Chúng ta cần nhanh chóng sắp xếp NHTM dựa trên cơ sở tự nguyện theo hướng sáp nhập, hợp nhất, mua lại, thậm chí đóng cửa.
Đây là vấn đề được các chuyên gia tài chính đặt ra tại Hội thảo Tái cấu trúc hệ thống NHTM, công ty bảo hiểm và công ty chứng khoán vừa được Học viện Tài chính tổ chức.
Có thể loại bỏ NH yếu kém?
Phân tích những nguyên nhân yếu kém của hệ thống NHTM hiện nay, ông Phạm Xuân Hoan – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho rằng, chúng ta chưa có tầm nhìn chiến lược; có thể có tầm nhìn nhưng vì lợi ích cá nhân mà nhắm mắt làm; chịu sức ép từ bên ngoài. Thực tế này, cộng với cách giải quyết không thỏa đáng, chạy theo giải quyết hậu quả… nên hệ thống NHTM càng lún sâu vào yếu kém.
Tuy nhiên, nhìn nhận theo một khía cạnh khác, PGS. TS Nguyễn Văn Hiệu – Trường đào tạo nguồn nhân lực Vietinbank, cho rằng: Bối cảnh hiện thời của NHTM Việt Nam chưa trầm trọng đến mức có thể coi là khủng hoảng bởi thực chất những dấu hiệu dẫn tới khủng hoảng đã bắt đầu được ngăn chặn cách đây vài năm. Đó là việc không cho phép thành lập thêm một NHTM cổ phần và hàng loạt các quy định khống chế tỷ lệ cho vay cầm cố chứng khoán, tỷ lệ cho vay bất động sản, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng nóng… Tuy nhiên, một số biện pháp đã không được thực thi triệt để và có những thời điểm còn tỏ ra khá nửa vời nên kết quả chỉ có thể hạn chế tác động tiêu cực mà thôi.
Gần đây, bàn về vấn đề tái cấu trúc hệ thông ngân hàng, có nhiều ý kiến cho rằng: Ở Việt Nam vẫn rất cần ngân hàng nhỏ. “Chúng tôi cũng đồng tình với ý kiến này, khi và chỉ khi ngân hàng nhỏ hoạt động ở phạm vi và lĩnh vực phù hợp với qui mô vốn của nó. Nhưng trên thực tế, các NHTM có qui mô vốn nhỏ, kinh nghiệm, quản tri nội bộ, nhân sự và hạ tầng công nghệ thông tin còn rất hạn chế…nhưng lại không bị giới hạn bởi phạm vi và lĩnh vực kinh doanh” – PGS. TS Nguyễn Thị Mùi – Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Vietinbank bày tỏ quan điểm.
Cũng theo bà Mùi, chúng ta cần nhanh chóng sắp xếp dựa trên cơ sở tự nguyện theo hướng sáp nhập, hợp nhất, mua lại, thậm chí đóng cửa (loại bỏ), nhưng có định hướng rõ ràng từ cơ quan quản lý nhà nước. Trường hợp phải đóng cửa, cần tính toán kỹ khả năng tài chính cho việc xử lý này.
Nguồn để xử lý có thể từ nguồn cung ứng của NHNN, từ nguồn Bảo hiểm tiền gửi; có thể bán các khoản nợ sang các NHTM khác mạnh hơn. Trong mọi trường hợp cần phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân gửi tiền vào ngân hàng này.
Hiện nay, theo phản ánh của TS Nguyễn Thị Mùi, trên thị trường đã xuất hiện một vài NHTM lớn hỗ trợ vốn với hạn mức nhất định cho một số NHTM nhỏ. Cơ quan quản lý nhà nước cần lưu ý động thái này, để tránh một số NHTM có qui mô lớn hơn tham gia qúa nhiều vào việc hỗ trợ vốn, điều này không dễ giải quyết được tận gốc vấn đề yếu kém của ngân hàng nhỏ, nhưng lại dễ làm suy yếu sức mạnh tài chính của chính tổ chức này và sẽ gây bất ổn cho cả hệ thống ở giai đoạn sau.
Ngân hàng phải gánh chịu thiệt hại
Theo quan điểm của các chuyên gia, không nên nghiêm trọng thái quá công việc tái cấu trúc ở nước ta hiện nay mà phải đặt ra một lộ trình hợp lý với thời gian thích hợp kèm theo việc thông tin đầy đủ cho người dân và doanh nghiệp để mọi người cùng hiểu rằng đây là việc làm bình thường cần thiết của nhà nước và mọi quyền lợi của người gửi tiền phải được đảm bảo vô điều kiện. Thiệt hại trước hết phải được chính các cổ đông của ngân hàng tái cấu trúc gánh chịu. Nếu vẫn chưa đủ thì nhà nước phải là người đứng ra bù đắp.
