Là một trong những địa phương còn khó khăn của huyện Phổ Yên nhưng trong những năm qua, xã Thành Công đã nỗ lực đưa ra những giải pháp để phát huy lợi thế trong phát triển kinh tế…
Chúng tôi đến Thành Công, đúng dịp bà con nơi đây đang háo hức chuẩn bị để đón bằng công nhận 5 làng nghề trồng và chế biến chè của xã. Niềm vui hiện rõ trên gương mặt của những người nông dân chất phác. Nhanh tay hái những búp chè tươi vẫn còn đọng hơi sương, anh Lục Văn Ba, xóm Bìa vui vẻ cho biết: Những lứa chè đầu xuân như thế này chúng tôi thường bán rất đắt vì chè có hương vị thơm bùi, đậm đà và ngọt hậu hơn các lứa thu hái sau. Nhà tôi có cả thảy 1 mẫu chè cành giống mới. Hiện, 5 sào mới trồng chưa được thu, chỉ có 5 sào là đang được thu hoạch, mỗi lứa gia đình tôi cũng thu được 90 kg chè khô/lứa với giá bán trung bình 200 nghìn đồng/kg.
Cây chè đã bám rễ ở đây được khoảng 50 năm nhưng vài năm trở lại đây bà con chúng tôi mới biết áp dụng đưa những giống mới vào trồng và thay thế diện tích chè đã già cỗi, năng suất kém. Giờ đây, được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhà nào cũng bảo nhau hạn chế sử dụng thuốc hóa học và bón phân hữu cơ, thay thế các dụng cụ sao sấy bằng inox để làm ra sản phẩm chè an toàn đến với người tiêu dùng và cũng là bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân. Anh Đặng Văn Tỵ, Trưởng xóm Bìa khoe với chúng tôi: Tháng 11 vừa qua, tham gia Lễ hội văn hóa Trà, xóm tôi vinh dự được Ban Tổ chức trao cúp Đôi bàn tay vàng. Xóm hiện có 167 hộ thì có tới 110 hộ làm chè với diện tích trên 30ha, hàng năm cung cấp cho thị trường khoảng trên 220 tấn chè búp khô.
Rời xóm Bìa, đến các xóm Hạ Đạt, Tân Lập, Tân Thành, Ao Sen… đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp những đồi chè xanh mướt. Các bà, các chị với đôi tay thoăn thoắt vừa thu hái chè vừa chuyện trò, cười đùa vui vẻ. Cuối tháng 12 này, 5 xóm nói trên sẽ được đón Bằng công nhận Làng nghề trồng và chế biến chè truyền thống. Đây sẽ là cơ hội để bà con quảng bá sản phẩm, hướng tới xây dựng thương hiệu trên thị trường. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Dương Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước đây, Thành Công gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế do các điều kiện về giao thông, thủy lợi kém phát triển, hơn nữa do trình độ dân trí thấp và không đồng đều, người dân vẫn giữ tập quán sản xuất cũ, chưa chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Vì vậy, từ năm 2010, để từng bước cải thiện cuộc sống của người dân, xã đã triển khai họp bàn và xác định chè là cây trồng mũi nhọn, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập. Mỗi năm xã đã phối hợp tổ chức được trên 30 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 1.500 lượt người tham gia.
Để giúp các hộ nghèo có nguồn vốn đầu tư vào sản xuất, xã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện cho bà con vay vốn. Hiện, toàn xã đã có trên 2.000 hộ nghèo được vay với số tiền hơn 17 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, xã còn phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện làm tốt công tác cung ứng giống cây trồng đảm bảo chất lượng đến tận tay người dân. Nhờ đó, bà con đã mạnh dạn thâm canh cây chè, đưa những giống chè mới như: LDP1, Phúc Vân Tiên, Tri 777 vào thay thế giống chè trung du. Hiện nay, 29/29 xóm đều có chè với tổng diện tích khoảng trên 350ha; trong đó 1/3 diện tích là chè cành giống mới. Năng suất chè của xã nhờ đó đã tăng từ 70 tạ/ha (năm 2001) lên 97tạ/ha hiện nay. Cây chè đã góp phần cải thiện cuộc sống nâng cao thu nhập cho người dân.
Cùng phát triển cây chè, xã còn vận động bà con thay thế giống lúa địa phương bằng lúa lai có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Năm 2011, các giống mới như: GS9, Việt Lai 20, Nhị ưu 838… chiếm 10% diện tích, góp phần đưa năng suất lúa của toàn xã đạt 58 tạ/ha, cao nhất từ trước tới nay. Nhiều hộ dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, vươn lên làm giàu. Có thể kể tên một số mô hình tiêu biểu cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm như mô hình chăn nuôi lợn của gia đình ông Dương Văn Lai, Nguyễn Văn Đóa ở xóm Vạn Phú; mô hình phát triển kinh tế đồi rừng của gia đình ông Nguyễn Văn Nguyên, ở xóm Tân Thành…
Kinh tế từng bước phái triển, đời sống của người dân Thành Công được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 1.066/3.615 hộ, chiếm 29,49% (theo tiêu chí mới), giảm 20% so với năm 2004. Từ nguồn vốn của Nhà nước và đối ứng của nhân dân, xã đã bê tông hóa được gần 20km đường giao thông nông thôn. Trụ sở UBND xã đã được đầu tư xây dựng khang trang. Trạm Y tế đang trong giai đoạn hoàn thiện để phấn đấu đạt chuẩn Quốc gia vào năm 2012, 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường…