Trong đề án huy động vàng, thời gian tới, Nhà nước sẽ đứng ra huy động vàng thông qua các TCTD.
Trả lời phỏng vấn nhân dịp đầu năm Nhâm Thìn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết, việc quản lý thị trường vàng một mặt phải đảm bảo quyền của người dân trong dự trữ vàng, mặt khác phải đảm bảo huy động nguồn vốn đó phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn như hiện nay.
"Theo đánh giá của NHNN, lượng vàng trong dân tương đối lớn, khoảng 300 - 500 tấn. Nếu chúng ta không huy động được số vàng này trong dân để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thì đất nước chưa thể mạnh lên được", Thống đốc chia sẻ.
Thống đốc cũng nói thêm rằng, với phương châm như vậy, NHNN đã trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định thay thế Nghị định 174 về quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng, trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh vàng miếng.
Bên cạnh đó, vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 95/2011/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kinh doanh ngoại tệ và vàng. Trên cơ sở hai Nghị định nêu trên, NHNN sẽ trình Chính phủ đề án huy động vàng trong dân để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình tin tưởng rằng, với các công cụ này, một mặt sẽ ngăn chặn được hiện tượng đầu cơ vàng trong nền kinh tế, bình ổn được thị trường vàng, điều tiết giá vàng trong nước diễn biến phù hợp với giá vàng thế giới; mặt khác sẽ huy động được lượng vàng trong dân để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo Thống đốc, trong đề án huy động vàng, thời gian tới, Nhà nước sẽ đứng ra huy động vàng thông qua các TCTD, hay nói khác, các TCTD sẽ làm đại lý cho NHNN trong việc huy động vàng. Với hình thức này, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào thị trường mà thông qua các tổ chức trung gian, ở đây là các TCTD.
Mặt khác, với nhiều công cụ khác nhau, ví dụ kinh doanh vàng trên thị trường quốc tế, Nhà nước sẽ bảo hiểm được rủi ro do biến động của giá vàng thế giới, do đó đảm bảo giá trị tài sản của người dân mà vẫn có thể sử dụng số vàng đó quy đổi thành ngoại tệ để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Trên thực tế, nếu không có ngân hàng làm trung gian và đặc biệt là không có ngân hàng trung ương tham gia với tư cách là người mua vàng cho quỹ dự trữ vàng chính thức thì việc huy động vốn bằng vàng trong dân không thể thực hiện được.
Một số nước cũng đang thực hiện chính sách vừa khuyến khích dân chúng cất trữ vàng vừa huy động nguồn vốn này cho nền kinh tế. Ví dụ như Trung Quốc khuyến khích dân chúng gửi vàng (vàng vật chất) vào hệ thống ngân hàng như là một bảo lãnh cho các khoản tín dụng mà dân chúng có thể vay từ ngân hàng.
Trước đó, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa từng đưa ra gợi ý, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng nghị định về quản lý kinh doanh vàng, nên cũng cần tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc để thu hút lượng vốn rất lớn trong dân cư vào hệ thống ngân hàng./..