Theo TS Nguyễn Thị Mùi, việc làm đầu tiên là cần rà soát lại các văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động ngân hàng. Đây được coi là là vấn đề theo chốt trong tiến trình tái cấu trúc. Cần xây dựng các tiêu chí về một ngân hàng hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững hướng tới thông lệ tốt nhất như: vốn điều lệ thực tối thiểu; điều kiện cần và đủ để thành lập ngân hàng; phạm vi và lĩnh vực kinh doanh ứng với qui mô; hạ tầng công nghệ tối thiểu phải có; Việc phân loại nợ theo thời gian và chất lượng nợ; tiêu chí về năng lực hoạt động; năng lực cạnh tranh; vấn đề minh bạch thông tin và kỷ luật thị trường …phải được nhanh chóng sửa đổi, bổ sung hoàn thiện.
Nếu cho rằng việc đánh giá lại nợ xấu để trên cơ sở đó có những quyết định xóa nợ (làm sạch bảng cân đối) là giải pháp làm cho chất lượng tài sản của ngân hàng mạnh hơn, thì vô hình chung cũng sẽ là động lực kích thích nợ xấu cho chu kỳ hoạt động tiếp theo. “Suy nghĩ của chúng tôi xuất phát từ chỗ việc xóa nợ xấu của các ngân hàng lợi ích sẽ thuộc về ai? Câu trả lời hiển nhiên không thuộc về người dân và những người làm ăn lương thiện” - TS Phí Trọng Tạo - Giám đốc Trung tâm đào tạo Bảo Việt đưa ra quan điểm.
“Không phân biệt qui mô của ngân hàng, quan trọng nhất là ngân hàng đang tồn tại phải hoạt động an toàn, lành mạnh và có hiệu quả” - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.
Còn theo TS. Hà Thị Sáu - Khoa Ngân hàng (Học viện Ngân hàng) trong nhiều năm gần đây, NHNN đã không đưa ra được giải pháp cơ bản nào để xử lý tình trạng hoạt động tín dụng và các hoạt động đầu tư mạo hiểm trong khi vẫn tiếp tục ép các NH tăng vốn với tốc độ cao theo quy định của Chính phủ. Dường như về quản lý nhà nước đã chú trọng quá mức quy mô vốn điều lệ mà chưa xem trọng đúng mức các chỉ tiêu an toàn khác, vốn dĩ có tầm quan trọng hơn nhiều so với vốn điều lệ hoặc vốn chủ sở hữu.
Theo quan điểm của PGS.TS Đinh Xuân Hạng (Khoa Ngân hàng và Bảo hiểm – Học viện Tài chính): Tái cơ cấu tài chính là một khâu quan trọng nhất, bởi nó có nhiệm vụ xử lý vấn đề nợ xấu của các NHTM, hay nói cách khác là làm trong sạch bảng cân đối kế toán của các NHTM. Không phân biệt là ngân hàng lớn hay ngân hàng nhỏ mà quan trọng là ngân hàng có nợ xấu nhiều hay ít để tiến hành tái cơ cấu. Hiện nay, chúng ta đang trong tình trạng số lượng ngân hàng nhiều nhưng tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng lại rất thấp. Khi thực hiện tái cơ cấu các NHTM nhỏ và yếu trong thanh khoản có thể sẽ phải thực hiện sáp nhập lại hoặc chuyển về khu vực nông thôn, chứ không phải chỉ tụ tập ở khu vực thành phố như hiện nay. Nếu vẫn giữ cơ cấu đó, các NHTM tập trung nhiều ở khu vực thành phố thì sự cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến sự bất ổn trên thị trường tiền tệ sẽ không giải quyết được.
Theo đó, mô hình hoạt động của các NHTM cần phân thành 3 cấp như sau: Cấp các NHTM phải đối mặt với các NHTM quốc tế và các NHTM hoạt động có tính chất toàn quốc; Các NHTM phục vụ cho khu vực địa lý và kinh tế; Các NHTM phục vụ cho khu vực nông thôn, miền núi.
Quan điểm chung của các chuyên gia tài chính là việc tái cấu trúc ngân hàng phải đảm bảo không để vỡ hệ thống. Chúng ta cũng cần cân nhắc đến việc phá sản ngân hàng vì sẽ dễ gây hiệu ứng dây chuyền. Và vấn đề then chốt vẫn là con người. Nợ xấu gia tăng như thời gian vừa qua có một nguyên nhân quan trọng từ quản trị yếu kém./.