Anh “Tứ mía tím” làm giàu

08:12, 10/01/2012

Gặp anh tại hội nghị về điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi của địa phương, ấn tượng trong tôi về anh là một người nông dân chất phác, hiền lành nhưng năng động trong nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng để tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho gia đình. Anh là Nguyễn Văn Tứ, nông dân xóm Đặn 1, xã Ký Phú, vùng đất bán ngập còn nhiều khó khăn trên địa bàn huyện Đại Từ.

Giáp Tết, chợ quê Ký Phú đông đúc hơn các phiên chợ ngày thường. Trẻ em được cha mẹ cho đi chợ mua những tấm áo mới, một số người tranh thủ mua bó lá dong, ống giang về chẻ lạt gói bánh chưng, còn đa số mọi người tập trung vào mua bán các mặt hàng như măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương, bánh kẹo... Không khí ngày Tết đã hiện hữu nơi mảnh đất bán ngập này. Tại một góc chợ, chúng tôi thấy một vài cụ già tay lựa từng cây mía, giơ lên, đặt xuống ra chiều chưa vừa ý, họ bèn rủ nhau vào tận vườn nhà anh “Tứ mía tím” để chọn mía dựng bên cạnh bàn thờ. Theo lời giải thích của các cụ già thì “hai cây mía đặt ở hai bên bàn thờ ngày Tết là để các cụ chống gậy về với con cháu, dẫn linh hồn tổ tiên từ trên trời về hạ giới, thứ nữa là để xua đuổi tà ma, vận hạn đen đủi trong năm”...

 

Men theo những chân ruộng ngô, chúng tôi tìm vào nhà anh Tứ, người trồng nhiều mía tím nhất của xã Ký Phú và được bà con nơi đây trìu mến gọi bằng cái tên “Tứ mía tím”. Trong câu chuyện kể với chúng tôi về cơ duyên của mình với cây mía tím, anh Tứ cười hiền: Quê tôi còn nghèo lắm, đa số đời sống người dân còn thấp, chỉ sản xuất độc canh cây lúa, cây ngô nên ít có điều kiện chăm lo cho con cái học hành. Từ khi có Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, người nông dân chúng tôi đã co những chuyển biến về nhận thức, hăng hái tham gia các phong trào thi đua, vượt khó làm giàu, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng và phát triển nông thôn mới...

 

Qua lời kể của anh Tứ, cây mía tím “bắt duyên” với mảnh đất Ký Phú này cũng được gần chục năm trời. Nhưng lúc đó, gia đình anh trồng ít, chỉ khoảng một, hai sào để học hỏi kinh nghiệm và thử nghiệm xem giống cây này có phù hợp với đồng đất nơi đây không. Qua trồng thử nghiệm, gia đình anh thấy cây mía phù hợp với chân đất cao, sâu bệnh ít, hiệu quả kinh tế hơn hẳn so với trồng màu nên từ năm 2005 trở lại đây, gia đình anh luôn trồng ổn định 5 sào mía tím. Nói về hiệu quả mô hình kinh tế của gia đình anh Tứ, đồng chí Trần Văn Là, Phó Chủ tịch UBND xã Ký Phú cho biết: 5 sào mía tím của gia đình anh Tứ luôn được chăm sóc chu đáo nên mía sinh trưởng khá tốt, không bị đổ ngã, ít sâu bệnh, ai thăm cũng thích mắt. Một sào mía tím bán buôn cũng được trên 10 triệu đồng, còn để bán lẻ cũng được từ 3 nghìn đồng đến 5 nghìn đồng/cây. Tính chung, vụ mía năm nào gia đình anh cho thu nhập trên 70 triệu đồng, cao gấp 5 lần so với trồng lúa. Đặc biệt, trồng mía có ưu điểm là cho thu nhập cao, tốn ít công chăm sóc, chi phí thuốc bảo vệ thực vật thấp hơn so với cây trồng khác trong vùng.

 

Để tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, năm 2011, gia đình anh còn thực hiện mô hình trồng mía tím xen đậu tương xuân do Trạm Khuyến nông huyện triển khai với diện tích 0,5ha. Thời gian đầu, cây mía còn nhỏ, không cạnh tranh dinh dưỡng nhiều nên đậu tương sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế cỏ dại, tăng nguồn phân bón sinh học cho mía. Sau 80 ngày, gia đình anh bắt đầu thu hoạch đậu tương giống VĐN6, năng suất đạt 44kg/sào, giá bán là 15 nghìn đồng/kg, gia đình anh thu được trên 5 triệu đồng. Khi cây mía được 270 ngày - 300 ngày thì đã có nhiều tư thương đến tận ruộng tìm mua. Năm nay, giá mía cao, với diện tích mía tím trên, gia đình anh thu được trên 120 triệu đồng. Anh Tứ chiêm nghiệm: Việc trồng xen đậu tương với mía, không những giúp tăng thu nhập mà còn giúp cải tạo đất, làm tăng độ tơi xốp, khả năng giữ ẩm, giữ phân bón của đất, giảm sâu bệnh, tăng hàm lượng dinh dưỡng trong đất. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng mía tím và thực hiện trồng thâm canh các giống cây trồng để cho hiệu quả kinh tế đạt cao nhất trên một đơn vị diện tích... Còn anh Đỗ Anh Dũng, Phó Trạm trưởng, Trạm Khuyến nông huyện Đại Từ cho rằng: Việc triển khai thành công mô hình trồng xen các cây họ đậu với mía trong vụ xuân không những góp phần hình thành ở người dân thói quen canh tác mới, tận dụng tối đa tiềm năng của địa phương mà còn tạo điều kiện để người dân tăng thêm thu nhập, mở ra hướng mới trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.

 

Đầu xuân Nhâm Thìn, được nghe, được thấy những việc làm cụ thể, đầy tính thuyết phục của một nông dân tiêu biểu trong hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, niềm vui trong như được nhân lên. Hy vọng trong thời gian tới, các cấp, ngành của huyện Đại Từ tiếp tục phát huy tốt hơn nữa việc thực hiện Cuộc vận động có ý nghĩa đặc biệt  này trong mọi tầng lớp nhân dân, góp phần làm nên một diện mạo mới cho quê hương trên con đường xây dựng nông thôn mới...