Trên địa bàn tỉnh hiện có 160 làng làm các ngành nghề với gần 30 nghìn lao động tham gia sản xuất, kinh doanh. Năm 2011, UBND tỉnh đã quyết định cấp Bằng công nhận làng nghề cho 61 làng.
Thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề đạt từ 1 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/người/tháng… Số lượng làng nghề tương đối lớn nên các địa phương trong tỉnh đang tìm cách phát huy thế mạnh của các làng nghề để nó trở thành hạt nhân trong phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn.
Trong buổi trò chuyện với chúng tôi, ông Bùi Quang Huân (nguyên Giám đốc Sở Công nghiệp) nay là Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề tỉnh rất tâm đắc với chủ trương khôi phục và phát triển các làng nghề, nhất làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Đã gần ở cái tuổi “Thất thập cổ lai hy” nhưng ông Huân vẫn tự bỏ tiền lương hưu mua xăng, lái xe ô tô riêng đi nhiều làng nghề trong tỉnh động viên người dân các làng nghề tham gia Hiệp hội; giúp người dân làng nghề xây dựng nội quy hoạt động, quản lý thương hiệu sản phẩm làng nghề, tham gia chương trình quảng bá giới thiệu sản phẩm. Ông Huân cho rằng: “Đối với một tỉnh trung du miền núi như Thái Nguyên muốn phát triển tiểu thủ công nghiệp ở các vùng nông thôn thì việc cần làm chính là tổ chức lại sản xuất, hỗ trợ các hộ đang sản xuất nhỏ lẻ tập trung lại thành tổ hợp, HTX, doanh nghiệp nhỏ. Từ đó họ sẽ huy động nội lực, vay vốn mua sắm máy móc, công nghệ chế biến nông sản, sản phẩm thô thành sản phẩm tinh có hiệu quả kinh tế cao hơn…”.
Để giúp các làng nghề trên địa bàn phát triển, bước đầu UBND tỉnh đã quyết định hỗ trợ 35 triệu đồng/làng nghề và 40 triệu đồng/làng nghề truyền thống (huyện Phổ Yên, T.P Thái Nguyên trích ngân sách địa phương hỗ trợ thêm 20 triệu đồng/làng nghề); chi 359 triệu đồng giúp một số cơ sở mua thiết bị máy móc chế biến sản phẩm cho làng nghề; tổ chức gần 10 lớp đào tạo nghề cho lao động của các làng nghề ở Phổ Yên, Phú Lương… Từ sự trợ giúp trên, người dân một số làng nghề trong tỉnh đã mạnh dạn huy động nội lực, vay vốn ngân hàng đầu tư mở rộng sản xuất. Ông Nguyễn Duy Luận, Trưởng làng nghề bánh chưng Bờ Đậu, xã Cổ Lũng (Phú Lương) tâm sự: “Nghề làm bánh chưng truyền thống đã giúp nhiều người ở địa phương có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định nên các hộ đều đã hoặc có hướng đầu tư nâng cấp phương tiện, quy mô sản xuất. Ngoài sản phẩm bánh chưng truyền thống, chúng tôi sản xuất thêm sản phẩm bánh mỳ và bước đầu đã được thị trường chấp nhận…”.
Mặc dù số các làng nghề được công nhận đã tăng lên hằng năm, vai trò của làng nghề về giải quyết việc làm, thu nhập đối với người dân địa phương đã được khẳng định, nhưng để các làng nghề phát triển bền vững thì vẫn còn nhiều việc phải làm như: Xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm tại các làng nghề; xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cho các làng nghề; đăng ký nhãn hiệu tập thể… Anh Nguyễn Hữu Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Ngoại thương Việt Nam, ở xóm Tân Ấp I, xã Phúc Thuận (Phổ Yên) cho biết: “Người dân trong làng đều có kinh nghiệm trồng, chế biến chè nhưng chỉ biết sơ chế bán cho tư thương nên cây chè chưa giúp nhiều hộ làm giàu. Vừa qua, chúng tôi được đi tham quan tại một số công ty chế biến chè của Đài Loan, phát hiện họ đặt mua chè khô của chúng ta chỉ khoảng từ 80 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng/kg, nhưng sau khi chế biến, đóng gói thì bán với giá từ 50USD đến 100USD/kg. Do vậy, nếu được hỗ trợ, giúp đỡ về thị trường, công nghệ, người dân sản xuất, chế biến chè ở địa phương tôi chắc chắn sẽ có cơ hội phát triển”…
Văn hóa làng xã đã tạo dựng được mối gắn bó chặt chẽ trong đời sống tinh thần của người dân các làng nghề trong tỉnh và nếu sự gắn bó này tiếp tục phát huy trong phát triển kinh tế hàng hóa thì chắc chắn đây sẽ là hạt nhân chủ đạo trong phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn.