Thành công từ khát vọng làm giàu

09:17, 17/12/2011

Từ số tiền dành dụm hàng chục năm cộng với vay thêm ngân hàng, năm 2003 vợ chồng ông Nguyễn Công Thỷ mạnh dạn thành lập Doanh nghiệp tư nhân Cơ khí đúc Công Sơn (Phường Quang Vinh, TP Thái Nguyên).

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, chuyên ngành luyện kim cùng với kinh nghiệm hơn mấy chục năm công tác tại Nhà máy Z 127, các sản phẩm như trục cán, bạc đồng thủy điện, các sản phẩm từ hợp kim thép - crôm - niken chủ yếu phục vụ ngành công nghiệp xi măng và thủy điện do Doanh nghiệp Công Sơn sản xuất được thị trường chấp nhận bởi đảm bảo chất lượng, uy tín.

 

Để đáp ứng các đơn hàng, ông Thỷ luôn coi trọng việc đầu tư, cải tiến trang thiết bị. Ông đã đầu tư lắp đặt 3 lò luyện thép trung tần, 3 trạm biến thế trị giá gần 10 tỷ đồng; đầu tư hoàn chỉnh hệ thống lò sấy sản phẩm, hệ thống cầu trục…

 

Công nhân đa số tốt nghiệp các trường trung cấp nghề, lại được ông trực tiếp “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn cho đến khi thành thạo. Chất lượng sản phẩm được khẳng định và năng lực sản xuất ngày càng được cải thiện là những yếu tố quan trọng giúp cho sản phẩm của Doanh nghiệp Công Sơn có mặt tại nhiều công trình và nhà máy lớn như: Thủy điện Đồng Nai 4, Xi măng Bỉm Sơn (Thanh Hóa), xi măng Hoàng Mai (Nghệ An), Nhiệt điện Cao Ngạn, xi măng La Hiên, Lưu Xá… Các sản phẩm này cũng đang được gián tiếp xuất khẩu sang một số thị trường như Thụy Điển, Hàn Quốc. Vì thế doanh nghiệp của ông vẫn đứng vững và phát triển qua các thời kỳ khó khăn của nền kinh tế, doanh thu hằng năm xấp xỉ 20 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động với mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng.

 

Trao đổi với chúng tôi về bí quyết thành công, ông Nguyễn Công Thỷ khiêm tốn: “Tôi chỉ có khát vọng và lòng đam mê, khát vọng làm giàu cháy bỏng được hun đúc trong tôi ngay từ thời niên thiếu”. Sinh năm 1950 tại Nam Đàn (Nghệ An), là con thứ hai trong một gia đình nghèo gồm 7 anh chị em, bố lại ốm yếu thường xuyên nên mới hơn 10 tuổi cậu bé Thỷ đã là lao động chính trong nhà. Không ít lần, cậu học trò nghèo có học lực giỏi, yêu môn văn và giỏi văn nhất lớp này có nguy cơ phải bỏ học để đi làm. Tinh thần hiếu học cùng sự động viên của thầy giáo và bạn bè đã tiếp thêm nghị lực cho cậu tiếp tục đến trường. Năm 1973, tốt nghiệp Đại học Bách khoa với tấm bằng loại khá, kỹ sư Nguyễn Công Thỷ được điều động về công tác tại Nhà máy Z 127 đến khi nghỉ hưu, năm 2007.

 

Hiện tại với cương vị người chủ doanh nghiệp và là thợ cả, dù tuổi đã cao, sức khỏe hiện không được tốt, ông Thỷ vẫn hăng say lao động và là tấm gương sáng cho tập thể công nhân ở đây. Anh Nguyễn Duy Trung, một công nhân đã gắn bó với Doanh nghiệp Công Sơn hơn 6 năm nay cho biết: Ông Thỷ tận tình chỉ dạy kỹ thuật chuyên môn cho những công nhân mới vào làm. Công nhân được đóng bảo hiểm xã hội, khuyến khích mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, 4 công nhân xa nhà còn được ông hỗ trợ toàn bộ tiền thuê nhà, điện, nước; ốm đau hoặc tai nạn đều được hỗ trợ thỏa đáng. Vậy nên, bản thân em và những công nhân khác đều xác định gắn bó lâu dài ở đây, tích cực trau dồi tay nghề để đáp ứng yêu cầu công việc.

 

Ngoài sản xuất kinh doanh tốt, doanh nhân, cựu chiến binh Nguyễn Công Thỷ còn tích cực tài trợ cho các hoạt động xã hội trên địa bàn, như: tài trợ thường xuyên cho Hội Nạn nhân chất độc da cam phường Quang Vinh; nhiều lần tài trợ cho các hoạt động của Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Chữ thập đỏ và các đoàn thể của tổ Điện lực 1… Ông Đoàn Văn An, 82 tuổi nhận xét: Ông Thỷ là người có uy tín, được nhân dân trong và ngoài tổ quý trọng vì không những làm kinh tế giỏi, gương mẫu trong cuộc sống mà còn tích cực ủng hộ các hoạt động xã hội.