Vốn tín dụng ưu đãi với chương trình xoá nghèo

10:59, 30/12/2011

Võ Nhai là huyện vùng cao có nhiều xã đặc biệt khó khăn, số hộ nghèo đông (năm 2010 còn 19,69% tổng số hộ trên địa bàn). Để giúp các hộ nghèo vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng thì vai trò của Ngân hàng Chính sách - Xã hội (NHCSXH) ở đây rất quan trọng.

          

Thực tế cho thấy, những hộ nghèo thường thiếu vốn để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh (SXKD), nếu vay vốn tín dụng thương mại sẽ khó có cơ hội phát triển so với các hộ bình thường khác. Vì vậy, Phòng Giao dịch (GD), NHCSXH huyện đã chung sức cùng cấp uỷ, chính quyền và tổ chức đoàn thể ở địa phương triển khai cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để giúp hộ nghèo có điều kiện đầu tư vốn phát triển SXKD cải thiện cuộc sống. Trong năm, Phòng đã luôn bám sát các chương trình kinh tế của địa phương, các chương trình xoá đói giảm nghèo để tổ chức triển khai vốn vay đến với hộ nghèo. Do địa bàn rộng, dân cư ở không tập trung, đường đi lại khó khăn, đội ngũ cán bộ của Phòng ít nên Phòng đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên thành lập được 374 tổ tiết kiệm và vay vốn để quản lý, thu nợ cho Ngân hàng. Vì vậy, vốn của NHCSXH đã phủ kín các xã.

 

Trong năm 2010, Phòng đã thực hiện cho vay 9 chương trình (hộ nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường, học sinh sinh viên, cho vay hộ SXKD vùng khó khăn, cho vay thương nhân vùng khó khăn; cho vay dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở) với tổng dư nợ 139.830 triệu đồng, đạt 97,59% kế hoạch (tính đến 30/11/2010). Trong đó, riêng dư nợ hộ nghèo (kể cả vốn Trung ương và địa phương) là 62.437 triệu đồng, đạt trên 99% kế hoạch với tổng số 5.518 hộ nghèo đang dư nợ, riêng năm 2010 số hộ nghèo được đầu tư là 1.699 hộ). Bình quân mỗi hộ nghèo được vay 12 triệu đồng. Từ vốn vay của NHCSXH, các hộ nghèo đã có điều kiện đầu tư mua trâu, bò; chăn nuôi lợn gà, trồng rừng; mua máy móc thiết bị (máy cày, máy xay sát gạo cám) phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp, buôn bán nhỏ. Ngoài ra, năm 2010, Phòng còn thực hiện các chương trình cho vay khác (cũng thuộc diện các hộ nghèo) như: Cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn (1.722 em); cho vay xây dựng 850 công trình nước sạch ở những khu vực thiếu nước và cho vay để thực hiện xây dựng nhà ở theo Quyết định 167 là 582 hộ; 90 lao động vay vốn theo chương trình tạo việc làm từ nguồn vốn 120; có 482 hộ vùng khó khăn được vay vốn SXKD… Từ đó đã giúp các hộ nghèo dần ổn định cuộc sống.

 

Theo thống kê,  năm 2010, toàn huyện đã có 898 hộ thoát nghèo, giảm 5,51% so với đầu năm. Có nhiều hộ đã bứt phá vươn lên như hộ ông: Bùi Văn Dũng ở xóm Cổ Rồng, thị trấn Đình Cả, trước đây, hoàn cảnh gia đình luôn túng thiếu, mặc dù có sức khoẻ, có đất đai, nhưng không có vốn làm ăn, không có tư liệu sản xuất nên  NHCSXH đã mạnh dạn đầu tư cho vay đến 30 triệu đồng  để gia đình ông tham gia trồng rừng và trồng mới, chăm sóc 5 sào chè. Đến nay, cuộc sống gia đình ông đã thoát nghèo và được cải thiện khá hơn. Hoặc gia đình bà Lành Thị Táy ở xóm Suối Cạn, xã Phú Thượng cũng là một trong những hộ rất nghèo, năm 2009, NHCSXH đầu tư cho vay 5 triệu đồng để chăn nuôi lợn, năm 2010 đầu tư thêm 15 triệu đồng để mua máy cày, đến nay, gia đình bà cũng đã có thu nhập ổn định. Trong những xã NHCSXH đầu tư vốn, các xã La Hiên, Phú Thượng, Tràng Xá có số hộ nghèo giảm nhanh nhất. Tính bình quân toàn huyện trong 5 năm (2006-2010) số hộ nghèo giảm từ 52% (năm 2006) xuống còn 19,69% (năm 2010), trong đó có sự đóng góp không nhỏ từ đầu tư vốn tín dụng ưu đãi của NHCSH huyện. 

 

Theo ông Hoàng Long Giáp, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Võ Nhai: Để giúp các hộ nghèo có điều kiện vươn lên nữa, năm 2011, NHCSXH sẽ tăng xuất đầu tư cho những hộ nghèo có điều kiện tốt được vay mức bình quân lên đến 30 triệu đồng. Bên cạnh đó sẽ phối hợp tích cực với các tổ chức đoàn thể củng cố các tổ tiết kiệm và vay vốn quản lý vốn có hiệu quả; phối hợp với các ban, ngành chức năng thực hiện lồng ghép các chương trình tín dụng ngân hàng với chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn họ tiếp cận phương thức sản xuất hàng hoá để giúp họ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, sử dụng vốn có hiệu quả, tạo điều kiện giúp họ thoát nghèo nhanh hơn.