Ghi ở vùng trồng quất

11:00, 12/01/2012

Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, nhưng những người trồng quất ở xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên) vẫn đang thấp thỏm, chờ đợi giá quất những ngày giáp Tết tăng cao nhằm nâng cao thu nhập.

Xã Thịnh Đức có 2.012 hộ dân với trên 7.173 nhân khẩu, kinh tế chủ yếu dựa vào trồng chè và cấy lúa. Khoảng 5- 6 năm trở lại đây, hàng trăm hộ dân trong xã đã phát triển kinh tế gia đình từ việc trồng quất để bán quả. Quất ở đây trồng chủ yếu tập trung ở các xóm như: Bến Đò, Cây Thị, Cầu Đá…Những ngày này dạo qua các xóm trên đâu cũng thấy những vườn quất xum xuê quả. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi mà người trồng quất nơi đây đã có được những cây quất sai quả. Thế nhưng trước việc nhiều người dân trồng mới và trồng thêm, lại không có đầu ra đã kéo theo giá quất từ đầu năm giảm xuống hơn so với những năm trước. Người trồng quất đang thấp thỏm, chờ đợi giá quất những ngày giáp Tết tăng cao nhằm tăng thêm thu nhập.

 

Trên mảnh vườn khoảng chừng 5 sào với trên 600 gốc quất thương phẩm, ông Đỗ Văn Vinh, xóm Bến Đò đang tỉ mẩn chăm chút, buộc buộc, cắt cắt cho vườn quất đủ kiểu dáng. Ông Vinh cho biết: Do năm nay giá quất quả giảm hơn so với những năm trước nên cả tháng nay gia đình đã bỏ công sức tạo thế, tạo dáng cho cây để bán cây chứ không bán quả, dù có vất vả hơn nhưng thu nhập lại cao hơn.

 

Cũng giống như nhiều hộ dân trong xóm, gia đình ông Vinh giàu lên từ nghề trồng quất từ 5-6 năm nay. Mỗi năm gia đình ông thu về 25-30 triệu đồng từ việc bán quả quất, riêng những ngày giáp Tết Nguyên đán ông có thể thu về từ 5-7 triệu đồng. Năm nay, mặc dù quất sai quả từ đầu năm, nhưng với giá trung bình 15.000 đồng/kg gia đình ông đến giờ cũng chỉ thu về không quá 15 triệu đồng.

 

Nếu như thời điểm này năm ngoái, về xã Thịnh Đức thì hầu như những vườn quất ở đây đã vãn quả thì năm nay hàng trăm hộ trồng quất với những vườn quất xum xuê quả vẫn đang chờ đợi giá  tăng. Anh Hoàng Ngọc Ánh, xóm Bến Đò đã 4 năm trồng quất cho biết: Kinh tế gia đình chủ yếu phụ thuộc vào việc bán quất xanh, những năm trước với 400 gốc quất, giá bán trung bình cả năm là 25 nghìn đồng/ kg quất xanh, gia đình cũng thu về trên 30 triệu đồng, năm nay nếu giá cả những ngày giáp Tết có tăng cao thì gia đình cũng chỉ thu về không quá 20 triệu đồng.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết không giống như những người trồng quất ở các tỉnh Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên…chủ yếu là trồng quất cảnh để bán cho người chơi quất ngày Tết nhằm mang lại nhiều may mắn cho gia đình trong năm mới, mà người dân ở đây trồng quất chủ yếu lấy quả để bán, do đó giá trị kinh tế thu được không cao. Tuy nhiên vẫn có 1 số ít hộ trong xã do chịu khó học hỏi ở nhiều nơi đã biết tạo quất cảnh để bán đem lại lợi nhuận kinh tế khá cao. Chị Hoàng Thị Đường, xóm Cầu Đá là một điển hình trong số đó. Quê Hưng Yên lên Thái Nguyên lập nghiệp từ hơn 10 năm nay, với chút ít kinh nghiệm từ trồng cây cảnh vì thế ngay sau khi bước chân lên mảnh đất Thái Nguyên lập nghiệp, với gần 10 ha đất chị đã trồng các loại cây như cam, bưởi, chanh…nhưng nhiều nhất vẫn là quất. Hiện tại trong vườn nhà chị có gần 1.000 gốc quất các loại, trong đó có trên 300 cây quất cảnh phục vụ Tết Nhâm Thìn. Khi được hỏi về giá trị từ việc bán quất cảnh chị Đường cho biết: Ngay từ đầu tháng 11, gia đình chị đã bán cho thương lái 240 gốc quất cảnh với giá 50 triệu đồng, còn lại hơn 100 gốc để gia đình bán cho những người có nhu cầu chơi quất cảnh trong dịp Tết với giá trung bình trên 300 nghìn đồng/cây. So với  giá năm ngoái thì năm nay tăng khoảng 30%.

 

Thiết nghĩ nếu những hộ trồng quất nơi đây biết học hỏi và chịu khó đầu tư như gia đình chị Hoàng Thị Đường thì giá trị kinh tế đem lại từ việc trồng quất sẽ rất cao. Tuy nhiên theo những người trồng quất nơi đây, so với các loại cây trồng khác như: lúa, chè, keo…thì trồng quất quả thu lại lợi nhuận cao hơn mà lại tốn ít thời gian và chi phí, công chăm sóc. Năm nay, mặc dù giá quất quả trong năm có giảm hơn so với những năm trước nhưng người dân vẫn có lãi.

 

Ông Lê Thanh Long, Phó Chủ tịch UBND xã Thịnh Đức cho biết: "Từ nhiều năm nay, nghề trồng quất đã là thế mạnh kinh tế của nhiều người dân trong xã. Tuy nhiên, việc người dân đổ xô làm theo phong trào mà không biết vận dụng theo nhu cầu thị trường sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro nếu kênh tiêu thụ không chắc chắn. Những năm tới xã sẽ vận động bà con học hỏi kỹ thuật trồng quất cảnh để chuyển dần diện tích quất bán quả sang bán quất cảnh ".