Theo tính toán của Ngành Nông nghiệp, diện tích có khả năng bị hạn trên địa bàn trong vụ xuân lên đến trên 14,6 nghìn héc - ta, tập trung nhiều nhất ở Đồng Hỷ, Định Hóa, Phú Lương...
Có mặt tại khu vực hồ Núi Cốc đầu tháng 1-2012, chúng tôi thấy nước hồ cạn hơn khá nhiều so với hơn 1 tháng trước. Nhiều khoảng đất trống giữa lòng hồ đã hiện ra trơ trọi. Những tháng gần đây, trời ít mưa và nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt, sản xuất vụ đông của người dân đã khiến cho nước hồ cạn. Hơn nữa, từ tháng 5-2011 đến nay, hầu hết các khu vực trên địa bàn có lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm từ 13-31%. Do vậy, không chỉ riêng hồ Núi Cốc mà tại các hồ chứa nước lớn, vừa, nhỏ của tỉnh, tình trạng nước bị cạn nhiều cũng diễn ra phổ biến. Ông Đinh Khắc Tĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhận định: Thực tế trên báo trước cho chúng ta những khó khăn sẽ phải đối mặt trong công tác chống hạn vụ xuân năm nay. Theo tính toán của Ngành, diện tích có khả năng bị hạn trên địa bàn trong vụ xuân lên đến trên 14,6 nghìn héc - ta, tập trung nhiều nhất ở Đồng Hỷ, Định Hóa, Phú Lương, Võ Nhai, Phú Bình...
Thái Nguyên hiện đang quản lý vận hành, khai thác, bảo vệ 1.150 công trình thủy lợi vừa và nhỏ (bao gồm 395 hồ chứa, hơn 300 đập dâng, 207 trạm bơm điện, 35 trạm bơm dầu, 203 phai đập và 1 trạm bơm tiêu úng), có nhiệm vụ tích, cấp nước cho trên 87,3 nghìn héc - ta lúa, rau màu và các cây công nghiệp khác. Hầu hết các công trình này đều đã được xây dựng từ những năm 1960. Vì thế, một số hồ chứa, lòng hồ đã bị bồi lấp làm giảm khả năng tích nước, cửa cống lấy nước bị bồi lắng nhiều dẫn đến không lấy được nước, khiến cho việc dùng máy bơm để tận dụng nguồn nước dưới cửa cống cũng gặp nhiều khó khăn. Ở một số địa phương, nhiều tuyến kênh chưa được kiên cố hóa nên thường xuyên bị trượt, sạt gây thất thoát nguồn nước.
Ông Bùi Tiến Chính, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt bão (PCLB) tỉnh cho biết: Chúng tôi đã lường trước những khó khăn trong công tác chống hạn vụ xuân năm nay. Do vậy, Chi cục đã tham mưu với Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng phương án chống hạn. Trong đó, nhiều phương án cũng đã được tính đến. Trường hợp xấu nhất xảy ra, nghĩa là các diện tích cấy lúa không có khả năng cung cấp nước tưới thì các phòng, ban chuyên môn của các huyện, thành, thị; UBND cấp xã cần phải tuyên truyền người dân chuyển đổi sang trồng những loại cây thích hợp, không để ruộng bỏ hoang.
Một trong những phương án tối ưu là Công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh ưu tiên cung cấp nước cho người dân làm đất gieo cấy lúa vụ xuân đúng khung thời vụ; chủ động tích nước, quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò, rỉ thất thoát nước. Đặc biệt, nghiêm cấm tháo nước để đánh bắt cá, phát điện ở các hồ chứa gia đình. Sau khi đã cấp nước đủ để cấy lúa cần tiếp tục tích nước trong các hồ chứa, đập dâng, khi cần thiết mới mở cống để đảm bảo đủ nguồn nước tưới dưỡng lúa. Tuyên truyền, yêu cầu nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, không lấy nước tràn lan, có kế hoạch điều tiết nước, có lịch tưới cụ thể và thông báo cho nhân dân biết để lấy nước.
Những ngày này, việc tổ chức, kiểm tra các công trình thủy lợi, gia cố các phai, đập, kênh dẫn, các trạm bơm điện, trạm bơm cầu cũng đang tiếp tục được Chi cục Thủy lợi và PCLB và các đơn vị liên quan thực hiện. Cùng với đó, việc nạo, vét kênh mương (từ kênh chính, kênh cấp 1, cấp 2 đến kênh nội đồng) cho dòng chảy được thông thoáng, thuận lợi cũng đã được các địa phương triền khai.
Để đảm bảo bù đủ số lương thực thiếu hụt của năm 2011, một trong những giải pháp ngành Nông nghiệp đã đưa ra là tăng diện tích gieo cấy lúa xuân lên 28.000ha (tăng 600ha so với kế hoạch gieo cấy vụ xuân năm trước). Do vậy, nhiệm vụ của Ngành trong năm 2012 khá nặng nề, nhất là khi vụ xuân được dự báo sẽ xảy ra tình trạng khô, hạn. Bởi vậy ngay từ lúc này, các cấp, ngành liên quan và người dân cần nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc điều tiết cũng như sử dụng nguồn nước tiết kiệm. Về phía tỉnh, dự kiến sẽ chi 62 tỷ đồng cho công tác chống hạn vụ xuân năm nay.