Xây dựng vùng chuyên canh rau an toàn

08:21, 01/12/2011

Thời gian qua, huyện Đại Từ đang từng bước xây dựng vùng chuyên canh rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP để hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp sạch.

Đối với các sản phẩm nông nghiệp, chứng chỉ VietGAP được coi là tấm “giấy thông hành” đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng. Xác định được tầm quan trọng của vấn đề này, trong thời gian qua, huyện Đại Từ đang từng bước xây dựng vùng chuyên canh rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP để hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp sạch. Tuy nhiên, để mô hình này thật sự phát huy được hiệu quả thì còn rất nhiều vấn đề cần được quan tâm tháo gỡ...

 

Chúng tôi đến xã Hùng Sơn - nơi được huyện Đại Từ lựa chọn làm điểm thực hiện mô hình trồng rau an toàn (RAT). Đây là vùng đất có sẵn các tiềm năng về đất đai, nguồn nước, khí hậu phù hợp với việc phát triển cây rau theo hướng an toàn. Đặc biệt là người dân nơi đây có nghề trồng rau lâu đời, lại mạnh dạn đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng. Mô hình trồng RAT này được huyện triển khai từ năm 2005 với quy mô 5ha tại các xóm 5, 6, 18 với trên 50 hộ dân tham gia. Các hộ dân được cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật về tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất RAT. Trong đó, tập trung chủ yếu vào quy trình sản xuất RAT từ việc chọn đất trồng phải là đất cao, thoát nước, xa khu công nghiệp, không có tồn dư hóa chất độc hại.

 

Về nguồn nước tưới, người dân nên sử dụng nguồn nước không ô nhiễm, nếu có điều kiện thì sử dụng nước giếng khoan (đối với rau xà lách và các loại rau gia vị), dùng nước sạch để pha phân bón lá và thuốc bảo vệ thực vật. Đối với phân bón thì tăng cường sử dụng phân hữu cơ hoai mục, tuyệt đối không bón các loại phân chuồng chưa ủ hoai, không dùng phân tươi pha loãng nước để tưới, sử dụng phân hóa học bón thúc vừa đủ theo yêu cầu của từng loại rau và cần kết thúc bón trước khi thu hoạch  ít nhất  7 ngày. Các hộ dân cũng được khuyến cáo chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật  khi thật cần thiết và theo các yêu cầu như không sử dụng loại thuốc cấm sử dụng cho rau, chọn các thuốc có hàm lượng hoạt chất thấp, ít độc hại với thiên địch, các động vật khác và con người, ưu tiên sử dụng các thuốc sinh học (thuốc vi sinh và thảo mộc)... Ngoài ra, các hộ dân còn được hỗ trợ vật tư, phân bón.

 

Bên những luống rau xanh mơn mởn được trồng theo tiêu chuẩn an toàn, chị Đào Thị Oanh, xóm 5 cho biết: Gia đình tôi mạnh dạn đăng ký tham gia mô hình trồng RAT với diện tích 1 nghìn m2. Cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, gia đình tôi vay mượn anh em bạn bè thêm 60 triệu đồng để làm nhà lưới, hệ thống tưới phun nước tự động, hệ thống điều chỉnh nhiệt độ, cường độ ánh sáng... Sau bao ngày trồng rau vất vả theo đúng quy trình và sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, những sản phẩm RAT của chúng tôi đã có mặt trên thị trường gồm cải ngọt, cần tây, tỏi tây, su hào, súp lơ... Thêm nữa, được các đồng chí lãnh đạo huyện quan tâm tạo điều kiện cho chúng tôi mượn một quầy bán hàng tại cửa chợ thị trấn Đại Từ nên rau mang ra đến đâu bán hết ngay đến đó. Giá cả thì phải chăng chỉ đắt hơn rau thường trong chợ từ 200 đồng đến 500 đồng/kg...

 

Tuy nhiên, cửa hàng bán RAT này chỉ duy trì được vài tháng, sau đó phải đóng cửa. Chia sẻ với chúng tôi, chị Trần Thị Tuyết, xóm 5 cho hay:  Sở dĩ RAT của chúng tôi không tồn tại được bởi nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là vì hai lý do. Thứ nhất là do rau bán chạy, lượng cung không đủ cầu nên một số người dân vì lợi nhuận đã lấy rau ở chợ ra bán tại cửa hàng RAT bị người mua phát hiện và “tẩy chay”. Thứ hai, do người trồng rau chỉ tập trung vào một vài loại rau thông thường, nên không đa dạng phong phú về chủng loại rau. Một quầy bán hàng muốn tồn tại phải luôn có khoảng 10 loại rau cung cấp thường xuyên, liên tục, trong khi người dân lại chỉ “đua nhau” trồng vài ba loại rau. Vì những lí do trên mà mô hình sản xuất RAT của huyện giờ “co lại” chỉ còn lại khoảng 2ha tại xóm 5 với 23 hộ tham. Như vậy có thể thấy rõ nghịch lý: người tiêu dùng có nhu cầu rất lớn về sử dụng RAT nhưng khó mua, còn người trồng RAT thì không thể sống được với chính sản phẩm RAT của mình.

 

Bà Nguyễn Thị Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: Để RAT có chỗ đứng trên thị trường, trong thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn thẩm định, cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap cho vùng trồng rau đạt tiêu chuẩn. Song song với đó, chúng tôi cũng đang lựa chọn thêm một số xã có điều kiện tự nhiên phù hợp để đầu tư nhân rộng mô hình sản xuất RAT trên địa bàn. Một trong những việc cần làm ngay là ngành nông nghiệp phải là cầu nối giữa các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ với các tổ hợp tác, nông dân sản xuất rau. Ngoài việc mở lại quầy hàng quảng bá bán sản phẩm cho nông dân, trên địa bàn xã Hùng Sơn mới khai trương Siêu thị Hùng Sơn, chúng tôi dự kiến sẽ làm làm việc với người có thẩm quyền tại cơ sở này để tham gia bán hàng nông sản sạch của địa phương. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước thì bản thân những người trồng rau cũng cần chủ động và tích cực hơn trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ của mình. Hơn nữa, để rau an toàn thực sự có chỗ đứng trên thị trường không chỉ những người sản xuất rau cần đảm bảo đúng quy trình sản xuất rau an toàn mà người tiêu dùng cũng phải nhận thức, bài trừ những sản phẩm rau không an toàn...