Ngày 4-12, Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) đã tổ chức Hội nghị bàn về vấn đề xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm rau, cá an toàn. Dự Hội nghị có đại diện Sở Khoa học Công nghệ Thái Nguyên, Trung tâm Kiểm định chất lượng giống, vật tư nông nghiệp và đại diện các hộ nông dân tham gia mô hình rau, thủy sản vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo số liệu tổng hợp của cơ quan chức năng hiện T.P Thái Nguyên có 750 ha rau xanh các loại, với sản lượng 14.500 tấn/năm, nhưng chủ yếu sản xuất theo cách truyền thống, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong nuôi trồng thủy sản, toàn tỉnh có gần 7.000 ha mặt nước có thể nuôi cá, sản lượng đạt 4.500 tấn/năm. Song vì lợi nhuận, nhiều hộ còn sử dụng các loại thuốc, hóa chất, chế phẩm độc hại trong chăm sóc rau và chăn nuôi thủy sản… gây ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu và tiêu dùng.
Nhiều ý kiến tham gia tại Hội nghị được tập trung chủ yếu vào việc cần nhanh chóng khắc phục tình trạng nêu trên. Coi đó là giải pháp hữu hiệu nhất trong việc xây dựng cho thương hiệu sản phẩm của mình. Trong thời gian trước mắt, với hộ nông dân tham gia sản xuất rau, nuôi cá an toàn theo tiêu chuẩn Việt GAP cần được cơ quan chức năng Nhà nước quan tâm hơn, như hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, trong khâu tiêu thụ sản phẩm cũng cần được tổ chức chặt chẽ, như phối hợp với các siêu thị, cửa hàng bán lẻ trong thành phố, thị xã bao tiêu sản phẩm, có hỗ trợ giá. Trên từng sản phẩm cần duy trì việc gắn địa chỉ nơi sản xuất, từng bước tiến tới việc thành lập các hợp tác xã sản xuất rau, cá an toàn, qua đó xây dựng được thương hiệu cho từng vùng sản xuất.