hợp với rung rũ bột kẽm bằng khí nén và thu hồi bằng cơ khí hoá. Kết quả, mỗi năm Công ty tiết kiệm được gần 60 triệu đồng nhờ tận thu được khoảng 7 tấn bột kẽm/năm. Điều quan trọng là nhờ đó điều kiện làm việc của người lao động được cải thiện, công nhân không phải tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm có chì. Một vấn đề quan trọng nữa là mức tiêu thụ than trong sản xuất khá cao, công nghệ hoả luyện của hệ thống lò quay hoạt động chưa hiệu quả. Công ty đã mạnh dạn đầu tư gần 9 tỷ đồng cải tạo lò quay số 1 và lò luyện ôxit kẽm số 2 bằng việc kéo dài thêm phần thân lò để tăng diện tích trao đổi nhiệt, giảm tổn thất nhiệt năng, tăng hiệu quả phản ứng trong lò. Qua đó, mỗi năm Công ty tiết kiệm được gần 3 tỷ đồng, giảm phát thải trên 3.400 tấn CO2 và 31 tấn bụi mỗi năm. Được biết, riêng cải tạo lò quay số 2 sản xuất bột kẽm, Công ty đã được Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp hỗ trợ khoảng 30% kinh phí.

 

Cùng với Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Kim loại màu Thái Nguyên còn có 5 đơn vị điển hình khác tham gia Hợp phần sản xuất sạch hơn và bước đầu mang lại hiệu quả gồm: Nhà máy xi măng Lưu Xá, Công ty CP Giấy xuất khẩu Thái Nguyên, Công ty CP Cơ điện luyện kim - Chi nhánh Xí nghiệp tấm lợp, Công ty CP Công nghệ cao Sao Xanh và Công ty CP PLATO. Đối với Công ty CP Giấy xuất khẩu, sau khi thực hiện Dự án xây dựng hệ thống thu hồi bột giấy, tuần hoàn nước sau xeo và hệ thống hút bụi khử mùi ở các phân xưởng với vốn đầu tư trên 1,6 tỷ đồng, hàng năm Công ty đã giảm được gần 38 nghìn mét khối nước thải, 152 tấn bột giấy, ngoài ra còn thu hồi thêm một lượng lớn bột giấy mịn và tái sử dụng nước dịch trắng sau xeo. Với Nhà máy Xi măng Lưu Xá, khi thực hiện các dự án cải tạo theo Hợp phần sản xuất sạch hơn đã góp phần cải thiện môi trường, giảm lượng tiêu thụ than khoảng 400 tấn/năm, giảm 1.500 kWh điện/năm, 55.000m3 nước/năm; thu hồi và tái sử dụng một lượng lớn bùn thải, khí thải… Công ty CP Cơ điện luyện kim sau khi đầu tư cũng đã góp phần giảm tiêu thụ nguồn nước sản xuất từ 12.000m3/tháng xuống còn 7.500m3/tháng; hạn chế tối đa lượng khí bụi, nguyên liệu rơi vãi và chất thải nguy hại ra môi trường…

 

Thái Nguyên là một trong 5 tỉnh trên toàn quốc được lựa chọn để tham gia Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp thuộc Chương trình hợp tác phát triển môi trường Việt Nam - Đan Mạch. Ông Đinh Khắc Hiển, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Từ năm 2006 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp tham gia Hợp phần và thu được những kết quả khả quan. Từ đó tạo ý thức hơn cho cả cộng đồng các doanh nghiệp trên địa bàn trong sử dụng tiết kiệm nguyên, vật liệu, năng lượng khi sản xuất. Đặc biệt, đã có một số doanh nghiệp tự bỏ kinh phí để đầu tư thực hiện các giải pháp thay đổi công nghệ, cải tiến sản phẩm theo mục tiêu sản xuất sạch hơn.

 

Như vậy, có thể nói, sản xuất sạch hơn chính là cái đích hướng tới trong sản xuất công nghiệp của chúng ta hiện nay. Sự tham gia mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp trong tỉnh là tín hiệu vui đối với việc xử lý ô nhiễm môi trường công nghiệp - bài toán khó không chỉ với doanh nghiệp mà với cả các nhà quản lý hiện nay.